Vui chơi giải trí Tết Bính Tuất:
Đắt khách nhưng chưa đặc sắc
Tại TPHCM và Hà Nội, hoạt động giải trí thường xuyên quá tải du khách, song người thưởng ngoạn vẫn mong mỏi cần nâng chất các chương trình hơn nữa.
Đường hoa: ít hoa đẹp
Đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM) mừng xuân Bính Tuất thu hút khách thưởng ngoạn từ lúc "mở" (tối 27 Tết) cho đến lúc "đóng" (tối mồng 3).
Năm nay đường hoa được hiện đại hóa với hệ thống tưới nước tự động tại khu trưng bày hoa Đà Lạt. Tuy nhiên, ở những khu vực khác rất nhiều hoa đã không thể khoe sắc thắm dưới cái nắng của Sài Gòn trong những ngày xuân về dù các đơn vị thực hiện thường xuyên tưới nước và thay những giỏ hoa héo.
Khu làng quê tạo thích thú khi giới thiệu cách dệt thổ cẩm, cách làm những món đồ chơi bằng tre, lá dừa, cách gói nấu bánh tét... Chỉ cần một trò đơn giản như giả thôn nữ gánh những gánh hoa sen cũng khiến nhiều khách (người lớn lẫn trẻ con) thích thú. Nhiều ý kiến nhận xét năm nay hoa không đẹp, không nhiều chủng loại và đặc sắc như năm ngoái. Lượng hoa cũng không nhiều như mong đợi.
Có khá nhiều khoảng trống trên đường hoa, nhất là đoạn cuối. Một số bờ rào sẽ thơ mộng hơn nếu có thêm các dây leo... Đường hoa là một nét đặc sắc, độc đáo của TPHCM trong những ngày Tết, do đó cần được đầu tư cải tiến mỗi năm. Có ý kiến cho rằng nếu có thêm một phần hoa đặc sắc của Hội hoa xuân thì đường hoa sẽ hấp dẫn hơn.
Khu vui chơi - giải trí: quá tải!
Theo ông Huỳnh Đồng Tuấn - phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch văn hóa Suối Tiên, từ mồng 1 - 4 đã có trên 380.000 lượt khách (đông nhất là ngày mồng 4 tết có tới 130.000 lượt), tăng khoảng 10% so với tết năm ngoái.
Sở dĩ năm nay khách đông là do Suối Tiên có đầu tư một số công trình mới khá hoành tráng như Long hoa thiên bảo, Bí mật kho báu cổ, Bí mật rừng phù thủy...
Ngoài ra đoàn xiếc ôtô bay, môtô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) chọn Suối Tiên làm điểm mở đầu cho chuyến lưu diễn sáu tháng tại VN nên cũng thu hút rất đông khách, hầu như năm thành viên của đoàn diễn liên tục, mỗi ngày hàng chục suất.
Công viên văn hóa Đầm Sen bốn ngày đầu xuân thu hút gần 300.000 lượt khách (đông nhất cũng là mồng 4 Tết với khoảng 100.000 lượt).
Sự kiện bánh tét khổng lồ là nét đặc trưng và nổi bật nhất của Đầm Sen. Lễ hội bánh tét kỷ lục năm nay cũng được TP tổ chức qui mô và bài bản hơn, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham dự và thưởng thức bánh.
Chỉ tính đêm mồng 2 Tết đã có khoảng 12.000 lượt du khách và bà con được thưởng thức chiếc bánh khổng lồ trước Nhà hát TP. Chiếc bánh còn lại được chở về Đầm Sen và chiêu đãi tiếp vào tối mồng 3 Tết cũng có khoảng 7.000 lượt người được thưởng thức.
Ca nhạc: không đặc sắc
Ngày Tết nhiều ca sĩ chạy sô ở các tỉnh thành nên các sân khấu tại TPHCM cũng bị "chia sức". Khán giả muốn đi nghe nhạc chủ yếu đến các phòng trà như M&Tôi, Đồng Dao và 2B. Hầu hết các nơi này đều làm chương trình ca khúc xuân với nhiều ngôi sao mỗi đêm (Lam Trường, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung, Thanh Lam...). Về mặt dàn dựng, các điểm ca nhạc đều không có gì đặc sắc, ấn tượng do thừa biết "ngày Tết đương nhiên khán giả xem đông".
Các sân khấu mô hình nửa phòng trà, nửa cà phê nhạc như MTV, Planet, Điểm Hẹn... đạt "phong độ" và hút khách do mời nhiều ca sĩ nổi tiếng hằng đêm (Cẩm Ly, Kasim Hoàng Vũ, Hiền Thục, Ngô Thanh Vân...) cộng với dàn ca sĩ, nhóm ca trẻ trung năng động. Thế nhưng các nơi này chương trình ca nhạc phải xen lẫn mảng hài kịch từ nhiều nhóm hài mang lại tiếng cười giải trí bình dân.
Kịch Tết: phấn khởi với hài
Tự tin đầu tư hàng trăm triệu đồng để ra mắt hàng loạt vở diễn mới phục vụ Tết, những ông bà bầu của các sân khấu kịch TP.HCM đã có thể thở phào và "ấm" túi sau ba ngày tết! Hầu hết sân khấu kịch đều tăng lên 2 - 3 suất một đêm, riêng Nhà hát Kịch TP còn dành riêng một suất để phục vụ bà con quận, huyện vùng ven và có thêm chương trình... xem kịch trúng thưởng.
"Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ" - các sân khấu thành phố từ nhiều năm nay đã thuộc lòng câu nói này, đặc biệt trong ba ngày Tết. Rũ bỏ những lo toan hối hả trong năm cũ, khán giả TP đi xem kịch tết để được cười thoải mái với Rể quí, Triệu đôla của Kịch Sài Gòn, chiêm nghiệm cái sự đời éo le nhưng khôi hài trong Tôi là ai, Bầu rượu càn khôn của Idecaf, hay ngả nghiêng cùng Cậu tèo về nước, rồi nhẹ nhàng mím chi với Tuổi dậy thì, Sự lừa dối đáng yêu đều của sân khấu Phú Nhuận.
Ngay cả sân khấu 5B và Nhà hát Kịch TP vốn chuyên về những vở chính kịch "nặng đô" thì Tết này cũng đã chọc cười được khán giả bằng những chùm kịch ngắn vui vẻ.
Xem kịch dường như đã thành một nét văn hóa đẹp của người Sài Gòn từ mấy năm nay, đặc biệt là dịp lễ tết. Mặc dù giá vé ngày Tết tăng hơn ngày thường (70.000 - 80.000 đồng) nhưng khán giả vẫn nườm nượp kéo đến kín rạp.
Phim chiếu rạp: nội thắng ngoại
Mấy ngày Tết, các rạp chiếu phim tại TPHCM “nóng” lên với hai bộ phim Việt Đẻ mướn và 2 trong 1, áp đảo bộ phim nước ngoài duy nhất chiếu trong dịp này (Ngàn ly không say của Hong Kong). Các rạp lớn như Diamond, Galaxy, Cinebox, Thăng Long... đều kín khách. Rạp trưởng rạp Thăng Long Trần Văn Hiền hồ hởi: "Mỗi ngày rạp Thăng Long có trên dưới 5.000 lượt người xem. Đẻ mướn quảng cáo ồ ạt khiến lượng khán giả đến nhỉnh hơn 2 trong 1".
Sau 12 ngày chiếu, Đẻ mướn thu hút trên 160.000 lượt người trên toàn quốc, doanh thu khoảng trên 5 tỉ đồng. 2 trong 1 thu hút gần 90.000 lượt người với doanh thu trên 3,5 tỉ đồng. Các rạp thông báo hai phim này sẽ tiếp tục chiếu tiếp đến khi nào... hết khách, riêng Đẻ mướn sẽ “tấn công” thị trường miền Bắc vào đầu tháng ba tới. Chưa kể còn hai phim đang xếp hàng nối nhau vào rạp: Hồn Trương Ba da hàng thịt (từ 11/2) và Gió thiên đường (từ 14/2).
Trong khi đó tại Hà Nội, 2 trong 1 và Thập tự hoa được tung ra chiếu bên cạnh King Kong và Ngàn ly không say trong dịp tết quả là không hề cân sức.
Trong khi ông Nguyễn Kim Hòa, trưởng rạp Tháng Tám, hân hoan thông báo doanh số 48 triệu đồng/ngày (ước chừng 2.200 vé bán ra cho năm suất chiếu mỗi ngày) trong liên tục tám ngày kể từ 25 Tết đến nay thì ngay sau đó lại rầu rĩ về việc Thập tự hoa đã phải liên tục hoãn các buổi chiếu vì quá ít người mua vé. Ông Hòa cho biết có buổi chỉ bán được hai vé, có buổi bốn vé nên đành phải hoãn, và sau ba ngày rạp Tháng Tám đã hết kiên nhẫn, chuyển sang chiếu phim Nếu như yêu!
Theo T uổi trẻ