Góc nhìn trẻ trung của Gen Z về nghệ thuật chèo, tuồng Việt Nam

Lạc Thành

(Dân trí) - Qua dự án "Nét Việt Nam", thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) sẽ hiểu hơn về văn hóa truyền thống qua hành trình khám phá làng nghề, ẩm thực và nghệ thuật truyền thống.

Ngày 22/1, tại Hà Nội, dự án Nét Việt Nam - Hành trình Gen Z về làng ra mắt khán giả. Sự kiện đánh dấu nỗ lực của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Góc nhìn trẻ trung của Gen Z về nghệ thuật chèo, tuồng Việt Nam - 1

Phạm Thị Hạnh Chi - Nhà sáng lập, chỉ đạo sản xuất "Nét Việt Nam" (Ảnh: Ban tổ chức).

Thông qua gần 100 video thực hiện trong vòng 5 năm, dự án như một "bảo tàng sống" ghi lại chân thực hiện trạng, hoạt động của các làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian và tinh hoa ẩm thực Việt Nam. 

Tại sự kiện, Phạm Thị Hạnh Chi - Nhà sáng lập, chỉ đạo sản xuất của dự án - chia sẻ, chị có tình yêu sâu sắc với văn hóa truyền thống của Việt Nam từ khi còn nhỏ. Khi chứng kiến sự "lép vế" của nhiều giá trị văn hóa trước làn sóng văn hóa ngoại nhập, chị có nhiều trăn trở và muốn đóng góp vào công cuộc bảo tồn văn hóa nước nhà. 

"Nét Việt Nam cụ thể hóa cho tình yêu của tôi và ê-kíp đối với văn hóa truyền thống. Tôi và đội ngũ không chỉ muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống mà còn muốn giới trẻ hôm nay hiểu và yêu quý những giá trị này qua những trải nghiệm thực tế và chân thật nhất về làng nghề, ẩm thực và di sản Việt", chị Hạnh Chi nói.

Dự án bao gồm 3 series chính. Gen Z về làng tập trung vào việc khám phá các làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, kết nối văn hóa làng nghề với giới trẻ.

Gen Z cùng hương vị Việt chú trọng đến việc khám phá lịch sử ẩm thực Việt Nam qua từng vùng miền, tái hiện quy trình chế biến và kể lại câu chuyện văn hóa phía sau mỗi món ăn.

Gen Z cùng di sản Việt sẽ mang đến góc nhìn trẻ trung về nghệ thuật dân gian như chèo, tuồng, múa dân gian và âm nhạc truyền thống. 

Theo chị Hạnh Chi, dự án được thực hiện qua góc nhìn độc đáo và trải nghiệm thực tế của giới trẻ.

"Qua những hành trình khám phá làng nghề, thưởng thức ẩm thực độc đáo và tiếp cận nghệ thuật dân gian, dự án không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn truyền cảm hứng sáng tạo để thế hệ trẻ tái hiện chúng theo cách mới mẻ, đầy năng động", bà Hạnh Chi nói.

Nét Việt Nam còn gây ấn tượng bởi sự đồng hành của TikToker Quỳnh Giao (biệt danh Giao Cùn), đại sứ truyền thông của dự án.

Là một Gen Z đam mê văn hóa lịch sử, Quỳnh Giao sở hữu kênh TikTok với hơn 709.000 lượt theo dõi, cùng nội dung xoay quanh các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Cô cũng từng được đề cử tại TikTok Awards 2024 - Giải thưởng TikTok 2024 trong hạng mục Education creator of the year (Nhà sáng tạo của năm). Đây là minh chứng cho sức ảnh hưởng của thế hệ trẻ trong việc kết nối văn hóa truyền thống với cuộc sống hiện đại.

Góc nhìn trẻ trung của Gen Z về nghệ thuật chèo, tuồng Việt Nam - 2

"Nét Việt Nam" được thực hiện qua cái nhìn của người trẻ về làng nghề, ẩm thực và nghệ thuật truyền thống (Ảnh: Ban tổ chức).

Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa giá trị văn hóa, Nét Việt Nam còn mang sứ mệnh thúc đẩy ý thức bảo tồn di sản, phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ cảnh quan môi trường.