1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Huế:

Festival Huế lần thứ 10 tổ chức vào 2018

(Dân trí) - Đó là ý kiến chủ đạo trong hội nghị tổng kết Festival Huế lần thứ 9 - 2016 vừa diễn ra tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều 1/9.

Theo định kỳ Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, năm 2018 là năm Thừa Thiên Huế có nhiều sự kiện về văn hóa và lịch sử như: Kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993 - 2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003 - 2018).

Đặc biệt Thừa Thiên Huế hiện nay đã được công nhận 5 Di sản văn hóa thế giới đó là: Quần thể kiến trúc Cố đô Huế (1993); Nhã nhạc Cung đình Huế (2003). Mộc bản triều Nguyễn (2010); Châu bản triều Nguyễn (2014); Thơ văn trên Kiến trúc Cung đình Huế (2016).

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế, tăng cường giới thiệu, quảng bá về văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người xứ Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất, Festival Huế lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào năm 2018 với chủ đề vẫn tiếp tục là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Rối khổng lồ trên đường phố cố đô trong Festival Huế 2016
Rối khổng lồ trên đường phố cố đô trong Festival Huế 2016

Thời gian dự kiến sẽ làm trong 6 ngày đêm với 2 luồng ý kiến, một là tổ chức vào cuối tháng 4 như cũ, hai là nên tổ chức vào đầu tháng 4 để tránh chồng chéo kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Mức độ tổ chức sẽ mang tầm quy mô quốc gia và quốc tế, tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng chương trình Festival không quá dàn trải, tinh gọn; phát huy nội lực, huy động lực lượng văn nghệ sỹ trên địa bàn làm nòng cốt; đẩy mạnh xã hội hoá trong các hoạt động lễ hội.

Tà áo dài Huế đẹp nguyên sơ được tái hiện trong Chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” theo phương thức xã hội hóa
Tà áo dài Huế đẹp nguyên sơ được tái hiện trong Chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” theo phương thức xã hội hóa

Về đối tác, khẳng định Pháp vẫn là đối tác chính, Festival Huế 2018 sẽ tiếp tục có mặt các đoàn nghệ thuật của các quốc gia tiêu biểu cho các nền văn hóa lớn từ các châu lục trên thế giới theo hướng tinh gọn, đặc sắc.

Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ đề xuất sớm hình thành thường trực Ban Tổ chức Festival Huế 2018. Thường trực BTC sẽ xây dựng đề án nội dung và đề án tài chính Festival Huế 2018 trình Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh cuối quý 4 năm 2016. Đề án cần nêu rõ chủ đề, các đối tác dự kiến tham gia, các công trình trọng điểm hướng đến Festival Huế 2018; phương án phối hợp, hỗ trợ thành phố Huế trong Festival chuyên đề lần thứ 7 năm 2017; công tác quảng bá và kêu gọi tài trợ cho Festival Huế 2018.


Hội nghị tổng kết Festival Huế lần thứ 9 - 2016

Hội nghị tổng kết Festival Huế lần thứ 9 - 2016

Trung Tâm Festival Huế sẽ chủ trì phối hợp Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Du lịch, Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính và các ngành liên quan có các đề án về nội dung, về quảng bá, về tài chính, lộ trình và giải pháp cho Festival Huế 2018.

Festival Huế 2016 có sự hiện diện của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên quốc tế và trong nước tham gia các chương trình nghệ thuật và lễ hội tại Festival Huế 2016. Quốc tế có 271 nghệ sĩ quốc tế của 21 đoàn/17 quốc gia, trong đó: Châu Á (6 nước): Hàn Quốc (2 đoàn), Nhật Bản, Srilanka, Israel, Trung Quốc, Mông Cổ; Châu Âu: (7 nước): Pháp (3 đoàn), Nga (2 đoàn), Anh, Đan Mạch, Bỉ, Ba Lan, Slovakia; Châu Mỹ (3 nước): Mehico, Hoa Kỳ, Colombia; Châu Úc (1 nước): Úc. Trong nước có trên 750 diễn viên, nghệ sĩ của 12 đơn vị nghệ thuật (trong đó có hơn 400 nghệ sỹ và diễn viên các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh), gồm: Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Ca Múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Ca Múa Nhạc Bông Sen, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Bắc, Nhà hát Ca Kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Học viện Âm Nhạc Huế, Trường Trung cấp VHNT Huế, Nhóm “Âm sắc Việt”, Ban nhạc Giao thời, Nhóm nhạc Lãng Du, Vũ đoàn Sadie (So với Festival Huế 2014: 66 đoàn/37quốc gia, giảm 32 đoàn/20 quốc gia).

Lễ hội cộng đồng quốc tế làm sôi động và nâng cao giá trị văn hóa, giao lưu giữa thế giới và Huế
Lễ hội cộng đồng quốc tế làm sôi động và nâng cao giá trị văn hóa, giao lưu giữa thế giới và Huế

Bên cạnh đó, còn có các đoàn, nhóm nghệ sĩ tham gia với tinh thần hưởng ứng, xã hội hóa như: Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu”, Chương trình Liveshow “Lửa Cố đô”, Nhóm Hoàng Rob & GEN9 và hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên, quần chúng tham gia các hoạt động khác tại Festival Huế. Có 53 chương trình nghệ thuật tiêu biểu (74 suất diễn) với các lễ hội đầy màu sắc và trên 52 hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng đã diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm tại 21 sân khấu và điểm diễn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một số lễ hội chính diễn ra trong Festival Huế 2016 như: Lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung, Lễ hội Quảng Chiếu, Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á – Mỹ Latinh”...

Đại Nội Huế lung linh huyền ảo trong Đêm Hoàng Cung
Đại Nội Huế lung linh huyền ảo trong Đêm Hoàng Cung

Du khách thích thú chơi trò chơi cung đình Huế xưa trong Đêm Hoàng Cung
Du khách thích thú chơi trò chơi cung đình Huế xưa trong Đêm Hoàng Cung

Các lễ hội dân gian và hoạt động văn hóa cộng đồng khác cũng thu hút đông đảo du khách cũng sẽ được tổ chức dịp này.

Đại Dương