Huyền sử Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép độc nhất Việt Nam
(Dân trí) - Mang dáng hình cá chép đang quẫy đuôi vươn mình ra biển lớn, mảnh đất "địa linh, nhân kiệt" Hành Thiện luôn có những câu chuyện huyền bí và cuốn hút được lưu truyền.
"Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện", câu ca từ bao đời nay có ý nghĩa là: Làng Cổ Am nổi tiếng nhất xứ Đông, làng Hành Thiện nổi tiếng nhất xứ Nam.
Hành Thiện ở đây là địa danh thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - một ngôi làng có hình cá chép đang quẫy đuôi vươn ra biển lớn. Nơi này vốn là đất học lừng lẫy với nhiều danh nhân và người đỗ đạt cao.
Làng Hành Thiện từ lâu đã được nhiều chuyên gia về lịch sử, địa lý, địa chí, văn hóa, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật... quan tâm nghiên cứu.
Cuốn sách Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử được ra mắt trong tháng 10 cũng là một nguồn tham khảo dành cho những người muốn tìm hiểu về ngôi làng này.
Nhà báo Quốc Phong - chủ biên cuốn sách - là người con của quê hương Hành Thiện nhưng không chào đời ở đây. Đến năm 1984, khi 28 tuổi, ông mới được về thăm làng lần đầu.
Trong 45 năm hành nghề, nhà báo Quốc Phong đã có khoảng 50 bài viết về làng Hành Thiện cùng các nhân vật tiêu biểu của quê hương. Thế nhưng, ông tự thấy vẫn còn nhiều điều chưa khám phá hết về nơi nguồn cội của mình.
Với niềm say mê viết về Hành Thiện tựa như một "mỏ vàng" vô tận, trong cuốn sách mới, nhà báo Quốc Phong chọn in lại khoảng 30 bài viết của mình.
"Tôi thấy rất lạ nên đã tự giải mã về hiện tượng có vẻ không bình thường: Vì sao làng Hành Thiện quê tôi có nhiều nhân vật nổi tiếng như vậy? Hóa ra cũng không hề bất ngờ. Dễ hiểu bởi cội rễ sâu xa trong vài trăm năm qua, ngôi làng Hành Thiện vốn đã là đất học nổi tiếng nên nhiều người đỗ đạt cao và cứ dần dần, tích tụ lại và góp phần làm rạng danh đất học Thành Nam", ông chia sẻ.
Cuốn sách Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử gồm có 2 tập.
Tập 1 phần lớn là những bài báo do nhà báo Quốc Phong viết về mảnh đất con người, truyền thống lịch sử và văn hóa của làng Hành Thiện. Một số bài tác giả biên tập lại bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Bích Đạt, Phó Giáo sư Sử học Đặng Đức An và một số người làng mà ông tâm huyết, hiệu chỉnh cho phù hợp.
Từ các câu chuyện cụ thể, người đọc có thể lý giải được vì sao Hành Thiện lại trở thành một làng vạn chài và buôn bán, văn hóa và văn hiến, khoa học và nghệ thuật, mảnh đất yêu nước và cách mạng lừng danh.
Độc giả cũng có thể hình dung ra nếp nhà và nếp làng đã hình thành nên phẩm chất và tính cách, tài năng và đức độ của mỗi người làng Hành Thiện, đến cả những người đã lâu năm không còn sống ở làng.
Tập 2 cuốn sách viết về những nhân vật nổi tiếng làng Hành Thiện với 22 nhân vật thời trung - cận đại và 42 nhân vật thời hiện đại. Tham gia vào tập này còn có Tiến sĩ Sử học Đặng Thị Vân Chi (cũng người làng Hành Thiện).
Nhà báo Quốc Phong đã dày công xây dựng tiêu chí tuyển chọn nhân vật, sưu tầm, tập hợp, giám định tư liệu một cách bài bản, cẩn trọng, xin ý kiến đóng góp của những người am tường, cố gắng phác dựng hình ảnh nhân vật lịch sử - văn hóa gần với chân dung của họ nhất.
Với tâm huyết của mình, nhà báo Quốc Phong hy vọng, đây sẽ là cuốn tư liệu quý giúp những bạn đọc muốn tìm hiểu về Hành Thiện.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - nhận xét: "Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử là cuốn sách vô cùng quý giá, được viết ra từ gan ruột của những người con tha thiết yêu quê và gắn bó máu thịt với làng quê Hành Thiện".
Theo dõi quá trình biên soạn địa chí của nhiều địa phương, ông Ngọc nhận thấy, số lượng nhân vật nổi tiếng của làng Hành Thiện được giới thiệu trong sách thậm chí còn nhiều hơn và ấn tượng hơn nhân vật chí của nhiều tỉnh. Điều này xác nhận tầm thế đặc biệt của làng Hành Thiện, cũng như khẳng định thành công nổi bật của cuốn sách.
Cuốn sách được ra mắt vào ngày 19/10 tại Hà Nội.