1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hoàng Hải từ đời thực đến “Hà Nội, Hà Nội”

Hoàng Hải vừa đoạt giải Cánh diều Vàng dành cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai anh chàng tài xế tốt bụng trong phim Hà Nội, Hà Nội (Cánh diều Vàng 2006).

Cuộc đời Hoàng Hải "ba chìm bảy nổi" chẳng khác nhiều so với nhân vật lương y Hải trong series phim truyền hình Đường đời, vai diễn đưa anh "đăng quang" giải Nam diễn viên được yêu thích nhất (tại Cuộc Bình chọn diễn viên truyền hình được yêu thích nhất 2005 của Tạp chí Truyền hình- Đài THVN).

 

Hoàng Hải sinh ra ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh, anh về Nhà hát Kịch Hà Nội. Sau đó, anh theo gia đình trở về "nguyên quán" Đà Nẵng và đầu quân về Đoàn Ca kịch Quảng Nam.

 

Những năm bao cấp, thù lao nghề diễn ít ỏi, với tấm bằng lái xe tải trọng lớn, anh tranh thủ buôn chuyến đường dài, vào Nam, ra Bắc, lên biên giới Trung Quốc... Mặt hàng đa dạng, từ đậu xanh cho đến những... chú ỉn. Giải nghệ tài xế, anh chuyển sang kinh doanh xe du lịch. Tích góp vốn liếng "kha khá", anh mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Và bây giờ, anh trở thành Giám đốc đại lý phân phối khu vực miền Trung của Hãng Toto (Nhật Bản).

 

Anh khoe, được "quen tên, biết mặt" do đóng phim nên gặp khá nhiều thuận lợi trong giao tiếp, nhưng anh quả quyết, con người nghệ sĩ không can dự vào việc kinh doanh: "Tôi giải quyết công việc không theo cảm tính nghệ sĩ. Sau khi bộ phim đóng máy, tôi nhanh chóng trở lại với cuộc sống thường nhật chứ không ảo tưởng về thế giới nghệ sĩ".

 

Anh tâm sự, "bà xã" không làm nghệ thuật nhưng hoàn toàn tin tưởng ở chồng, dù có khi, cả năm anh "bôn ba" với đoàn phim hết trong Nam, ngoài Bắc. Hỏi anh, chị nhà xem phim thấy chồng đóng cảnh tình cảm có ghen? Anh kể câu chuyện vui: "Có lần, tôi đưa vợ đến trường quay. Xem tôi diễn cảnh hôn nhau giữa biết bao nhiêu người, đèn sáng rực, hơi nóng chói chang, về nhà vợ thốt lên: "Đóng phim cũng mệt, anh nhỉ!".

 

Lối diễn xuất tự nhiên, dung dị, nét mặt cương nghị và vẻ đàn ông rắn rỏi, anh "chinh phục" được cả những đạo diễn "nổi tiếng" khó tính. Thủ vai Trung úy Minh xuyên suốt 40 tập Cảnh sát hình sự, anh ghi dấu ấn về một hình mẫu chiến sĩ công an tận tụy, dũng cảm trong công việc, đồng thời là một người đàn ông nặng tình, nặng nghĩa.

Hai bộ phim dài tập anh tham gia gần đây: Đường đờiDòng sông phẳng lặng, đều đoạt giải thưởng cao tại các Liên hoan phim truyền hình và giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam. Các vai diễn này in sâu trong tâm trí khán giả, đến mức bây giờ đi đến đâu, anh thường được khán giả yêu mến gọi bằng tên nhật vật.

 

Vai Trọng trong phim Hà Nội, Hà Nội dường như dành riêng cho anh. Sở hữu tấm bằng lái xe tải trọng lớn, Hoàng Hải dễ dàng xuôi ngược trên những nẻo đường biên giới với chiếc xe 18 bánh. Nhân vật Trọng không những là lái xe đường dài cừ khôi mà còn là người đàn ông tốt bụng. Một người bạn hy sinh để lại người vợ, con thơ nhờ Trọng chăm sóc. Chàng trai độc thân bươn chải kiếm tiền nuôi vợ và con của bạn, rồi nguyện gắn bó cuộc đời với mẹ con cô ấy...

 

Trong một cảnh của bộ phim thực hiện ở Sóc Sơn, cô gái Trung Quốc Tô Tô sang Việt Nam tìm địa chỉ theo di chúc của bà ngoại. Cô được bố trí đi nhờ xe của Trọng. Nhưng khi nghi ngờ Trọng lừa dối để lấy tiền, cô giận dỗi xuống xe và cuốc bộ. Đêm xuống, trời mưa, Tô Tô căng túi ngủ, gió to quá, không có dây giữ túi ngủ nên cô ra xe cắt dây buộc hàng...

 

Cảnh quay đêm, nước mưa nhân tạo xối xả vào người, quạt lớn tạo gió thốc tháo. Trời lạnh buốt nên nước chảy đến đâu, người tê cứng đến đấy. Hoàng Hải đứng dưới "mưa" cả giờ chỉ để thực hiện cảnh Trọng cột lại những bao hàng và thét mắng cô gái đi nhờ xe. Khổ nhưng anh thấy vui. So với những vai diễn trong Đường đời, Cảnh sát hình sự, thì cái lạnh vẫn chưa thấm vào đâu! "Diễn viên là một nghề đặc biệt vất vả, nhưng "cái được" lớn nhất là có cơ hội để trải nghiệm và tích lũy những bài học làm người", anh thổ lộ.

 

Hôm trao giải Cánh diều, gặp Hoàng Hải ở Cung Văn hoá Hữu nghị. Vào Cung, ngồi chưa ấm chỗ, nghe có người thắc mắc, sao mặc vét mà không dùng cà vạt, anh cười tự tin: "Không cà vạt mới nghệ sĩ chứ!". Nói rồi bẻ cổ áo sơ mi ra ngoài áo vét, xốc lại ngay ngắn và... cười! Hồi lên nhận giải Nam diễn viên phim truyền hình được yêu thích nhất, anh vẫn chỉ giản dị với áo pull sẫm màu có cổ. Một đồng nghiệp ngồi bên anh ghé tai: "Doanh nhân trót làm nghệ sĩ nên không đeo cà vạt đâu!".

 

Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm