“Đạo” - bệnh trầm kha của làng giải trí Việt
(Dân trí) - “Đạo” là một trong những hành vi “ăn cắp bản quyền” nghiêm trọng, thế nhưng đáng buồn thay, dường như nó tồn tại một cách công khai trong lòng showbiz Việt. Ai cũng biết, ai cũng nghe, ai cũng phẫn nộ nhưng không ai... đứng ra hành động.
“Đạo nhạc” - Chuyện thường ngày ở huyện
Đảo một vòng nhạc Việt, không khó để nhận thấy hầu hết những ca khúc nổi tiếng của quốc tế đều có “phiên bản” Việt. Điều này kể cũng lạ, bởi nếu là những ca khúc không nổi tiếng, ít ai biết đến mà bị “đạo” thì là chuyện có thể hiểu được, chứ ca khúc nổi tiếng mọi người đều biết thì “đạo” lại càng dễ bị lộ. Để tránh bị phát hiện, những ca khúc nổi tiếng sẽ được “dịch lời”, (không chỉ 1, thậm chí có 2,3 phiên bản dịch khác nhau). Còn những ca khúc ít nổi tiếng hơn sẽ được “đạo” một cách âm thầm và triệt để.
Không phải mãi đến gần đây khi một tờ báo của Hàn Quốc “nắm tay chỉ mặt” ca sĩ Cao Thái Sơn đạo lại ý tưởng của nam ca sỹ Se7en của nước này thì “sự đạo” mới xuất hiện ầm ĩ trên mặt báo và các diễn đàn. Từ lâu, báo chí và giới hâm mộ không ít lần lên tiếng về việc này nhưng có vẻ như những sự lên án đó không có chút tác động nào với nghệ sĩ Việt.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc cũng làm nên “chuyện đó đâu ai ngờ” khi đạo tới 95% ý tưởng, hình ảnh, góc quay trong clip của ca sĩ nhạc Pop người Đan Mạch Burhan G. Sau đó anh thản nhiên tuyên bố: “Việc tham khảo ý tưởng lẫn nhau trong âm nhạc là chuyện bình thường, không ít ca sĩ ở Việt Nam và trên thế giới thực hiện". Nhưng “tham khảo” tới mức bê nguyên tác phẩm của người khác như vậy thì nào có khác gì... ăn cắp!?
Bên cạnh Khánh Phương còn có thể nhắc tới ca sĩ Bảo Thy mà cư dân mạng dành cho cô nickname “Công chúa đạo nhạc”. Bảo Thy từng đạo lại beat nhạc Nobody của nhóm Wondergirls của Hàn hay copy lời bài hát của ca sĩ người Úc Lenka.
Phim: Cũng không nằm ngoài sự “đạo”
Với đặc thù riêng của mình, điện ảnh có những góc độ “đạo” sâu rộng hơn. Tuy nhiên, đình đám nhất có thể kể đến “nghi án” của phim Giao lộ định mệnh và Shattered với Giao lộ định mệnh copy đến 90% nội dung, góc quay của bộ phim nổi tiếng Hollywood. Ngoài ra, một bộ phim khác là Vũ điệu đam mê cũng bị “nghi” là “bắt chước ý tưởng” của bộ phim ca nhạc nổi tiếng Step up. Thậm chí, một tác phẩm gây được tiếng vang như Áo lụa Hà Đông cũng từng bị cho là “có ý tưởng và tình tiết giống với phim Những đứa trẻ của thiên đường” của điện ảnh Iran.
Ngoài việc đạo ý tưởng, góc quay, hình ảnh... thì phim Việt còn khiến khán giả “đổ mồ hôi lạnh” khi đạo luôn những ca khúc nhạc phim nổi tiếng. Đơn cử là Thứ ba học trò với bản nhạc phim nổi tiếng của bộ phim được coi là “kinh điển” của làng điện ảnh Châu Á là Trái tim mùa thu hay Sunadokei của bộ phim 1 litre of tears của Nhật.
Không chỉ những NTK bình thường, danh sách những NTK bị rơi vào vòng “nghi vấn” có cả những cái tên nổi tiếng như: Hoàng Hải với vụ Hà Tăng mặc váy “giống” với bộ sưu tập của Elie Saab tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, Đỗ Mạnh Cường bị nghi copy từ bộ sưu tập của hai nhà thiết kế Hà Lan là Viktor Horsting & Rolf Snoeren...
Lấy một trong số rất nhiều ví dụ để thấy ở Việt Nam, vấn đề “đạo” tuy bị lên án dữ dội nhưng còn thiếu các chế tài cụ thể và đủ mạnh để răn đe. Những “đạo - sĩ” (nghệ sĩ đạo) Việt Nam dường như không phải chịu một chế tài cụ thể nào ngoài việc bị công chúng lên án. Tuy nhiên, với những “đạo - sĩ” này, việc bị chỉ trích không có tác dụng bởi với họ tai tiếng hay nổi tiếng có phần tương đồng nhau….
Phan Anh