Đêm chung kết 3 “Giải thưởng Trần Hữu Trang”:
Dấu ấn cho những vai nàng công chúa, bà hoàng hậu uy quyền
(Dân trí) - Hai cô gái trẻ đã vào những vai đề tài lịch sử triều đình vua chúa, đó là một nàng công chúa kiêu ngạo, một bà hoàng hậu độc ác đã để lại dấu ấn cho người xem trong đêm chung kết 3 diễn ra tối ngày 20/2.
Nếu như Lê Thanh Thảo (SN 1982) tham gia thi giải triển vọng đến từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có một vai diễn “nàng dâu bị mẹ chồng hạnh hạ” gây được sự đồng cảm với khán giả tại vòng bán kết thì trong đêm chung kết, Thảo cũng có một vai diễn về đề tài lịch sử khá thành công. Thảo đã chọn vai Thiên kiều công chúa qua trích đoạn Trắng hoa mai, một vai diễn nhiều tâm lý.
Phân cảnh của Thảo trong vai diễn này là nhân vật công chúa bằng mọi cách quyến rũ để có được tình yêu của chàng trai nghệ sĩ tài hoa Lý Nam Nam. Dùng quyền uy, dùng nhan sắc nhưng công chúa Thiên Kiều vẫn không chiếm được trái tim của chàng nghệ sĩ.
Công chúa Thiên Kiều trở nên thù hận khi biết Lý Nam Nam giành tình yêu cho hoa mai. Nàng đã sai lính chặt hết tất cả các loài hoa mai để trả thù tình. Nàng cũng đã giam chàng nghệ sĩ vào ngục tối để trị tội nếu đồng ý yêu công chúa là một sự sĩ nhục đối với chàng.
Một nàng công chúa cũng là nữ tướng nơi xa trường, đã khiến biết bao tướng lĩnh khiếp sợ nhưng vẫn không thể nào có được tình yêu của chàng nghệ sĩ nên công chúa Thiên kiều bị suy tim mà chết.
Thanh Thảo cho biết, đây là vai diễn rất khó bởi phải thể hiện nhiều tính cách, đặc biệt là tính cách của một công chúa quyền uy. Đó là tính cánh mềm mõng để lòng chàng nghệ sĩ nhưng cũng có tính cách của một nàng công chúa hống hách, thù tình. Khi diễn, người diễn phải có những điệu bộ và nét mặt sao cho thể hiện được 2 tính cách này.
NSƯT Ca Lê Hồng (HĐGK chuyên môn) có câu hỏi: "Theo em nhân vật công chúa Thiên Kiều có điều gì nổi bật mà em chọn để thi diễn?”. Thí sinh Lê Thanh Thảo nhìn nhận: “Đây là một vai có đất diễn và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sáng tạo trong cách diễn xuất để đạt được những điểm nhấn trong từng phân cảnh. Vai diễn này từng có nhiều nghệ sĩ diễn thành công nên đây là động lực để em say mê và cố gắng diễn tốt hơn”.
Theo NSƯT Ca Lê Hồng, phần độc thoại của phân cảnh là quan trọng nhất của vai diễn này, đó là lúc công chúa Thiên Kiều cho người bắt giam chàng nghệ sĩ vào ngục tối, chỉ còn mình công chúa bị ám ảnh bởi một tình yêu mù quáng; phần này sẽ nói lên được sự thất bại hay thành công của vai diễn. Thí sinh Lê Thanh Thảo đã có thực hiện tốt.
Trong khi đó, một vai đề tài lịch sử khác cũng được đánh giá tốt là vai diễn của thí sinh Hồng Thủy (SN 1986) đến từ Đoàn cải lương Tây Đô. Hồng Thủy đóng vai Thần phi trong trích đoạn Lệ chi viên. Trước đó, tại vòng bán kết, Thủy đã diễn một vai xã hội rất hay là vai Bà Năm trong vở Cây thốt nốt quỳ.
Phân cảnh vai diễn của Hồng Thủy là lúc bà Thần phi tìm đến vườn vải để thực hiện một mưu đồ xấu xa của mình. Bà Thần phi đã giết những người chống lại mình. Bà luôn ghanh ghét tài đức của Nguyễn Trãi nên tìm mọi cách không cho Nguyễn Trãi về triều đình để lật tẩy mưu đồ quyền lực của bà.
Thí sinh Hồng Thủy chia sẻ, những vai diễn hoàng hậu, phi tần luôn rất “khó ăn” bởi tính cách của những nhân vật không dễ dàng gì hiểu hết được. Đặc biệt là những bà hoàng hậu uy quyền, mưu mô, xảo quyệt bởi diễn làm sao cho người xem thấy “ác” nhất, “độc” nhất thì mới có thể thành công.
Sau phần thi diễn của thí sinh Hồng Thủy, NSƯT Thanh Vi (HĐGK chuyên môn) đánh giá, tuổi đời còn trẻ nên diễn những vai già hơn thường là rất khó. Dù vậy, Hồng Thủy đã diễn khá hay nhưng vẫn còn thiếu cái chất “ác” của nhân vật này.
Được biết, những nghệ sĩ từng diễn thành công vai nhân vật Thần phi có NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Vi (sân khấu cải lương), NS Tú Trinh, DVĐA Lê Khánh (sân khấu kịch)…
Huỳnh Hải