Danh hão và vương miện ảo
Dăm năm nay, những cuộc thi hoa hậu, người đẹp, nam vương… ồ ạt diễn ra ở khắp mọi nơi, kéo theo đó là sự lên ngôi của rất nhiều mỹ nam, mỹ nữ và sinh ra “nghề hoa hậu”. Để có được danh hão và vương miện ảo, nhiều chân dài tìm cách tham dự các cuộc thi nước ngoài, bất chấp quy mô cuộc thi đó và đặc biệt là bất chấp luôn cả quy định của pháp luật để thi “chui”. Và mục đích của họ, tất nhiên chẳng phải cống hiến...
Thi “chui”, thi “trốn”
Vừa qua, Nguyễn Văn Sơn - đại diện của Việt Nam vừa đăng quang tại cuộc thi Mister Global 2015 đã ngay lập tức dính án do “thi chui”. Với trường hợp của thí sinh này, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định, Nguyễn Văn Sơn không đủ yếu tố để được cấp phép tham dự một cuộc thi nhan sắc quốc tế. Bởi theo quy định, người đoạt giải người mẫu toàn quốc mới được thi người mẫu quốc tế, người đoạt giải cuộc thi hoa hậu mới được thi hoa hậu quốc tế.
Ông cũng nhấn mạnh, trường hợp thí sinh Nguyễn Văn Sơn tự ý sang Thái Lan tham dự Mister Global là “thi chui”, trái với quy định hiện hành. Theo mức phạt mới, Nguyễn Văn Sơn có thể bị phạt 15-30 triệu đồng vì hành vi tự ý đi thi, không xin phép này.
Nguyễn Văn Sơn
Giải thích lý do “thi chui”, Nguyễn Văn Sơn cho biết anh đi thi theo lời mời của ban tổ chức, do thời gian quá gấp rút, lại trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên anh chưa kịp xin phép các cơ quan chức năng. Tại Mister Global 2015, Nguyễn Văn Sơn được xem là một trong những đối thủ nặng ký của cuộc thi này với chiều cao 1,93m cùng gương mặt nam tính góc cạnh. Anh hiện là vận động viên quốc gia môn Taekwondo, từng giành 15 huy chương tại các cuộc thi thể thao trong nước và khu vực châu Á.
Dù dính mác “thi chui” nhưng Nguyễn Văn Sơn đã đăng quang Mister Global một cách ngoạn mục, bên cạnh giải phụ “Thí sinh được yêu thích nhất trên Internet”. Trước Nguyễn Văn Sơn, người mẫu Hữu Vi từng tham dự Mister Global và cũng dính án “thi chui”. Tuy giành ngôi Á vương 3 cùng giải phụ “Nam vương ảnh”, nhưng những danh hiệu này của Hữu Vi đều không được trong nước công nhận.
Vài năm trở lại đây, câu chuyện “thi chui” của những người đẹp để giành những danh hiệu “ao làng” không còn quá mới mẻ. Bởi bất kỳ cô hoa hậu, anh nam vương nào lên báo tâm sự chuyện đi thi, giật giải thì y như rằng lại thi “chui” với vô vàn lý do như sức khỏe, không biết quy định, thời gian gấp chưa kịp xin phép…
Năm 2014 được coi là năm “bùng nổ” các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, đồng thời cũng ghi nhận sự ra đời của hàng loạt các danh hiệu hoa hậu, người đẹp thi “chui”. Có thể kể đến trường hợp Cao Thùy Linh tham gia cuộc thi Miss Grand International 2014 tại Thái Lan mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Sau khi trở về, cô đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP HCM giải trình sự việc và chịu mức phạt hành chính 22,5 triệu đồng. Cùng với Cao Thùy Linh, người mẫu Huỳnh Thúy Anh cũng đã bị Sở VH-TT&DL TP HCM phạt 22,5 triệu đồng do tự ý tham dự cuộc thi “Hoa hậu cộng đồng người Việt” tại Mỹ hồi tháng 8/2014. Ông bầu hai người đẹp này bị sở ra án phạt 40 triệu đồng. Ngày 22/1/2014, Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với Phan Hoàng Thu vì thi hoa hậu “chui” tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế tổ chức tại Malaysia… Có thể thấy, với mỗi trường hợp bị phát hiện, các thí sinh phải nộp phạt không dưới 15-20 triệu đồng, thế nhưng có lẽ số tiền phạt này không ngăn cản được các người đẹp “phá rào” để tìm đường “thi chui”.
Khi hoa hậu thành “nghề”
Việc có quá nhiều người đẹp đua nhau “thi chui” trong và ngoài nước không còn là điều quá mới mẻ, vì nó đã diễn ra ồ ạt cả dăm năm nay. Thế nhưng điều lạ là các cơ quan chức năng thường chờ người đẹp ấy thi xong xuôi mới chạy theo và đòi… phạt. Kịch bản này diễn đi diễn lại quá nhiều lần, đến mức dư luận đã hoài nghi về năng lực của những người có trách nhiệm quản lý hiện nay. Thay vì phổ biến quy định, yêu cầu đến đông đảo công chúng, quy định những cuộc thi sắc đẹp chính thống, chất lượng, thì họ… mặc kệ cho thí sinh tự cho mình quyền đi thi và phó mặc khán giả muốn tin ai thì tin. Đến khi các chân dài đua nhau đi thi thì họ lại lôi quy định, yêu cầu để đòi phạt, đòi tiền. Mà các mức xử phạt thì vẫn đúng kiểu “giơ cao đánh khẽ”, từ vài triệu đến hai ba chục triệu đồng, số tiền mà cõ lẽ chỉ bằng vé máy bay khứ hồi đưa người đẹp đi thi “chui”, vì thế nên hầu như chẳng cô nào sợ.
Huỳnh Thúy Anh, Tường Vy… là những gương mặt “thi chui” trong thời gian qua
Có khá nhiều lý do giải thích cho việc nhiều cô gái trẻ có nhan sắc cố gắng tìm mọi cách để giành lấy vương miện hoa hậu, người đẹp. Tất nhiên, ở đây chúng ta không bàn đến chuyện “cống hiến” hay “tôn vinh” như các cô vẫn thường trả lời rất lưu loát trong phần thi ứng xử; bởi các cô có thực sự cống hiến hay không thì công chúng đều đã biết cả.
Lâu nay, người ta đã nhầm tưởng và trao cho ngôi vị hoa hậu một cái danh hão, có sức mạnh thay đổi cuộc đời của một con người. Vì thế, nhiều chân dài cố “phá rào” để đi thi cũng mong được đổi đời, tạo bước ngoặt cho cuộc sống và công việc. Ngoài việc được đội vương miện, cầm quyền trượng và sở hữu số tiền thưởng không nhỏ, giá trị của các cô gái trẻ này đã được nâng lên đáng kể. Từ một cô gái vô danh, các người đẹp này có điều kiện thuận lợi bước chân vào giới showbiz - nơi hào nhoáng với tiền tài và danh vọng ê hề, được vua biết mặt, chúa biết tên, giá cát-sê sự kiện cũng theo đó mà tăng vọt và tất nhiên, cả cơ hội được gặp các đại gia lắm tiền nhiều của. Thậm chí từng có một thực tế là người đẹp tìm kiếm danh hiệu, vương miện tại các cuộc thi nhan sắc để được tăng giá… bán thân!
Thêm vào đó, giới truyền thông cũng đang quá “ưu ái” những người đẹp thi chui, cho phép họ xuất hiện tràn lan trên các trang báo mạng. Ngay sau khi đoạt giải, thông tin, hình ảnh của những người đẹp “thi chui” cũng sẽ được các trang báo, trang mạng xã hội đăng tải, bình luận. Thêm vào đó, khi cơ quan chức năng xử phạt hành chính, các báo chính thống cũng phải đăng tải thông tin này và một lần nữa tên của họ lại được nhắc đến. Bất luận khen chê, những chân dài này cũng đã đạt được mục đích của mình là gây chú ý và nổi tiếng. Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để nộp phạt không thấm vào đâu so với những hợp đồng quảng cáo kếch xù có được khi họ bước vào showbiz và làm nổi theo kiểu “tai tiếng”.
Đã từng có thời gian, người ta theo dõi những cuộc thi nhan sắc có uy tín để tìm ra được cô gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho nhan sắc và vẻ đẹp tâm hồn của phụ nữ của quốc gia. Song gần đây, mỗi khi nhắc đến danh hiệu hoa hậu, á hậu… người ta đã không còn thấy hào hứng, thậm chí còn tỏ ra ngao ngán. Bởi những cuộc thi nhan sắc ấy đã không còn giữ được giá trị thuần túy tôn vinh cái đẹp ngoại hình và tâm hồn, mà đã trở thành cuộc mua bán danh hiệu chớp nhoáng, lùm xùm mà người bán lẫn kẻ mua đều không biết mình trông nực cười đến thế nào.
Người đẹp đi thi “chui” xét cho cùng chỉ để phục vụ cho những toan tính cá nhân chứ không nhằm mục đích “cống hiến” hay “tôn vinh” mà họ thường “nói to” trên mặt báo. Cũng đã đến lúc, chúng ta cần có cái nhìn nghiêm khắc hơn với những danh hiệu hoa hậu, đã đến lúc các cô gái có chút nhan sắc phải biết tự trọng, đừng ham danh hiệu phù phiếm mà vẽ nhọ bôi hề lên những gương mặt nhan sắc cho thiên hạ bàn tán, hay tự biến mình thành con mồi béo bở cho các “ông bầu” háo sắc, háo danh, ham tiền... trục lợi.
Theo Khánh An
Petrotimes