Jimmi Nguyễn làm phim vì khao khát cái đẹp

Bước đầu thành công trong âm nhạc, Jimmi Nguyễn quyết tâm bước vào lĩnh vực mà anh say mê đã lâu - điện ảnh. Chàng ca sĩ đang rất nóng lòng tìm một đạo diễn thích hợp và nhà tài trợ cho dự án này.

Đang là một nhạc sĩ, ca sĩ có tiếng, giờ lấn sân sang điện ảnh, anh nghĩ sao nếu bị nói là người "khao khát tên tuổi"?

Tên tuổi thì ít nhiều tôi cũng đã có. Tôi làm phim vì khát khao cái đẹp. Tôi sống ở Mỹ từ khi 8-9 tuổi nên ngay từ bé đã được xem những bộ hay phim của Mỹ. Tôi thích phim từ đó nhưng điều kiện và khả năng lúc bấy giờ chưa cho phép tôi thực hiện đam mê. Giờ thấy mình đã đủ chín chắn để viết những kịch bản mang tính nhân văn của người Việt Nam nên tôi mới thực hiện ý định. Hơn nữa, điện ảnh Việt Nam chưa phát triển, tôi là người đam mê điện ảnh mà không làm được cái gì đó góp phần cho phim ảnh nước nhà cũng thấy áy náy. Chính điều đó đã thôi thúc tôi viết kịch bản.

Các kịch bản của anh phản ánh về vấn đề gì?

Hầu hết nghiêng về đời sống và nét đẹp của con người, những điều tưởng như không thể tìm thấy, nhưng lại có thể tìm được ở Việt Nam. Đối tượng mà tôi đề cập đến là những con người vươn lên từ nghịch cảnh. Trong 6 kịch bản, có một kịch bản khi các bạn sinh viên nghèo xem xong sẽ không còn mặc cảm về sự thua thiệt của mình.

Việt Nam làm phim hành động sẽ không thể bằng Hong Kong hay Mỹ, cho dù có bỏ ra một số tiền lớn. Từ đó tôi tự hỏi, tại sao mình không dùng số tiền đó để làm một tác phẩm giúp cho thế giới biết về cái đẹp nhân văn trong cuộc sống người dân Việt Nam.

Các nhân vật trong kịch bản, nhân vật nào mang dáng dấp của anh?

Trong 6 kịch bản, có một vài nhân vật có hình ảnh tôi. Đơn giản vì tôi đã phải trải qua nhiều nghịch cảnh, thử thách. Tôi đã, đang và sẽ tha thứ cho những người không thích tôi, hại tôi mặc dù họ không biết gì về tôi cả. Tôi viết những kịch bản này xuất phát từ nội tâm. Có kịch bản tôi viết từ năm 1992, khi tôi còn nhỏ. Tôi hy vọng mình sẽ vào vai các nhân vật đó để lột tả được điều mình muốn nói, nhưng bây giờ tôi đã lớn tuổi không còn thích hợp nữa. Nếu có đóng phim, tôi sẽ vào vai nhân vật này lúc tuổi đã già.

Anh sẽ bố trí thế nào để việc làm phim không ảnh hưởng gì đến chuyện ca hát?

Tôi có ý định làm phim lâu rồi. 10 năm trước, khi chuẩn bị về Việt Nam, tôi dự tính sau khi đứng vững trong sự nghiệp ca hát và sáng tác tại Việt Nam, có tiền, tôi sẽ dốc hết cho phim ảnh. Dù kinh nghiệm đấy vỏn vẹn chỉ là "nghe" và "thấy" nhưng "mưu sự tại nhân" mà không thành sự cũng tại nhân. Tôi đã phải trả giá rất đắt. Đến giờ, sự nghiệp ca hát và sáng tác của tôi mới bắt đầu ổn định một chút. Tôi không muốn tốn thời gian nữa nên phải dành hết sức làm cả hai.

Anh muốn hợp tác với đạo diễn nào để đưa những đứa con tinh thần của mình đến với khán giả?

Đôi lúc xem một số phim Việt Nam làm tôi suy nghĩ và phấn khởi như Mê thảo - thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh. Tôi rất thích cách làm phim của đạo diễn Việt Linh, phim của chị khiến cho người xem phải suy nghĩ. Tôi tự suy diễn phải chi Việt Nguyễn (nghệ danh sáng tác của Jimmii Nguyễn) được gặp đạo diễn Việt Linh.

Xem nhiều bộ phim của Mỹ, vậy anh sẽ áp dụng phong cách làm phim nào vào các tác phẩm của mình?

Tôi dám khẳng định mình là một trong những fan của phim Mỹ. Không phim nào tôi bỏ qua, kể cả phim kinh dị, phim hoạt hình cho đến phim thế giới loài vật.

Các nhà làm phim Mỹ sản xuất các tác phẩm điện ảnh cho cả thế giới xem. Họ thành công không chỉ về vấn đề tài chính mà còn nói lên văn hoá và nét đẹp nhân văn của Mỹ. Đi bất cứ quốc gia nào, tài tử Hollywood cũng đều được trọng vọng hơn cả. Điều đó không phải do người diễn viên tạo nên mà do cả một hệ thống làm phim Mỹ.

Khó khăn của anh bây giờ là gì?

Đó là dựng phim làm sao cho cả khán giả trong nước và ngoài nước đều xem được. Người Mỹ làm phim, người Việt Nam xem được, nhưng tại sao chúng ta không làm phim cho họ xem được. Đó là vì chưa tìm ra được đường lối. Nếu đạt được điều này, điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển. Lúc đầu tôi cũng chẳng biết gì về nhạc, nhưng khi em gái tôi mất, người yêu tôi mất, tôi tự viết nhạc và đi hát luôn.

Theo Ngoisao