Diễn vai “gái quê”...

Mỗi khi vào vai “gái quê”, An Chinh luôn phải hoá trang cho mặt đen đi, cũng lội ruộng, tát nước, cũng quần lụa áo gụ phăm phăm trên xe đạp không phanh... Cùng với An Chinh, diễn viên Thu Hà, Chiều Xuân - những gương mặt đẹp của làng điện ảnh cũng đã bật mí chuyện vào vai “gái quê” của mình.

Thu Hà: chạy 3 km… để vào vai

 

Nhiều người gắn Thu Hà trong những vai diễn lá ngọc cành vàng, nhưng gần đây, chị bất ngờ xuất hiện trong vai cô Tân, phim Đường đời - một phụ nữ nông thôn đảm đảng, mạnh mẽ và rất vị tha. Thu Hà kể chị luôn tự thấy dòng máu nông dân chảy trong người. Dù chính thức "gia nhập" đất Hà thành rất sớm (5 tuổi), với chị, làng quê vẫn luôn là nơi của những ấm áp, yên lành. Luôn có trong chị cảm giác man mác nhớ mùi đồng quê, hình ảnh không thể quên về người bà còng lưng khoác áo tơi, những tâm hồn đơn giản mà nồng hậu... Đó là những lý giải dễ hiểu nhất về một cô Tân đằm thắm trong Đường đời.

 

Không chỉ nói đến gương mặt, cách diễn xuất sắc sảo, mặn mà trong giọng nói và cả cái dáng điệu đanh đá ra trò của cô vợ ghen chồng nữa. Chả thế mà phim chiếu xong, khán giả cứ bình phẩm từng cử chỉ, cách ứng xử của cô Tân, còn định "kiện" sao lại để anh chồng được tự do thế. Nhiều cuộc bàn luận của khán giả đều nhất nhất bảo vệ cô Tân, một người phụ nữ nông thôn chính hiệu, lam lũ, chịu đựng nhưng có cái mặn mà riêng của người đàn bà rất cá tính, vị tha.

 

Diễn viên Thu Hà tiết lộ thêm về sự vào vai rất "ngọt" của mình  là sáng nào chị cũng chạy 3km vòng quanh từ cánh đồng này sang cánh đồng kia để lấy cảm hứng diễn xuất. Chính thế nên sau đợt đi quay phim Đường đời ở huyện Mỹ Đức - Hà Tây chị càng thấy mình có sự gắn bó đặc biệt với làng quê.

 

Diễn vai “gái quê”... - 1
 Chiều Xuân: Phải "độn" người cho đầy đặn

 

Tháng 6, nắng và nóng như lửa, diễn viên Chiều Xuân đầy căng thẳng để tập trung cao độ cho vai diễn cô Thuận, phim Mẹ chồng tôi - một người phụ nữ nông thôn rất nghị lực nhưng cũng đầy nữ tính. Suốt hơn 1,5 tháng ăn, ngủ, làm việc cùng đoàn làm phim. Mang tiếng là ở gần nhà (Đông Anh - Hà Nội) ngỡ là sẽ tranh thủ về thăm gia đình nhưng rốt cuộc chỉ là những cuộc điện thoại hiếm hoi. Chiều Xuân chọn cách sống trọn vẹn với vai diễn, cho đến 2 tháng sau khi phim hoàn thành chị mới trở về trạng thái thăng bằng.

 

Đạo diễn Khải Hưng đã rất hài lòng ngay từ đầu khi chọn khuôn mặt Chiều Xuân vào vai Thuận. Nhưng ít ai biết người diễn viên này đã phải nén chặt hàng đống thứ trong người suốt thời gian theo đoàn làm phim. Cũng bởi theo ý đạo diễn thì cô Thuận phải là hình ảnh hoàn thiện về người phụ nữ nông thôn Việt Nam, vóc dáng phải đầy đặn, đậm người một chút. Mà hồi đó Chiều Xuân lại mảnh mai, chỉ có 45 kg.

 

Lẽ dĩ nhiên công việc hóa trang cho vai diễn không có gì lạ, thế nhưng bạn thử hình dung, với cái nóng 34 - 35o  mà ngày nào chị cũng phải tháo ra độn vào rất nhiều "phụ trang". Phim phát sóng rồi, nhiều người gặp chị cứ thắc mắc: "Sao dạo này Xuân gầy đi nhiều thế?".

 

Diễn vai “gái quê”... - 2
 An Chinh: đi xe đạp không phanh

 

Thời gian gần đây, An Chinh mải đắm đuối với sân khấu chèo rồi bận bịu theo học lớp biên đạo múa - trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh nên khán giả TH ít thấy chị. Nhưng trong nhiều vai diễn của An Chinh, nổi bật là các vai diễn về người phụ nữ nông thôn thuần hậu, nghị lực: Mẹ Nết, Người con gái của biển, Du kích Hoàng Ngân, Lời thì thầm của chiến tranh… hay như  cô vợ đáo để của ông Tấn trong phim Người thừa của dòng họ.

 

Vào vai nông thôn nhiều quá, đến mức mỗi lần có đạo diễn nào mời đóng phim, An Chinh lại cười… mà hỏi: "Cái mặt em trông quê lắm không?". Mỗi khi vào vai, An Chinh luôn phải hoá trang cho mặt đen đi, cũng lội ruộng, tát nước, cũng quần lụa áo gụ phăm phăm trên xe đạp không phanh, cũng gánh gánh gồng gồng... Chỉ riêng đảm bảo độ an toàn cho cảnh quay đi xe đạp không phanh, An Chinh đã phải tập đi tập lại rất nhiều lần, tuy thế đến khi quay thì vẫn ngã oành oạch.

 

Nhưng, ấn tượng với chị là đi đến đâu quay phim đều được bà con nhiệt tình giúp đỡ, hỏi han. Thậm chí họ còn tận tình góp ý cho diễn viên những ứng xử, điệu bộ làm thế nào để gần gũi nhất với hình ảnh người phụ nữ thôn quê.

 

 

Theo Thục Miên

Truyền Hình