1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Gặp "nàng An Xuyến" ngoài "thâm cung"

Sinh ngày 20/3/1970, Trương Khả Di (Maggie Cheung) giống như một số nữ diễn viên Hồng Kông khác, đến với nghiệp diễn từ cuộc thi tuyển chọn người đẹp của Hồng Kông. Trong cuộc thi năm 1994, mặc dù không có duyên với vương miện hoa hậu nhưng cô đã giành giải Người có tiềm năng biểu diễn nghệ thuật nhất.

Quả đúng như vậy, ngay sau lần đầu tiên, Trương Khả Di với tư cách là diễn viên hợp đồng của Đài truyền hình TVB Hồng Kông , tham gia diễn trong phim Nan huynh nan đệ, nhiều người trong nghề đã dự báo: con đường nghệ thuật đang rộng  mở chào đón nữ diễn viên họ Trương.

Tiếp sau đó, với một loạt phim nhựa, phim truyền hình của Hồng Kông và Đại Lục như Mối tình ngàn cân, Kim bài băng nhân, Người yêu xin đừng đi, Mã lộ anh hùng, Tùy Đường quần anh hội, Thần điêu hiệp nữ, Tân bến Thượng Hải, Cuộc chiến chốn thâm cung (đang trình chiếu trên VTV3). Và gần đây nhất là Trường hận ca, Trương Khả Di được thừa nhận là một trong số rất ít nữ diễn viên Hồng Kông thành công ở cả Hồng Kông và Đại Lục.

Gặp "nàng An Xuyến" ngoài "thâm cung" - 1

Diễn viên Trương Khả Di


Phim truyền hình Cuộc chiến chốn thâm cung được đánh giá rất cao. 

Cuộc chiến chốn thâm cung là phim cổ trang, với cốt truyện diễn ra vào đời Vua Gia Khánh nhà Thanh (1796 - 1821). Phim kể về những cuộc đấu đá nơi hậu cung. So với việc tranh giành quyền lực của các bậc nam nhi trên chính trường thì nó còn nham hiểm và tàn khốc hơn nhiều.

Chị nhận xét thế nào về bộ phim này?

Tôi cho rằng đây là một bộ phim truyền hình thành công về mọi mặt. Mỗi tập phim đều rất tinh tế, liên tục có những tình tiết thể hiện sự xung đột, khiến người xem cảm nhận cứ khoảng 10 phút lại có một cao trào xuất hiện. Lời thoại của phim cũng đầy trí tuệ. Hơn thế nữa, phim cũng lấy cảnh thực ở Cố Cung (Tử Cấm Thành), trang phục của đời Thanh... càng làm cho truyện phim thêm sức thuyết phục.

Như vậy dường như chưa đủ để nói đó là bộ phim thành công?

Đúng. Còn một điều không thể bỏ qua là từ Cuộc chiến chốn thâm cung có thể nhìn thấy được rất nhiều vấn đề xảy ra trong gia đình và các công ty trong xã hội hiện đại. Ví dụ như người ta "cài bẫy" ngay cả với bạn mình, rồi mọi người làm việc gì cũng hết sức thận trọng, tính toán trước sau. Thậm chí có người còn nói thái quá rằng các nhà làm phim đã bê hiện thực cuộc sống ngày nay vào Tử Cấm Thành.

Ý kiến của chị về tính nghệ thuật của phim?

Điều này nên để các nhà phê bình nghệ thuật lên tiếng thì phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của riêng tôi, về mặt nghệ thuật, Cuộc chiến chốn thâm cung cũng khá xuất sắc. Thể hiện rõ nét nhất là mỗi lúc chuyển cảnh trong phim đều rất hợp lý, người xem không bị hụt hẫng. Ngoài ra, các cảnh đều thể hiện ở mức độ vừa đủ, hài hòa với cảnh trước và logic với cảnh sau.

Thế còn vai diễn của chị trong Cuộc chiến chốn thâm cung?

Trong phim tôi vào vai cô cung nữ An Xuyến, vốn chỉ là người hầu trong cung, mong đợi ngày mãn nhiệm để về quê đoàn tụ. Chẳng ngờ chuyện trong triều chính lan cả ra bên ngoài. Sau khi người thân của An Xuyến bị hoàng hậu hãm hại, cô mới quyết tâm dùng sắc đẹp của mình tiếp cận Hoàng đế để tìm cơ hội báo thù...

Sau Cuộc chiến chốn thâm cung, chị cũng rất thành công với Trường hận ca. Thậm chí có người nói rằng cùng vào vai Vương Kỳ Dao nhưng chị có chất "Thượng Hải" hơn Hoàng Dịch, vốn là diễn viên người Thượng Hải.

Điều này bản thân tôi cũng thấy ngạc nhiên. Có thể do môi trường sống của tôi rất giống với Thượng Hải ngày xưa (Trường hận ca lấy bối cảnh là những năm 30 của thế kỷ trước) nên khi diễn tôi tự nhiên hơn. Còn Thượng Hải trong cuộc sống của Hoàng Dịch ngày nay có sự khác biệt rất nhiều so với kịch bản. Nhưng Hoàng Dịch diễn cũng rất thành công đấy chứ.

Có tin nói rằng sau phim này chị đã rao bán một số đồ cá nhân, trong đó có cả những chiếc áo dài Thượng Hải?

Đúng vậy, Để vào vai Vương Kỳ Dao trong phim Trường hận ca, nhóm làm phim đã sắm riêng cho tôi 12 bộ áo dài kiểu dáng rất cũ, đúng với bối cảnh trong phim. Tiếc là khi hoàn thành phim, tôi khẩn khoản lắm nhóm làm phim mới chịu cho tôi hai bộ. Đó cũng là hai bộ tôi thích nhất, cho nên nếu giá tiền không cao thì tôi sẽ không bán.

Đã thích sao chị còn rao bán?

Thú thực, tôi định sau này về già sẽ cho các con, để chúng hiểu về cuộc đời diễn viên của tôi, Nhưng tôi chợt nhận thấy nếu bán chúng và đem số tiền thu được ủng hộ một số quỹ từ thiện thì có ý nghĩa hơn.

Theo Thể Thao Văn Hóa