Đưa nghê Việt vào di tích lịch sử đình Hoàng Liên - Hà Nội
(Dân trí) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTT&DL về việc tiếp nhận hiện vật thuần Việt tiến tới loại bỏ dần hiện vật ngoại lai trong các khu di tích, đình Hoàng Liên (Hà Nội) vừa tiếp nhận một đôi nghê Việt cực kỳ đặc biệt.
Di tích lịch sử văn hóa đình Hoàng Liên (thuộc phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1995. Đình thờ Thành Hoàng làng- Đức Thánh Cao Sơn Đại vương, còn là nơi thờ vọng Đức Thượng đẳng thiên vương Lý Ông Trọng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, giúp dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Đình Hoàng Liên tọa lạc trên một vùng đất rộng ngay chính giữa làng, với kiến trúc cổ, nghệ thuật đẹp mắt. Ngôi đình là không gian mang ý nghĩa lịch sử văn hóa truyền thống, luôn có sự gắn bó quan hệ mật thiết đến đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.
Sau khi tổ chức hội nghị xin ý kiến nhân dân về việc tiếp nhận hiện vật là đôi nghê đá, UBND phường Liên Mạc cùng BQL đình - chùa Hoàng Liên cùng nhân dân đã trang trọng tổ chức lễ tiếp nhận và khai mở hiện vật cung tiến vào đình. Đây cũng là hoạt động văn hoá có ý nghĩa chào mừng Lễ hội truyền thống đình Hoàng Liên 2018.
Quyết tâm đẩy lùi, loại bỏ những linh vật ngoại lai không phù hợp và thay thế là những linh vật Việt, Nguyễn Văn Vũ cùng các cộng sự đã phải ngày đêm nghiên cứu, mô phỏng và phục dựng lại các mẫu nghê Việt. Phương pháp được nhà điêu khắc này lựa chọn là tìm hiểu và nghiên cứu ba linh vật nghê cùng thời Lê, sau đó bổ khuyết cho nhau để cuối cùng cho ra đáp án một mẫu tượng nghê hài hòa nhất, đẹp nhất, thuần Việt nhất.
“Đôi nghê được cung tiến vào đình Hoàng Liên là có thể nói là mẫu nghê có giá trị nghệ thuật, tạo tác kỹ thuật điêu luyện nhất. Đây cũng là mẫu nghê được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hoá, nghệ thuật đánh giá cao về tạo hình, đường nét, tư thế...”, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ chia sẻ. Anh cho biết, trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi, bằng những việc làm thiết thực để đưa những biểu tượng văn hoá đậm nét Việt đi vào đời sống cộng đồng.
Hà Tùng Long