1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Giao tiếp với đối tác nước ngoài: Nhiều NXB còn yếu!

(Dân trí) - Từ khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne, thị trường sách dịch có vẻ trầm lắng hơn, vì nhiều NXB gặp khó khăn trong vấn đề bản quyền. Với Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh (PAP) của Đại sứ quán Pháp, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ rất thiết thực cho các NXB.

Trao đổi với Dân trí, ông Dominique L'huillier, Phó Tuỳ viên Văn hoá sứ quán Pháp cho biết:

 

- Từ năm 1990, Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh được thực hiện nhằm giúp đỡ các NXB Việt Nam trong chính sách lâu dài về dịch và xuất bản sách Pháp ở nhiều lĩnh vực sang tiếng Việt, hoặc song ngữ. Chương trình tạo điều kiện phát triển hợp tác lâu dài với chừng 20 NXB của Việt Nam và đến nay đã xuất bản được hơn 350 đầu sách. Sự hỗ trợ trong khuôn khổ của chương trình PAP gồm các khoản tiền bản quyền ứng trước và một phần chi phí xuất bản, nhưng không được vượt quá 50% giá thành toàn bộ.

 

Xin ông cho vài nét đánh giá về thị trường sách ở Việt Nam, nhất là thị trường sách văn học dịch nước ngoài sau khi kí kết công ước Berne. Theo ông, bản công ước có khả năng cải thiện được chất lượng sách dịch không ?

 

Theo những nhà chuyên môn làm sách, sau khi kí công ước Berne, thị trường sách dịch hiện giảm khoảng 40%. Đối với các NXB mà sách dịch chiếm tới một nửa số ấn phẩm hiện đang bị rơi vào tình trạng khủng hoảng. Những khó khăn này thể hiện ở nhiều phương diện: thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm, phí chuyển nhượng cao.

 

Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng việc Việt Nam gia nhập vào Công ước quốc tế bảo hộ cho sáng tạo văn chương và nghệ thuật này đánh dấu một cuộc cách mạng tận gốc cho ngành xuất bản trong nước. Bảo hộ quyền tác giả là một thách thức cơ bản trong lĩnh vực sáng tạo, phải thiết lập những điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cho người sáng tạo, dù trong bất cứ lĩnh vực gì, cũng được hưởng một cách cụ thể thành quả lao động của mình.

 

Ngoài những vấn đề có tính chất vật chất, đó cũng là một sự tôn trọng, biết ơn của xã hội đối với công sức lao động của họ. Tôi chắc chắn rằng ngày nào Việt Nam chấm dứt tình trạng in lậu thì việc chọn các tác phẩm để xuất bản sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn, và chất lượng dịch sẽ được cải thiện rõ rệt.

 

Xin ông có thể nói đôi chút về Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh (PAP) của L’Espace ?

 

VN là đất nước vốn coi trọng truyền thống sách vở như một địa hạt văn hóa và kiến thức nhưng lại bị sức mua kém làm hạn chế. Bởi vậy, PAP Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra ba ưu tiên: Giảm giá bán từ 20 - 40% so với giá thị trường, và phát hành miễn phí đến những hệ thống thông tin và thư viện chính; Theo dõi chất lượng dịch và khuyến khích các NXB trả thù lao xứng đáng cho những dịch giả có trình độ; Giúp đỡ các NXB chuyên môn hóa bằng cách xác lập chính sách xuất bản và tôn trọng quyền tác giả.

 

Thưa ông, NXB cần có những điều kiện nào để được xin tài trợ của chương trình?

 

Các tiêu chuẩn được nêu ra rõ ràng: các NXB Việt Nam phải điền đầy đủ vào mẫu hồ sơ xin tài trợ. Để nhận được tài trợ cần có những điều kiện sau: Chứng minh không còn tồn tại hợp đồng trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ xuất bản mà thời hạn xuất bản đã vượt quá thời gian dự kiến ban đầu; Số tiền xin tài trợ không vượt quá 50% tổng số chi phí xuất bản; Thời gian xuất bản tác phẩm không vượt quá 2 năm. Để duy trì những sách lược của chương trình, ngoài việc tổ chức những hoạt động văn hóa của Việt Nam hay Pháp (với những chương trình kỷ niệm ngày sinh hay ngày mất của các tác giả lớn).

 

Ba lĩnh vực được ưu tiên là: văn học đương đại, lí luận văn học; khoa học xã hội và nhân văn và phổ biến kiến thức khoa học.

 

Và, sự trợ giúp của chúng tôi về mặt tài chính cho NXB không vượt quá 50% tổng chi phí xuất bản. Tất cả mọi dự án không nằm trong khuôn khổ tài chính này sẽ bị loại ra khỏi Hội đồng xét duyệt. Phần còn lại sẽ do NXB tự chi phí, có trách nhiệm phát hành tác phẩm trong cả nước và hưởng khoản lợi nhuận từ tiền bán sách.

 

Khó khăn lớn nhất của các NXB hiện nay là vấn đề xin bản quyền. Vậy theo ông, đâu là giải pháp tốt nhất ?

 

Để tìm được giải pháp tốt, thì phải xác định được những khó khăn, được thể hiện ở nhiều phương diện, trong đó có: pháp lý, tài chính, ngôn ngữ…

 

Về mặt pháp lý: Luật về quyền tác giả đang được soạn thảo. Nó cần phải trở thành công cụ hữu hiệu để kiểm soát tình trạng lấy cắp bản quyền và phải tác động đến ý thức tôn trọng quyền trí tuệ cho giới chuyên môn cũng như quần chúng. Đây là một điểm căn bản: không nên diễn giải điều lệ pháp lý này theo hướng tiêu cực như là một sự cưỡng bức, một xiềng xích mới mà từ trước đến nay chưa tồn tại, mà cần phải hiểu một cách tích cực ý nghĩa của sự tôn trọng quyền tác giả.

 

Về phương diện ngôn ngữ: các NXB cần phải tuyển nhân viên giỏi ngoại ngữ. Trên thực tế, rất ít NXB Việt Nam có người nói được ngoại ngữ. Trừ NXB Thế Giới, Kim Đồng, Trẻ…, hầu hết các NXB còn lại đều không có khả năng giao tiếp với đối tác nước ngoài. Môt thực trạng như vậy không thể tiếp tục kéo dài, trừ phi các NXB Việt Nam tự loại bỏ mình trong quan hệ với các NXB trên thế giới.

 

Về phương diện tài chính: chuyển nhượng bản quyền cho phía Việt Nam thường chiếm từ 7 đến 15% giá bán tại thị trường Việt Nam. Một vài công ty tư nhân rất năng động có khả năng trả tiền bản quyền, như công ty Nhã Nam đã trả bản quyền tác giả cuốn Le Soleil des Scorta của Laurent Gaudộ, giải Goncourt 2004.

 

Mai Minh

 (thực hiện)