Ghé thăm làng chèo Quỳ Lăng ngày xuân
(Dân trí) - Ngày Xuân về xã Lăng Thành huyện Yên Thành (Nghệ An), bạn sẽ có cảm giác rộn ràng với những tiếng trống chèo. Vào bất cứ ngõ ngách nào, nhà nào, âm điệu của chèo và tiếng trống chèo làm ta bay bổng.
Nằm ở trung tâm Châu Diễn xưa, đất Quỳ Lăng từng có phường hát chèo nổi tiếng ở huyện Đông Thành. Châu Diễn là một bộ phận của bộ Hoài Hoan trong số 15 bộ của nước Văn Lang thời vua Hùng dựng nước. Khi nước nhà giành được quyền tự chủ, các triều đại Ngô, Đinh (năm 939-980) cho tới triều Lê đã chọn đất Quỳ Lăng làm lị sở Châu Diễn.
Trong những năm đổi mới, chèo ở làng Quỳ Lăng là một trong những nhân tố tích cực cổ vũ các phong trào thi đua ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình ở đây tâm sự: “Có thể nhịn ăn một bữa nhưng không thể bỏ nghe hát chèo”.
Nhờ tiếng trống chèo, làn điệu chèo mà các đôi trai tài gái đảm nên vợ nên chồng yêu thương nhau rất mực, hát chèo đã tạo nên không khí vui vẻ, đầm ấm trong mỗi gia đình, làm vơi đi nhọc nhằn vất vả sau ngày đồng áng. Mỗi một làn điệu chèo là một cung bậc, một tâm trạng, cảm xúc và gần gũi với cuộc sống.
Một trong những tác phẩm chèo cổ được người dân Quỳ Lăng lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày hôm nay đó là vở “Trò Kiều” với nhiều trích đoạn: Kiều du xuân, ca ngợi mối tình trong trắng của lứa đôi, hay Kiều Kiều ở lầu Ngưng Bích, báo ân trả oán đã làm cho người xem cảm thương, ngậm ngùi cùng số phận nhân vật chính. Hay vở “Trương Kiên”, “Quan Âm Thị Kính” cũng là một trong những vở diễn tiêu biểu của làng, được bà con xa gần mến mộ.
Những nghệ nhân chèo ở Quỳ Lăng giờ người còn, người mất, nhưng họ đã để lại cho quê hương hàng chục tác phẩm chèo tự biên, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được con cháu nâng niu gìn giữ. Những người gắn bó, duyên nợ nhất còn lại ở làng
Nhắc tới chèo Quỳ Lăng phải kể đến Ông Nguyễn Bá Cần, Ông Thái Khắc Lưu, Đậu Xuân Bách, Nguyễn Bá Song, bà Lại Thị Xuân, Hoàng Thi Loan.... có thể nói cả cuộc đời, với họ đã dồn hết tâm huyết cho chèo, làm cho tiếng trống chèo Quỳ Lăng ngày càng thêm rộn rã. Mặc dù người tuổi cao sức yếu, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều luôn trăn trở, tư duy sáng tác, truyền lại các chất điệu chèo và dồn hết bầu nhiệt huyết cho con, cho cháu.
Để tiếng trống chèo ngày càng vun đắp cho cội nguồn văn hoá dân tộc, những năm qua chính quyền địa phương xã Lăng Thành đã thực sự quan tâm môn nghệ thuật hát chèo truyền thống. Ngoài duy trì hoạt động có hiệu quả, câu lạc bộ chèo đã vận động và kết nạp được trên 30 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt, đồng khuyến khích thế hệ trẻ có lòng say mê, yêu thích môn nghệ thuật chèo gia nhập vào câu lạc bộ.
Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường hôm nay, trong bận rộn của chuyện áo cơm thường ngày, giữ và phát huy được môn nghệ thuật hát chèo ở xã Lăng Thành có nói là một thành công lớn. Thành công đó có được là nhờ những con người chất chất, bình dị của người dân làng Quỳ Lăng, họ là tấm gương mẫu mực, luôn mang nặng nghĩa tình sâu nặng với bề bày truyền thống và sự phát triển đi lên của quê hương, để lớp con cháu hôm nay noi theo, gìn giữ.
Xuân mới lại về, tiếng trống chèo Quỳ Lăng như thôi thúc dục giã nhân dân Làng chèo tiến bước, dành những kết quả cao hơn trong lao động sản xuất và nâng bước cho bao trai tài gái đảm Quỳ Lăng bước sang một năm mới đầy hứa hẹn, làm cho tiếng trống chèo thắm mãi với mùa xuân.
Thái Dương - Nguyễn Duy