Đinh Tiến Đạt: “Tôi không dùng album để chứng minh đẳng cấp!”

(Dân trí) - Sau ba năm hát đơn với thành quả là album vol.1 “Hãy Ra Đi” phát hành vào năm 2004, ca sĩ Đinh Tiến Đạt bước đầu được công chúng trẻ đón nhận, thiết lập được tên tuổi với dòng nhạc Rap - HipHop.

“Mr Dee”, vì sao anh lại có nick name khá ấn tượng và hơi “lai căng” này?

 

Trong nhiều lần đi lưu diễn ở nước ngoài và hát phục vụ cho khán giả nước ngoài tại Việt Nam, vì không biết phát âm tiếng Việt nên họ chỉ có thể nói lơ lớ là Mr Dee. Nhận thấy cái tên này cũng khá lạ và hay nên tôi sử dụng nó như một thương hiệu riêng.

 

Thế anh thích khán giả gọi anh bằng tên nào?

 

Tên nào cũng được, vì tên nào thì cũng là để nói về tôi, ca sĩ Đinh Tiến Đạt thôi. Còn riêng bản thân tôi thì cái tên Mr Dee dễ nghe và gần gũi hơn, có lẽ vì vậy mà nick name này đã được khán giả trẻ biết đến nhiều nhất.

 

Anh nghĩ thế nào khi các ca sĩ cứ ra album đều đều, còn anh mãi đến bây giờ  mới cho ra mắt album vol.2 với chủ đề “Giao thông”?

 

Tôi thì nghĩ không phải cứ ra album đều đều thì mới gọi là ca sĩ, và tôi cũng không thuộc dạng dùng album để chứng minh đẳng cấp. Tôi chỉ muốn tất cả sản phẩm của mình phải có sự chuẩn bị thật tốt, nếu không tốt, tôi sẵn sàng dành thời gian để làm lại. Tôi biết tôi là ai, và tôi đang ở điểm dừng nào chứ. Về việc album vol.2 này, đúng ra tôi đã cho trình làng từ lâu nhưng vì thời gian đó tôi gặp một chút sự cố về việc xin phép phát hành cho nên phải lùi lại đợi đến hôm nay mới ra mắt được.

 

Anh có thể nói một chút về thành quả lao động này của mình?

 

“Giao thông” gồm 9 ca khúc, trong đó 7 ca khúc là do tôi sáng tác. Album này vẫn là nhạc Hiphop nhưng có tiếp thu những tiết tấu hiện đại và trẻ trung của dòng nhạc Hiphop Mỹ đan xen với phong cách âm nhạc riêng của tôi. Trong một số bài hát như “Trống cơm”, “Đi học”… tôi đã kết hợp chất liệu âm nhạc dân gian với những tiết tấu mạnh của Hiphop để cho ra đời một dòng nhạc riêng mà tôi tạm gọi là Hiphop dân gian.

 

Theo nhận xét của riêng anh, anh có thể cho biết đâu là nét riêng của album này so với các album khác đang xuất hiện tràn lan trên thị trường?

 

Ngoài chuyện tôi cho ra đời một dòng nhạc mới, tạm gọi là Hip-hop dân gian như đã nói thì nét khác biệt ở album này mà tôi thấy tâm đắc nhất chính là ý tưởng sáng tác.

 

Tôi không muốn viết về những ca khúc bình thường, nên ngoài những bài lấy ý từ nhạc dân gian (Trống Cơm) và tác phẩm văn học (Chí Phèo), còn lại những ca khúc khác chủ yếu tập trung khai thác về mảng đề tài xã hội như : Đi Học khuyên các em học sinh cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội, Giao Thông kêu gọi mọi người ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông, Không nhà (viết chung với Mai Thanh) mang tính nhân bản, nói lên thực trạng cuộc sống cơ nhỡ, không nơi nương tựa của một bộ phận trẻ em đường phố…

 

Về sản phẩm này của mình, anh có điều gì khác muốn bày tỏ?

 

Tôi rất vui khi đứa con tinh thần của mình được ra đời, qua album này tôi mong khán giả hãy lắng nghe thật kỹ để cảm nhận được hơi thở của cuộc sống qua những âm thanh, giai điệu và ca từ rất gần gũi, rất đời thường nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc, một lời nhắn nhủ chân thành đến mọi người.

 

Bảo Hoàng