Hội nghị khảo cổ học tổng kết những phát hiện khảo cổ mới
(Dân trí) - Ngày 26/9/2013, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tổ chức Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 48. Đây là hội nghị thường niên, nhằm giới thiệu các phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013.
Tham dự hội nghị, có Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký hội khoa học lịch sử Quốc Gia, Phó Giáo sư Tiến Sỹ Khảo cổ học Nguyễn Lân Cường, Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, nguyên Viện trưởng viện khảo cổ học Việt Nam - chủ tịch Danh dự Hội Khảo cổ Việt Nam… và hàng trăm nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, với gần 500 bài tham luận liên quan đến các phát hiện mới của khảo cổ học ở các địa phương cả nước, với các nội dung như: Báo cáo hoạt động khai quật khảo cổ của các cá nhân tổ chức; Thảo luận những vấn đề chung; thảo luận các tiểu ban...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe báo cáo trong năm 2013, về khảo cổ học Thời đại đá có các hoạt động tiêu biểu: Viện Khảo cổ phối hợp với Sở VHTT&DL Lạng Sơn và các chuyên gia nghiên cứu cổ sinh, địa chất Pháp và Úc khai quật di chỉ hang Cốc Mười.
Kết quả cho thấy lớp thạch nhũ trên vách ở H1 có tuổi 108.000 năm BP và 114.000 năm BP, góp phần nghiên cứu so sánh với các di chỉ cổ sinh khác ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hay như, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Đắc Nông tiến hành khai quật lần thứ 2 di chỉ Thôn Tám (xã Đắk Nông). Theo đó, đã xác định rõ Thôn Tám là di chỉ xưởng chế tác công cụ đá, sử dụng chủ yếu đá silic, basalt ngay tại chỗ, và có niên đại gần 5000 năm BP….
Khảo cổ học thời đại kim khí: Khai quật địa điểm Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) lần thứ VII phát hiện một mộ táng Phùng Nguyên với tục nhổ răng cửa, những tư liệu góp phần nghiên cứu giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm; khai quật thấm sát di tích Thành Dền lần thứ VIII góp thêm nhiều tư liệu mới cho việc nghiên cứu văn hóa Đồng Đậu ở Hà Nội.
Trống đồng tiếp tục được phát hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Cạn, Sơn La... Ngoài ra, còn các phát hiện, nghiên cứu về chuông voi, gương, đồ đồng và đồ gốm khác...
Khảo cổ lịch sử: Khai quật di tích Chùa Dạm (Bắc Ninh), đã xuất lộ cho thấy dấu tích một ngôi chùa Hoàng gia thời Lý có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ công phu; khai quật di tích chùa Cao (Bắc Giang) lần 2, bước đầu xác định niên đại, các dấu tích xuất lộ thuộc thời Lý; khai quật tàu Châu Thuận Biển thu được 274 thùng hiện vật gồm: gốm nem ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh thuộc thế kỷ 13. Đây được cho là tàu đắm cổ nhất được khai quật trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay...
Khảo cổ học Chăm Pa - Óc eo: Khai quật tháp Cấm Mít (Đà Nẵng) thu được bộ sưu tập hiện vật bằng đá, thạch anh, vàng... quý giá; tiến hành khảo sát nhiều điểm kiến trúc và cư trú Óc eo như: Phú Long, Gò chùa Tám Ấu, Gò chùa Phước Thiện, Gò Công Éc (Đồng Tháp)...
Sau những thông báo vắn tắt những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012 tại buổi khai mạc, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ chia làm 4 tiểu ban: Khảo cổ học Thời đại đá; Khảo cổ học Chăm Pa - Óc eo; Khảo cổ học Lịch sử; Về Khảo cổ Thời đại kim khí để tiếp tục thảo luận và trao đổi. Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 48 năm 2013 diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 26-27/9/2013.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi lại tại hội nghị khảo cổ học lần thứ 48: