Đến phố núi thưởng thức món “gà leo cây”
(Dân trí)- Đã đến phố núi Pleiku, nếu du khách chưa thưởng thức món gà nướng, cơm lam, muối é và rượu cần do chính tay người bản địa nơi đây chế biến thì quả là đáng tiếc.
Không cần phải cưỡi “ngựa sắt” đi hàng trăm cây số hay trèo đèo, lội suối các du khách mới được thưởng thức “chất rừng” ở mảnh đất cao nguyên. Mà chỉ cần 20 phút chạy xe máy từ trung tâm TP.Pleiku đi theo hướng đông bắc, chắc chắn rằng du khách sẽ được thưởng thức một bữa tiệc “rừng” đậm chất sử thi Tây Nguyên.
Sau một vòng lang thang ngắm “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”, cô bạn đến từ Miền trung réo lên yêu cầu tôi đưa đi thưởng thức đặc sản Tây Nguyên. Sau ít phút suy nghĩ lục lại địa chỉ trong đầu, “Gà nướng làng Tiêng” (xã Tân Sơn, TP.Pleiku) chắc chắn sẽ thừa các yếu tố “rừng” để mê hoặc cô bạn thân của tôi.
Cách Biển Hồ chừng 3km về phía đông, quán Gà nướng làng Tiêng là nơi hiếm hoi và dường như duy nhất ở Gia Lai mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên nhất. Quán được thiết kế bằng quần thể các ngôi nhà sàn, phía trước là các bức tượng nhà mồ, chủ quán, đầu bếp và lễ tân đều là người bản địa J’rai. Họ sẽ phục vụ bạn rất nhiệt tình và cởi mở.
Cơm lam là món được mang ra đầu tiên. Nguyên liệu là nếp rẫy của đồng bào, sau khi vo sạch, ngâm trong nước chừng 30 phút thì cho vào ống nứa tươi, nút lại bằng lá chuối rồi vùi trong than trấu. Một tiếng đồng hồ sau là cơm chín.
Các ống cơm được đập dập trước, khách chỉ việc xé ống kiểu tước mía để lấy cơm ra ăn. Ai đã từng được thưởng thức cơm lam Tây nguyên hẳn khó lòng quên được, hương nếp dẻo thơm đậm đà hòa quyện với muối é cay xé nhưng nức nở mũi. É là lá giống như rau húng quế nhưng màu trắng,có vị thơm rất dễ chịu. Lá é, ớt hiểm xanh (còn gọi là ớt bay, thường mọc trên nương rẫy với vị cay xé nhưng thơm) giã cùng với muối sống (muối hạt) tạo ra một vị đặc trưng, không lẫn vào đâu được.
Về món chủ đạo gà nướng, nguyên liệu là “gà leo cây” (những con gà của người đồng bào với dáng nhỏ, ngày lân la kiếm ăn, tối phi lên cây ngủ nên thịt rất chắc, thơm). Nướng gà rất công phu, xung quanh đống than củi đỏ hừng hực, chủ quán đóng hơn chục cây cọc. Gà được banh thân sao cho có tiết diện lớn nhất, sau đó treo lên các cọc. Cứ thế xoay qua xoay lại, quệt gia vị ướp sẵn mãi đến gần 4 giờ đồng hồ gà mới chín. Khi gà đã chín thì gia vị thấm đến tận xương tủy. Món gà nướng vàng ruộm chấm với muối é tạo ra vị thơm dịu mà không hề có bất kì mùi gì của khói lửa, khách nhai cả xương mà vẫn cảm thấy ngọt lừ miệng.
Bình rượu cần với nguyên liệu là hạt bo bo được đặt giữa bàn tiệc chính là sợi dây kết nối cộng đồng. Đây là loại rượu người đồng bào ủ dành cho phụ nữ nên các cô gái cũng tưng bừng vít cần.
Không chỉ được thưởng thức các món ăn cực kì ngon và lạ miệng, mà quán luôn luôn sẵn sàng phục vụ bạn món ăn tinh thần là các điệu múa xoang của các cô gái, chàng chai cùng tiếng cồng, chiêng ngân vang khắp bản làng. Khiến bạn sẽ có cảm giác như đang được thưởng thức điệu vũ thần tiên hay những bản nhạc vốn chỉ dành riêng cho cung đình của các vua chúa xưa.
Ngoài các món trên, quán này còn có món heo sữa đồng bào nướng như công thức nướng gà, cũng hấp dẫn không kém. Món cháo gà với dày đặc gia vị hành tiêu là món chữa lửa làm cho khách cảm thấy ấm lòng trong đêm hăm hẳm lạnh. Xin nói thêm rằng, dù đã nhiều lần thưởng thức món này, nhưng với chúng tôi, lần nào cũng cứ như là thuở ban đầu, đến hoài mà không cảm thấy chán ngán!
Ông Dúi- chủ quán hồn hậu kể về nguồn gốc nhà hàng của mình, trước đây ông chỉ nướng gà cho con cháu và những người quen thưởng thức. Vàtay nghề của ông ngày càng được lan xa nên ông quyết định mở quán để cải thiện thu nhập cho gia đình. Sau Festival cồng chiêng Quốc tế lần I, người biết đến quán của ông ngày càng đông, khách gọi điện đặt hàng nhiều đến mức có lúc ông làm không xuể. Hiện, mỗi năm, gia đình ông thu nhập đến vài trăm triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 20 người, chủ yếu con cháu trong gia đình.
Thiên Thư