“Hãng phim truyện VN đang sống thực vật, nhưng không thể chết”
Trước bối cảnh Hãng phim truyện Việt Nam (HPVN) đang đứng trước nguy cơ giải thể vì những thử thách khó vượt qua khi bị nhà nước “cắt bầu sữa”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Thưa bà, có phải Hãng phim truyện VN đang đứng trước nguy cơ bị giải thể?
Thông tin Hãng giải thể chỉ là những ý kiến từ góc nhìn phiến diện. Điện ảnh là một trong những phương tiện phô diễn văn hoá tốt nhất. Theo chủ trương của nhà nước, một số nhà hát có thể cổ phần hóa, nhưng một số nhà hát vẫn phải bao cấp. Điện ảnh cũng vậy, đó vừa là sự công bằng, vừa là nhu cầu tự nhiên trong bối cảnh hội nhập toàn diện hiện nay.
Tuy nhiên, không có nghĩa là trạng thái lay lắt này sẽ kéo dài mãi. Nó sẽ phải thay đổi. Tôi có thể nói hiện nay Hãng đang trong tình trạng “sống thực vật”, nhưng nó không thể chết, và tôi tin nó có khả năng khỏe mạnh trở lại nếu có những giải pháp đúng đắn. Nói một cách khác, Hãng phải tồn tại, nhưng không phải tồn tại như thực trạng hiện nay.
Có thể nói, đang có một cuộc “đại phẫu” tại Hãng, với những xáo trộn nhân sự, bàn cãi… liệu đây có phải là một giải pháp?
Đúng, đó là một giải pháp có tính thống nhất. Những người quản lý không thể không nhìn nhận rằng Hãng không thể tồn tại trong tình trạng hiện nay lâu thêm nữa, cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa.
Và những thay đổi đó sẽ giải quyết những vấn đề hiện nay?
Nói một cách lý tưởng sẽ là như vậy. Nhưng nó còn phụ thuộc vào quan điểm của các cấp lãnh đạo. Nếu họ thực sự muốn mang một sinh khí mới đến cho ngành điện ảnh, họ cần phải có những giải pháp cho nó. Nếu không, cũng sẽ chỉ như thay một con ngựa mới với cách cầm cương cũ, và con ngựa mới sẽ lại đi theo đường cũ. Sự thay đổi này phải mang tính hệ thống, không thể chỉ phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân nào đó.
Đây có phải lý do ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc hãng xin từ chức?
Tôi cho rằng đó là một hành vi rất hợp thời. Anh Nam đã biết một giai đọan mới của ngành sản xuất phim đang mở ra, và bản thân anh tự cảm thấy không thích hợp với giai đoạn đó. Theo tôi, việc biết mình, biết người, biết thời thế đã là biểu hiện của một nhân cách tốt.
Có thể nói, khi bị nhà nước cắt bầu sữa, phải đối mặt trực tiếp với thị trường, các lãnh đạo của Hãng mới lộ rõ sự yếu kém trong công tác quản lý?
Dùng từ “yếu kém” thì không chính xác. Tất cả các cá nhân, các nghệ sĩ trong hãng, và trong ngành điện ảnh nói chung đều ở trong trạng thái sống rất tốt về mặt vật chất. Họ đều có khả năng tự bươn chải với cuộc sống, cũng như có khả năng có được những hợp đồng mà chỉ có người lành nghề làm được. Tóm lại, cuộc sống riêng của họ không hề tồi. Chỉ có điều làm thế nào tập hợp được những lực lượng ấy thì cần đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Những người lãnh đạo cũng vậy, họ cũng có những năng lực cá nhân tốt, nhưng để quy tụ các năng lực khác thành một sức mạnh thống nhất thì chưa chắc. Mỗi đơn vị, thậm chí mỗi đất nước cũng chỉ có vài người làm được điều đó. Vấn đề là cơ chế này phải để cho họ phát sáng.
Và thực tế là họ chưa, hoặc nói thẳng là không thể phát sáng, như việc giảm lương gần đây đã làm một loạt nhân viên, nghệ sĩ của hãng xin nghỉ hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong”. Nếu lãnh đạo đã “phát sáng” thì sẽ không có chuyện như vậy?
Tôi nghĩ chúng ta đang nói đến việc thực hiện Nghị định 41 ở hãng PTVN. Tôi nghĩ có một hành vi mà ban lãnh đạo hãng cần làm là cảm ơn những người tự nguyện xin rút đó. Như tôi đã nói, tất cả nhân viên hãng đều có cuộc sống cá nhân rất tốt. Nay họ cảm thấy cơ chế cũng như tình hình thực tế không phù hợp, vì thế họ chấp nhận rời khỏi Hãng. Đó hoàn toàn không phải sự hờn giận hay chạy sang chỗ tốt hơn, mà họ ý thức được việc cất bớt gánh nặng cho hãng. Đó là sự tự nguyện đầy tính hy sinh, và các lãnh đạo phải biết ơn họ.
Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến bức xúc cho rằng Hãng bị đẩy đến bờ vực, cũng như đời sống của anh em hết sức khó khăn như hôm nay là lỗi của Ban giám đốc, và việc ông Nam từ chức là chưa đủ, mà cả Ban giám đốc phải làm điều đó?
Tôi cho rằng bây giờ ngồi kết tội nhau thì thật vô cùng. Tôi thích một câu ông Nguyễn Phúc Thảnh, Vụ trưởng Vụ tổ chức, Bộ VH-TT đã nói “Nếu phải kết tội ai đấy thì hãy kết tội chính mình trước”.
Cho đến từ vài tháng nay, khi tôi cũng như nhiều người làm việc lâu năm trong Hãng chỉ được hưởng 70 % lương, chúng tôi mới giật mình nhìn lại vị trí của mình trong Hãng, cũng như của Hãng trong mắt công chúng, và trong hệ thống của ngành điện ảnh. Nhưng thực tế, sự “nhìn lại” đó đã quá muộn. Đã khá lâu rồi tồn tại một thái độ sống vô trách nhiệm xuất phát từ tính thụ động của những “công chức nghệ thuật”, trong đó có tôi.
Trên thực tế, thái độ đó đã ăn sâu vào cả hệ thống chứ không phải cá nhân nào. Tôi cho rằng việc kết tội cho lãnh đạo vào lúc này là không công bằng, không thích hợp.
Vậy còn sự vô trách nhiệm trong công tác phối hợp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của lãnh đạo hãng, như trong phim 9X chẳng hạn, liệu đấy có phải là kiểu “tiền túi ông đâu mà ông xót”?
Vô trách nhiệm cũng là một cách nói. Nhưng phải nhìn thẳng vào sự thật: tất cả những cố gắng đó sẽ mang lại điều gì? Tất cả các công tác quảng bá, tiếp thị sẽ mang lợi cho ai. Tôi lại phải nói rằng đấy là lỗi của cơ chế, chỉ khi nào cơ chế thay đổi, thái độ đó mới cũng mới thay đổi. Chúng tôi là “công chức nghệ thuật”, chúng tôi có trách nhiệm làm phim cho nhà nước.
Khi đã hoàn thiện và giao phim cho nhà nước rồi là chúng tôi hết trách nhiệm. Bởi chúng tôi muốn có trách nhiệm cũng không thể. Có rất nhiều kịch bản chúng tôi cho là hay đã không qua được cửa duyệt. Trong khi đó có nhiều kịch bản tồi tệ khác lại được vào guồng sản xuất. Trong những tình huống đó, người quyết định sản xuất chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ. Vậy làm sao chúng tôi là những người thừa hành lại “dám” chịu trách nhiệm về việc đó được?
Còn nói là “vô trách nhiệm” thì cần nói cả hệ thống quản lý. Tôi không kết tội những người lãnh đạo Hãng. Tôi đã nói nhiều lần, tranh luận là một việc, kết tội nhau lại là việc khác. Những người làm lãnh đạo phải chịu áp lực từ nhiều phía, về mặt công luận phải nên thông cảm với họ.
Bà đang được coi là nhân vật có tham vọng thay chỗ ông Nam, liệu những phát biểu của bà có phải là sự “dọn dẹp” cho con đường sắp tới bằng phẳng hơn?
Nói một cách chính xác, không phải tôi có tham vọng ngồi vào ghế giám đốc, vì tôi hiểu chiếc ghế đó cần một nhân vật hội tụ nhiều yếu tố. Chỉ có thể nói, tôi có một “ý tưởng lãng mạn”: Nếu tôi (hoặc ai đó) ngồi vào vị trí đó, thì sẽ phải làm những gì?
Bà đã soạn thảo một “cương lĩnh hành động”?
Đây cũng là một “ý tưởng lãng mạn” khác, nếu nói ra không rõ ràng sẽ trở thành sự lộng ngôn. Cái mà tôi đã viết ra không phải là “cương lĩnh”, chỉ là một văn bản gồm những ý tưởng thử tìm đường đưa Hãng ra khỏi tình trạng khốn khó hiện nay. Tôi không biết tất cả những cố gắng đó có mang lại kết quả gì cho Hãng không. Nhưng tôi tâm niệm một câu của cổ nhân: “tận nhân lực, tri thiên mệnh”.
Bà đã từng phát biểu “xóa bỏ bao cấp là đúng, nhưng bỏ buông Hãng phim thế này chẳng khác nào đem con bỏ chợ”, vậy theo bà Nhà nước phải nuôi đứa con này đến bao giờ?
Nhà nước không phải nuôi chúng tôi. Việc của Nhà nước là đưa ra cơ chế mới và chuẩn bị cơ sở để cơ chế đó được thực hiện tốt. Hiện tại Nhà nước muốn chúng tôi cổ phần hóa, nhưng không cho chúng tôi cơ sở vật chất, thiết bị cũng không có gì. Chúng tôi sẽ cổ phần hóa như thế nào?
Ở đây tôi muốn nói tới “thái độ” đem con bỏ chợ, chứ tôi không nói Nhà nước phải tiếp tục nuôi Hãng. Theo tôi đó thực sự là một thái độ vô trách nhiệm mang tính hệ thống. Thái độ đó cũng giống như việc không chuẩn bị gì mà đẩy một đứa trẻ ra đường, bởi trên thực tế, do đặc thù của một giai đoạn dài sống trong cơ chế bao cấp với một vai trò duy nhất: thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao phó, Hãng phim chưa bao giờ tồn tại như một doanh nghiệp thực sự. Đó cũng là lý do khiến Hãng Phim truyện VN cần một sự thay đổi tận gốc cả về phương thức quản lý lẫn quan điểm kinh tế.
Theo Hoàng Hường
Vietnamnet