Hoàng Y Nhung: “Chơi thử, sống thật”
(Dân trí) – Theo học ngành thiết kế thời trang của trường kiến trúc, đùng một cái, trong một lần gặp được những nhạc sĩ vang danh, Hoàng Y Nhung đã chuyển sang nghiệp cầm ca trong sự bỡ ngỡ của bạn bè.
Ngồi trước tôi, cô gái có vóc dáng cao, nước da trắng ngần Hoàng Y Nhung cứ đăm chiêu nhìn qua khung cửa kính ngắm cơn mưa như trút nước xuống phố phường Sài Gòn. Nhung xuýt xoa: “Mưa buồn, nhớ quê kinh khủng, anh nhỉ?!”.
Nhung bắt đầu câu chuyện đời mình bằng hình ảnh cha mẹ tần tảo sớm hôm nơi quê nhà. Cơn mưa Sài Gòn và dòng người hối hả tìm mái hiên trú ngụ gợi cho Nhung nhớ về bao hình ảnh yêu dấu của tuổi thơ nơi miền sông nước Cà Mau.
“Ba gốc Nghệ An, mẹ tận Cà Mau. Em sinh ra, lớn lên được thừa hưởng bản tính độc lập, sâu lắng, chịu thương, chịu khó của cha và sự hồn hậu, yêu đời của mẹ. Miệt vườn nghèo nhưng không thể dập tắt ước mơ… ”, vừa nói, Nhung đan chặt 2 bàn tay vào nhau.
Ước mơ của Nhung là làm một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Mơ ước ấy đang dần trở thành hiện thực thì cô gái có mái tóc dài, óng mượt ấy lại đường đột theo một ngã rẽ mới: mơ làm ca sĩ. Nhung bỏ học thiết kế, cha mẹ buồn, bạn bè sốc…
“Em biết theo nghiệp cầm ca không hề đơn giản nhưng cuộc đời có những ngã rẽ mà mấy ai lường trước được. Có tố chất, có đam mê và khát vọng, em tin rằng mình không đánh mất niềm tin ở bao người”, Nhung tâm sự.
Cơ duyên để Nhung đến với ánh đèn sân khấu cũng rất nhẹ nhàng. Thời đi học, nhờ vóc dáng xinh, cao thon, da trắng, Nhung được nhận vào làm gương mặt đại diện cho một nhãn hiệu mỹ phẩm nước ngoài. Trong một lần công ty tổ chức lễ kỷ niệm, có mời ca sĩ, người mẫu về biểu diễn, xem xong chương trình, Nhung thấy như bị cuốn hút. Nghĩ mình có khả năng, tố chất để làm được những điều như các ca sĩ, người mẫu ấy, Nhung bổng dưng chuyển từ thiết kế thời trang sang đi học… hát trong sự ngạc nhiên, mắt tròn mắt dẹt của nhiều người.
Để có tiền trang trải mức học phí “khủng” với 8 triệu/2 tháng luyện thanh, 8 triệu/xướng âm/khoá trong khi lương làm nhân viên mỹ phẩm chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, Nhung phải đi làm thêm việc giao dịch bán hải sản, vật liệu xây dựng, tiếp tân nhà hàng… để kiếm tiền hoa hồng. Nhờ chịu “cày” và cái miệng khá dẻo, Nhung đem lại cho công ty nhiều hợp đồng và thu nhập vì thế cũng đủ cho Nhung theo đuổi ước mơ làm ca sĩ.
Nhờ những ngày “lăn lộn” ở thương trường, Nhung quen biết nhạc sĩ Quốc Vượng. Trong một lần cùng nhạc sĩ tài hoa này đến phòng thu của Trung tâm băng đĩa Hoàng Đỉnh thử giọng. Ai ngờ, nghe xong, Nhung được nhận vào đào tạo. Thế nhưng, đang học được 7,8 tháng thì mẹ đổ bệnh, Nhung phải gác lại giấc mơ làm ca sĩ để về quê chăm sóc mẹ. “Yêu nghề nhưng ba mẹ là trên hết. Em chấp nhận bỏ học”, Nhung tâm sự.
Biết được hoàn cảnh của Nhung, nhạc sĩ Trương Phi Hùng đã động viên và gửi cô gái miệt vườn này cho Học viện Nghệ thuật Metoo. Nhung được đào tạo miễn phí. Nhờ sự dìu dắt của NSUT Ánh Tuyết, vũ sư Endy Cường, nhạc sĩ Thái Hùng… Nhung của sự lận đận, long đong ngày nào nay đã tự tin, mạnh dạn trên ánh đèn sân khấu.
Nhung trung thành với dòng nhạc trẻ, trữ tình và không có yếu tố teen, nhí nhố theo kiểu thị trường. Dòng nhạc tuy khó thể hiện, khó đi vào lòng người hơn nhưng bằng chất giọng ấm, trong và cao… Hoàng Y Nhung luôn được khán giả ủng hộ.
Ngồi trong quán café ồn ào, Nhung không ngần ngại cất tiếng hát theo yêu cầu của tôi. Nhung luyến láy trong từng ca từ của giai điệu bài hát “Con tim lạc lối” do nhạc sĩ Trương Lê Sơn sáng tác. “May mà trong quán café, em còn “giữ mình” chứ vào phòng thu âm, em phiêu lắm”, Nhung cười khi kết thúc bài hát trong tiếng vỗ tay của những người không quen ngồi bàn bên cạnh.
23 tuổi, Nhung mới chập chững bước vào nghề. Ai ngờ, cái nghề mà Hoàng Y Nhung cứ nghĩ bước chân vào “chơi thử”, không được thì đi ra lại trở thành nơi để cô “sống thật”. Sống thật với Nhung có nghĩa là sống thật với mình, cháy bỏng với nghề và có thu nhập để trang trải cuộc sống, lo cho cha mẹ thoát khỏi cảnh cơ hàn.
“Cũng may, chơi thử nhưng sống thật nên ba mẹ giờ mới an lòng về em. Hạnh phúc nào bằng khi em không còn là đứa con bướng bỉnh, bỏ học giữa chừng ngày nào trong mắt cha mẹ”, Nhung tâm sự.
“Xinh đẹp, hát hay… sao em không làm cô gái ngoan, tìm một đại gia chống lưng cho con đường đến với ánh đèn sân khấu đỡ nhọc nhằn”, tôi hỏi. Nhung tít mắt cười: “Em không ngoan. Em mà là gái ngoan thì bây giờ đến với nghề đâu có trễ như vầy. Gia đình nghèo nhưng em được ba bày tính tự lập, mạnh mẽ từ nhỏ. Vốn liếng của em chỉ có giọng hát. Em sẽ đi lên bằng giọng hát của mình”.
Nhung còn tâm sự rằng, ngày xưa, không có điều kiện, khó khăn hơn giờ rất nhiều mà không sa ngã. Nay, cuộc sống dễ thở hơn nhiều mà “nhúng chàm” thì vô lý quá. “Có tiếng ít nhưng tiếng tốt còn hơn ai cũng biết đến mình chỉ vì tiếng xấu, phải không anh. Nhân tiện đây, cho em gửi lời cảm ơn đến ông bầu Trần Quang Bách, Giám đốc học viện Metoo đã cho em có được ngày hôm nay”, Hoàng Y Nhung tâm sự.
NP