Doanh thu "Anh trai vượt ngàn chông gai" là hơn 340 tỷ đồng?

Lạc Thành

(Dân trí) - PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - đã chia sẻ về hiệu ứng của concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" và doanh thu của show diễn này.

Sáng 18/12, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội và các điểm cầu.

Doanh thu Anh trai vượt ngàn chông gai là hơn 340 tỷ đồng? - 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tổng kết tại Hội nghị (Ảnh: Ban tổ chức).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng, nhấn mạnh rằng, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 50/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các nội hàm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được thực hành và triển khai rộng khắp.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm nay, thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh.

Đặc biệt, Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh. Năm nay cũng đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn.

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

"Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024, các đêm diễn "cháy vé" của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi là những minh chứng sống động trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Doanh thu Anh trai vượt ngàn chông gai là hơn 340 tỷ đồng? - 2

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - thông tin, chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" ghi nhận doanh thu hơn 340 tỷ đồng (Ảnh: Ban tổ chức).

Tại sự kiện, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - chia sẻ, văn hóa là linh hồn, cốt lõi định hình bản sắc dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nền tảng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức quan trọng, đòi hỏi những giải pháp, hành động cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển và vươn mình trên trường quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên "vươn mình" của dân tộc Việt Nam.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước trong kỷ nguyên mới, khiến cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi hệ thống các giải pháp về chính sách, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước.

Muốn thực hiện được điều này cần phải cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045".

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng nhắc đến một số chương trình giải trí có hiệu ứng tốt trong thời gian qua như: Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi... Những chương trình này có lượng khán giả đông đảo, là tín hiệu mừng cho phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

"Tôi có chứng kiến mấy chục nghìn khán giả tới concert Anh trai vượt ngàn chông gai, họ cùng nghệ sĩ hát vang các điệu chèo, điệu trống quân, Dạ cổ hoài lang... Nghệ sĩ cũng hát nhạc truyền thống kết hợp với dân ca đương đại kết hợp với âm thanh, ánh sáng, thời trang... rất chuyên nghiệp.

Nhà sản xuất của Anh trai vượt ngàn chông gai cũng xác nhận, doanh thu của chương trình này là hơn 340 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sự kết hợp giữa truyền thống và sự sáng tạo tạo nên sức bật cho chúng ta", bà Phương nói.

Doanh thu Anh trai vượt ngàn chông gai là hơn 340 tỷ đồng? - 3

Concert 2 của "Anh trai vượt ngàn chông gai" tối 14/12 thu hút đông đảo khán giả (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ thêm rằng, để có nhiều chương trình như: Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, Chị đẹp đạp gió... bà mong rằng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các ban ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về ưu đãi thu nhập cho các doanh nghiệp, ưu đãi tiền thuế đất cho các doanh nghiệp văn hóa cũng như điều chỉnh về việc đầu tư, hiến tặng để tạo sự thu hút từ các tập đoàn cho ngành văn hóa.

"Thêm nữa, các ban ngành cần ban hành những chính sách hỗ trợ việc chuyển những đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp những dịch vụ và sản phẩm văn hóa cần được thực hiện mạnh hơn giai đoạn trước", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thì cho rằng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và nông nghiệp trong năm nay đã có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện phát triển các làng nghề, coi đây là một trong những "chất liệu" quan trọng để phát triển du lịch.

Từng sản phẩm nông nghiệp, làng quê đều mang trong mình những câu chuyện văn hóa và được tái hiện lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật, quảng bá đến bạn bè trong nước, quốc tế.

Trong phát triển du lịch nông nghiệp, hai ngành đã có sự trao đổi, hợp tác để phát triển, sáng tạo nên những sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo dựa trên bản sắc văn hóa; lấy sức mạnh văn hóa để tạo nên sức mạnh về nông nghiệp; lấy nền tảng nông nghiệp để phát triển du lịch.

Theo ông Hoan, đã có nhiều loại hình du lịch cộng đồng mang đậm dấu ấn giữa văn hóa và nông nghiệp. Nhiều làng du lịch ở những miền quê của Việt Nam được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.

"Tôi biết đến một show diễn thời trang được diễn ra tại vườn vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Nhà thiết kế đã lấy trái vải làm vương miện khiến rộn ràng một vùng quê. Sự kết hợp đặc biệt này đã gây ấn tượng cho người xem...", ông Lê Minh Hoan nói.