1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Giải thưởng Sách hay: Nhiều mảng “trống”

(Dân trí) - Ngày 8/9, lễ trao giải thưởng Sách hay do Dự án Văn hóa - Giáo dục Sách hay tổ chức diễn ra tại TPHCM. Trong 8 hạng mục trao giải thuộc 7 lĩnh vực nhiều mảng phải để trống vì không nhận được sự đồng thuận của 100% của hội đồng tuyển chọn.

Chính thức ra mắt vào cuối tháng 4/2011, Sách Hay là giải thưởng sách đầu tiên của Việt Nam có quy mô bao gồm nhiều lĩnh vực và quy tụ đông đảo nhân sĩ trí thức, học giả, chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà văn và cả nhà báo cũng như bạn đọc. 7 lĩnh vực xét trao giải gồm: Lẽ sống, Giáo dục, Nghiên cứu, Kinh tế, Quản trị, Văn học và Thiếu nhi.
  
Giải thưởng Sách hay: Nhiều mảng “trống” - 1
Hội đồng giải thưởng Sách Hay 2011 trao giải cho hạng mục sách Lẽ sống
 
Có lẽ chính điều kiện bắt được phải đạt được số phiếu 100% của hội đồng tuyển chọn, sách mới được trao giải cũng là một trong những lý do nhiều hạng mục đành phải để trống. Nếu như ở hạng mục sách lẽ sống và nghiên cứ đều để trống mảng sách viết thì ở mảng sách kinh tế lại thiếu mảng sách dịch được trao giải.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Lan Chi cho hay ở mảng sách dịch về kinh tế có nhiều cuốn hay nhưng không gắn liền với kinh tế Việt Nam hoặc nhiều cuốn lại không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ hội đồng xét tuyển. Đặc biệt có cuốn đạt yêu cầu trên lại là sách thuộc đơn vị tổ chức, vì lý do tế nhị cũng khó trao giải nên hội đồng đi đến quyết định để trống.
 
Ngoài các mảng phải phải bỏ trống thì đặc biệt trong số 8 hạng mục trao giải, hạng mục “Sách phát triển thiếu nhi” không có cuốn nào được trao giải. Theo TS Quách Thu Nguyệt, việc không trao giải cho hạng mục “Sách phát triển thiếu nhi” là một là thông điệp mà Hội đồng trao giải và Hội đồng xét tuyển muốn gióng lên hồi chuông gửi gắm đến đến xã hội, đến những người viết sách, dịch sách và làm sách cũng như các nhà giáo dục ở Việt Nam. Trong khi chúng ta kêu gọi cải cách giáo dục, giảm tải nhưng lại không hề có những cuốn sách làm nền tảng cho giáo dục.
 
Giải thưởng Sách hay: Nhiều mảng “trống” - 2
Dịch giả Đoàn Tử Huyến (giữa) nhận giải “Văn học dịch xuất sắc nhất “ với tác phẩm dịch "Nghệ nhân và Margarita” (Mikhail Bulgakov).
 
Nhiều nhà làm sách đánh giá, việc trao giải thưởng Sách hay không chỉ là dịp để lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay, sách quý; Tôn vinh những tổ chức, cá nhân làm ra những cuốn sách đó; Gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, làm sách tiến bộ mà còn là dịp gặp gỡ và cùng ngồi lại của những con người tâm huyết để cùng sẻ chia, bàn bạc nhằm hướng đến những giải pháp góp phần chấn hưng nền tri thức - văn hóa nước nhà.

Khi tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” sau hơn 20 năm ngày xuất bản lần đầu được trao giải thưởng Sách Hay 2011, tác giả, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ: “Nỗi buồn chiến tranh” thực sự là một tác phẩm văn học Việt Nam có số phận vô cùng may mắn, bởi đã được sinh ra trong thời đổi mới của văn học nước nhà.... Tôi vô hạn hàm ơn đất nước, con người và văn học thời đại ấy. Hàm ơn và luyến tiếc. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng. Hy vọng rằng những nhân tố của đổi mới vẫn còn trong văn học. Hy vọng một mai sẽ có những đổi thay còn kỳ diệu hơn cả trong đổi mới. Mong sao điều đó sẽ sớm được thể hiện ra ở Giải thưởng Sách Hay của ngay năm sau đây và những năm kế tiếp”. 

Sách đoạt giải thưởng Sách Hay 2011:

Hạng mục Nghiên cứu: “Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville, do Phạm Toàn dịch.

Hạng mục Kinh tế: “Tư duy kinh tế VN 1975-1989” của Đặng Phong

Hạng mục Lẽ sống: “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi, do Phạm Hữu Lợi dịch.

Hạng mục Văn học: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Nghệ nhân và Margarita” (Mikhail Bulgakov), do Đoàn Tử Huyến dịch.

Hạng mục Giáo dục: “Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý” của Dương Thiệu Tống và “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey, do Phạm Anh Tuấn dịch.

Hạng mục Quản trị: “Công ty: Vốn, quản lý và tranh chấp” của Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung cùng bộ 3 cuốn Chiến lược cạnh tranh; Lợi thế cạnh tranh và Lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Hạng mục Văn học Thiếu nhi: "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint Exupéry, do Bùi Giáng dịch.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm