Hoa hậu Hoàn vũ Peru khơi mào “cuộc chiến” Peru - Bolivia

(Dân trí) - Hoa hậu Hoàn vũ Peru, thí sinh hiện đang tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2009, đã khơi mào cho một cuộc tranh cãi giữa Peru và Bolivia khi cô trình diễn trang phục dân tộc “Điệu nhảy của quỷ” mà Bolivia cũng tuyên bố chủ quyền..


Hoa hậu Hoàn vũ Peru khơi mào “cuộc chiến” Peru - Bolivia - 1
Hoa hậu Hoàn vũ Peru Karen Schwarz trong trang phục dân tộc tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2009.
 
Từ “cuộc chiến” giữa 2 quốc gia…

 

Thí sinh đại diện cho Peru tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới ở Bahamas, Karen Schwarz, đã mặc một chiếc váy được trang trí công phu, lộng lẫy, đôi ủng cùng áo choàng không tay và đội một chiếc mũ có sừng sặc sỡ. Bộ trang phục là biểu tượng của điệu nhảy được cho là của đất nước cô.

 

Tuy nhiên, Bolivia ngay lập tức lên tiếng phản đối.

 

“Con quỷ có nhà của mình” ở thành phố cao nguyên Oruro của Bolivia, Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia David Choquehuanca khẳng định. Chính phủ của ông đã bắt đầu đăng quảng cáo trên mạng truyền hình phủ sóng khắp khu vực Telesur và CNN en Espanol, tuyên bố điệu nhảy là của Bolivia và dọa sẽ đưa vụ việc lên tòa án quốc tế ở La Hay.

 

Vào đêm thứ năm vừa qua, hàng trăm vũ công, nhạc công Bolivia đã mặc đồ của quỷ đổ về quảng trường trung tâm Murillo ở La Paz trong suốt hơn 3 tiếng đồng hồ để khẳng định chủ quyền của họ.
 
 
Hoa hậu Hoàn vũ Peru khơi mào “cuộc chiến” Peru - Bolivia - 2
Các vũ công Bolivia biểu tình phản đối Hoa hậu Hoàn vũ Peru.
 

Trong khi đó tuần trước, một nhóm các vũ công cũng mặc đồ của quỷ đã nhảy múa trước quốc hội Peru. Nghị sỹ Peru Johnny Lescano, đại diện cho tỉnh Puno, giáp giới Bolivia, đã gọi tuyên bố của Bolivia là “mất phương hướng”. Điệu nhảy “có nguồn gốc ở Puno và đầu tiên được nhảy ở các khu mỏ của Laycacota vào năm 1583”, nghị sỹ Lescano cho hay.

 

Tuy nhiên, Viện văn hóa quốc gia Peru tỏ ra “ngoại giao” hơn. Giám đốc Cecilia Bakula cho rằng điệu nhảy không phải chỉ của riêng Bolivia, Peru mà còn của cả Chile nữa. “Điệu nhảy “thể hiện cuộc chiến giữa tổng thiên thần và 7 tội lỗi chết người của quỷ”, Bakula cho biết. “Điệu nhảy không cổ xưa như người ta vẫn nói mà nó có từ thời thuộc địa”.

 

Những tranh cãi như trên thường thấy ở vùng Andes, nơi các quốc gia hiện đại ngày nay cùng có chung một lịch sử văn hóa. Về phần mình, Peru đã phát động một chiến dịch quốc tế phản bác lại tuyên bố chủ quyền của Chile về một loại rượu nho mạnh có tên gọi pisco; trong khi Chile khẳng định 99% khoai tây của thế giới được lấy từ khoai tây của họ.

 

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Peru và Bolivia từ lâu rất thân thiết và giữa họ có nhiều điểm chung. Họ cùng chia sẻ Hồ Titicaca, được cho là nơi sinh của người Incas. Và Bolivia từng là một tỉnh của Peru, được gọi là “Thượng Peru” dưới sự cai trị của đế quốc Tây Ban Nha.

 

Cả hai nước đã cùng chung sức trong cuộc chiến chống Chile vào những năm 1880, mà Bolivia mất đi bờ biển Thái Bình Dương của mình còn Peru mất đi một phần đất ở miền nam.

 

…đến giữa hai tổng thống

 

Tuy nhiên, sự khác biệt về ý thức hệ giữa Tổng thống Peru Alan Garcia và Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đẩy hai nước láng giềng anh em ra xa.

 

Morales, người theo cánh tả và là đồng minh của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, phản đối thương mại tự do. Ông đã ngăn chặn nỗ lực của Tổng thống Garcia nhằm mở rộng “dòng nhiệt” thương mại tự do đổ vào cộng đồng Andes.

 

Mối quan hệ trở nên tồi tệ thêm khi chính phủ của ông Garcia cho ba cựu bộ trưởng Bolivia mà ông Morales đang muốn đưa ra truy tố vì vụ thảm sát đẫm máu người biểu tình năm 2003 sống lưu vong ở Peru.

 

Ông Morales còn gọi ông Garcia là “mập ú” và xếp ông cùng cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush là “những tổng thống tồi tệ nhất thế giới”.

 

Trong khi đó Tổng thống Garcia gọi bình luận của ông Morales là “lời lăng mạ vớ vẩn” và nhún vai trước tranh cãi mới nhất về “Điệu nhảy của quỷ” là trò “trẻ con”.

 

Còn cô Schwarz, ứng cử viên đại diện cho Peru trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009, cho biết cô không định cố gắng tuyên bố điệu nhảy chỉ là của Peru. Nhưng cô có vẻ không bị nao núng trước những tranh cãi mà bộ trang phục truyền thống mang đến. “Tất cả những tranh cãi này đã giúp tôi bởi người Peru đã chú ý tới những gì tôi đang làm”, cô cho biết.

 

Phan Anh

Theo AP