Dũng “Khùng”: Đừng chờ “món quà từ trên trời rơi xuống”

(Dân trí) - Ngay khi “Giải cứu thần chết” ra mắt, Dân trí đã có cuộc chuyện trò đạo diễn Dũng “Khùng” về bộ phim mới cũng như những dự định trong tương lai của anh.

 
Dũng “Khùng”: Đừng chờ “món quà từ trên trời rơi xuống”  - 1

Từ trái qua phải: Chí Thiện, đạo điễn Giải cứu thần chết Nguyễn Quang Dũng và Phương Thanh

Bây giờ người ta nhắc đến cái tên Dũng “Khùng” như một “thương hiệu” đảm bảo chất lượng cho một bộ phim, anh cảm thấy thế nào?

Nếu được như thế thì thật là vui. Mình cũng có ý thức rằng với một đạo diễn thì chưa chắc bộ phim nào cũng ăn khách, cũng hot nhưng cái quan trọng là khi anh ra một sản phẩm thì luôn được mọi người chờ đón và tò mò xem phim đó nó như thế nào? Có thể khán giả thích hay không thích, nhưng nó mang dấu ấn của người đạo diễn. Đó chính là mục tiêu của mình. Thế giới có nhiều đạo diễn như vậy, như Lý An chẳng hạn, ông ta làm rất nhiều dòng phim, và không phải phim nào cũng thành công, nhưng mỗi bộ phim đều có sự thay đổi và sáng tạo. Do đó khán giả luôn thấy phim của ông ta thú vị và chờ đón.

Sắp tới anh có làm phim gì mới không?

Mình thường có những dự án rất lâu dài, mình đang có hai dự án gối đầu cho cả hai năm sắp tới nhưng chưa ký hợp đồng với nhà sản xuất nên chưa thể tiết lộ được nhiều.

Có khi nào đó là dự án về bộ phim “thần chết” thứ 3 chăng?

Không! Dĩ nhiên là không phải. Hai dự án kế tiếp về phim âm nhạc, và mình đang phải chuẩn bị rất kỹ cho dự án đó. Chỉ có thể nói vậy thôi.

Dưới bàn tay “phù thuỷ” của Dũng “Khùng” thì có rất nhiều cô cậu “lọ lem” được đưa ra ánh sáng?

Không hẳn! Không một đạo diễn nào có thể “biến không thành có”. Những người đã từng làm việc với Dũng như Minh Hằng, Thanh Hằng, Trí Nguyễn, Chí Thiện… đều đã có một cái “tên” nhưng chưa thực sự nổi bật, thực sự có dấu ấn mạnh và công việc của mình chỉ là “đánh bóng” thêm cho “viên ngọc thô” mà thôi. Khi mình chọn diễn viên thì mình chọn rất kỹ, thêm chút may mắn nữa nên đã tìm được những người thật sự giỏi.

Thường thì phim của đạo diễn miền nam hấp dẫn giới trẻ hơn phim của đạo diễn miền bắc. Nguyên nhân khác biệt ở đây là gì vậy, theo anh?

Đó chính là mục tiêu làm phim. Khi anh có một ý thức làm phim hướng tới và “chiều chuộng” khán giả nhiều hơn là các “mục tiêu khác”. Cũng giống như khi bạn muốn ai đó yêu mình, bạn cần yêu người đó trước. Đó chính là ý thức và mục tiêu ban đầu.
 
Dũng “Khùng”: Đừng chờ “món quà từ trên trời rơi xuống”  - 2

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng "Khùng") và Thanh Hằng - nữ diễn viên chính của Nụ hôn thần chết.

Có phải anh quá khôn khi đánh vào giới trẻ không khi phim dành cho giới trẻ đang rất hiếm. Và như thế, hiển nhiên rằng hiếm thì sẽ quý, sẽ được chờ đón?

Thật ra thì mình đã gặp rất nhiều khó khăn khi làm phim này vì “phân khúc” khán giả trẻ quá ít. Nụ hôn thần chết thành công là bởi “ai xem cũng được”, già trẻ lớn bé gì cũng xem được hết. Nói giới trẻ hay xem phim rạp chưa hẳn đã đúng.

Như vậy nghĩa là anh có thừa “máu liều”? Khán giả thì ít, diễn viên thì chưa có nhiều kinh nghiệm?

Mình nghĩ Việt Nam như một vùng đất chưa được khai phá hết, mình phải tìm cái mới, dù liều hay không, dù “thắng hay thua” cũng phải làm. Với Dũng, nếu 2,3 năm làm đi làm lại một kiểu phim thì khán giả sẽ chán, do đó mục tiêu là cần phải tìm tòi cái mới.

Một câu hỏi đã khá cũ, anh nghĩ thế nào về câu nói rằng: Đạo diễn Việt Nam tài năng không thua kém bất kỳ ai, chỉ là thiếu phương tiện, cơ chế làm phim?

Mình nghĩ nói như vậy là sai, ý kiến đó chỉ đúng ở bề nổi mà thôi. Tất cả đều xuất phát con người hết, tiền, kỹ thuật, kỹ năng… đều do con người mà ra, cái quan trọng nhất là ở ý thức con người. Hollywood cũng phát triển từ con số không, nó cần cả một quá trình dài phát triển dần dần. So sánh một chút, nếu đạo diễn Hollywood có kinh phí làm phim ít ỏi của Việt Nam chắc chắn không làm được phim hay như của Việt Nam. Hoặc đạo diễn Việt Nam có “tiền tấn” làm phim như Titanic của Hollywood thì cũng chưa chắc làm tốt được. Giống như là người nông dân sống rất tốt với 10 ngàn một ngày, nhưng ông tỷ phú chắc chắn không sống được, ngược lại người nông dân có tự nhiên có tiền tỷ chưa chắn đã xài đúng.

Mình không hãnh diện gì khi “ít tiền làm phim cũng được” hay hoang mang không có thật nhiều tiền làm phim. Nếu mình nghèo thì mình phải tìm cách “sống chung với nghèo” và phát triển dần dần, chậm mà chắc chứ đừng chờ “món quà từ trên trời rơi xuống”.

Phan Anh