1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Dũng “khùng”...

27 tuổi, bạn bè trong giới đạo diễn gọi Nguyễn Quang Dũng là "Dũng khùng" một cách đầy… yêu quý. Có vẻ như Dũng rất hợp với câu nói "làm nghệ sĩ đôi khi phải cần một chút máu liều, một chút điên, một chút khôn lỏi" nhưng anh chỉ nhận mình là một người "làm nghề" thôi.

Không quá dễ, đúng vậy. Đó là khi Dũng làm bộ phim đầu tiên Con gà trống. Mới chân ướt chân ráo vào nghề, lại đi chọn một kịch bản phim về đề tài chiến tranh. Đã vậy, nhân vật chính lại là một con vật, và tuyến phụ lại là một đứa trẻ, để trong một bộ phim truyền hình ra được 3 thứ ấy: chất chiến tranh, chất thiếu nhi và chất ngộ nghĩnh của loài vật.

 

Sức ép của sản phẩm đầu tay (phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng - ba của Dũng), Dũng đã "xài" hết cái hăm hở của tuổi hai mươi lại "xơi" sang cái bạo dạn của một người mới lớn. Cuối cùng thì phim cũng được chiếu trên màn ảnh, được công nhận sự sáng tạo của đạo diễn và được là một bộ phim khán giả yêu thích.

 

Sau Con gà trống, để… tồn tại, Dũng đi làm phim quảng cáo, làm show ca nhạc và các video clip vì đơn giản Dũng không đầu quân cho một công ty hay hãng phim nào. Nhưng đó là thứ "tồn tại" bằng nghề chứ không phải làm cầm chừng, và làm thì cũng phải làm tới cùng. Người ta tìm đến hắn vì hắn có những tư tưởng là lạ mà rất độc đáo.

 

Tôi tin điều ấy, bởi tôi đã từng xem một video clip mới lạ và cảm động Đêm nằm mơ phố của ca sĩ Nghi Văn trong "VTV - Bài hát tôi yêu" vừa qua hay gần đây nhất là chương trình của nhạc sĩ Hồng Đăng với 2 đêm tại Hà Nội tôi đã rất ngạc nhiên. Toàn sân khấu Nhà hát lớn bao la như một đại dương, khi trở thành một đóa hoa trên biển, khi là một hòn đảo, một con tầu, khi lại là một cánh sóng chở các nghệ sĩ biểu diễn, tôn vẻ đẹp cho ca khúc.

 

Bẵng đi một thời gian, không được nhắc tên trên phim trường thì khán giả vẫn nhớ Nguyễn Quang Dũng trong các video clip ca nhạc hay những chương trình lớn, đàng hoàng, chững chạc chứ không lặng lẽ sau tiếng nhạc lời ca của ca sĩ và nhạc sĩ. Và năm nay, Dũng trở lại phim trường với một phim nhựa của HK Film là Hồn Trương Ba da hàng thịt và công ty này đang có tham vọng đưa bộ phim trên thành phim tâm điểm của Tết 2006.

 

Tôi chỉ hơi băn khoăn một điều tại sao Dũng không theo nghiệp văn chương của ba mà lại đi theo nghề đạo diễn. Hắn chỉ gọn lỏn, hắn không thích làm nhà văn, và không phải cuốn sách nào hắn cũng thích đọc, trừ văn của… ba hắn.

 

Thời bé Dũng "dốt" văn lắm. Lần được điểm cao cũng chỉ là điểm 5 khi làm bài văn tả về người cha. Hắn tả… một lèo nào là ba hay đi nhậu thế nào, nói ra sao, viết lúc nào chứ kiên quyết không tả theo bài văn mẫu. Về nhà hắn hào hứng khoe với ba rằng hắn còn hơn điểm một bạn trong lớp, bạn ấy không viết được chữ nào và lãnh điểm không vì bạn ấy bảo, ba bạn ấy mất từ lâu nên bạn ấy không biết tả như thế nào. Câu chuyện của con làm ông cảm động và nhà văn đã viết truyện ngắn Bài học đầu tiên là như thế.

 

Niềm đam mê của Dũng từ nhỏ là âm nhạc. 4 tuổi hắn đã từng nghêu ngao những câu hát do hắn… tự sáng tác: Mẹ đi vắng, con sang chơi nhà bạn, con cầm cây đàn con hát, hát cho mẹ về với con. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe thấy và ông đưa những lời hát đó vào một ca khúc rất xinh xắn của ông Mẹ đi vắng và từng "cưa đôi nhuận bút" sau khi bài hát được đăng báo.

 

12 tuổi, ba có mua cây piano về cho Dũng học, nhưng ngày qua ngày hắn cứ ngồi đánh lung tung không thành một bài một đoạn nào. 16 tuổi tự nhiên hắn sáng tác được một chùm ca khúc già hơn tuổi hắn, một người bạn của ba đến nhà chơi nghe được quá, thế là xin tài trợ cho hắn làm băng cassette 10 ca khúc trữ tình và một hãng băng phát hành đàng hoàng. Đến khi thi ĐH, hắn đỗ 2 trường: Nhạc viện TPHCM và khoa đạo diễn của trường Sân khấu Điện ảnh, cả nhà cứ ngỡ hắn theo nghề nhạc, nào ngờ: "Con chọn nghề đạo diễn, vì đạo diễn mới có nghề để làm".

 

Dũng từng viết nhạc cho phim truyền hình Chuột, phụ trách phần nhạc cho phim Những cô gái chân dài và phim 39 độ yêu theo đơn đặt hàng. Với hắn, viết nhạc bây giờ không phải một cuộc chơi, bởi nghề hắn chọn là đạo diễn, chỉ một nghề mà thôi.

 

Dũng cho rằng: "Nên làm nghề như một người thợ, và say mê với nghề, nếu có vinh quang cũng không choáng ngợp và thất bại cũng đủ bản lĩnh làm tiếp để không sai nữa. Có yêu nghề mới hiểu được giá trị của việc mình đang làm bởi sẽ không có một nghề nào chấp nhận những vinh quang ảo cả…"

 

Theo Hoàng Nguyên Vũ

Công An Nhân Dân