Đẳng cấp hàng hiệu

Khi trung tâm thương mại Vincom khai trương, người tiêu dùng Hà Nội đã choáng ngợp trước sự xuất hiện của hàng loạt các nhãn hiệu danh tiếng như BONIA, GIOR- DANO, GUY LAROCHE...

Nhu cầu mua sắm cao cấp

Trước đây, dường như người ta chỉ chiêm ngưỡng sản phẩm của các thương hiệu vốn là bà chủ thị trường thời trang thế giới như chiêm ngưỡng những tấm pano lộng lẫy với hình ảnh đẹp một cách hoàn mỹ, chứ hầu như không có ý định bỏ hàng triệu đồng chỉ để mua bộ váy, chiếc áo sơ mi hay chiếc xắc tay... Lúc này, các hãng thời trang hàng đầu trên thế giới đến Việt Nam với mục đích chiếm chỗ, bành trướng thương hiệu hơn là mục tiêu đẩy mạnh kinh doanh trên địa bàn mới mẻ này.

Vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế của Việt Nam chuyển mình hội nhập với thế giới, mức thu nhập của người dân được nâng cao thì thói quen mua sắm đã bắt đầu được thay đổi. Thị trường ở Việt Nam đã thực sự khởi động, hàng loạt các danh hiệu thời trang trên thế giới đã bắt đầu chen chân xuất hiện.

Không cần bó hẹp tại các khách sạn quốc tế sang trọng, các nhãn hiệu như ADIDAS, GIORDANO, TOMMY... bắt đầu đặt chi nhánh tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đặc biệt, họ thuê chỗ trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Vincom, Tràng Tiền Plaza hoặc mở showroom, mở shop. Sự thay đổi này chứng tỏ thời trang hàng hiệu đã trở thành một mặt hàng có giá trị cạnh tranh không thua gì các mặt hàng khác. Vì đâu, có sự chuyển mình ngoạn mục này?

Trước hết, đó là sự xuất hiện của những đối tượng khách hàng có nhu cầu mua sắm các mặt hàng cao cấp... những đối tượng không chỉ có thu nhập cá nhân tương đối cao mà còn có gu thẩm mỹ tốt, có kiến thức về thời trang. Mặt khác, họ cũng là người thường xuyên tiếp xúc với các khuynh hướng thời trang của thế giới, hiểu biết về chất liệu mẫu mã và đặc biệt là quan tâm đến sức khỏe và cảm giác cá nhân khi sử dụng trang phục.

Một bộ cánh chừng vài triệu đồng, một chiếc đồng hồ cả ngàn đô... chính là những yếu tố không kém phần quan trọng giúp họ thể hiện với các đối tác (chủ yếu là người nước ngoài) rằng mình cũng là người biết hưởng thụ cuộc sống và  có khả năng trở thành đối tác có địa vị xứng tầm. Nhận thức thời trang của họ là một trong những nhân tố thúc đẩy tốt nhất cho sự phát triển của hàng cao cấp.

Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu cũng đang dần kết thân với hàng cao cấp nhằm mục đích nâng cao giá trị bản thân, chứng tỏ mình là người sành điệu. Đối tượng này hiểu được sức quyến rũ của những nhãn mác cao cấp đã tồn tại hàng trăm năm nay trên thế giới. Họ biết cách tiêu xài cho bản thân... Các mặt hàng thời trang cao cấp còn nhắm đến một bộ phận người tiêu dùng không kém phần quan trọng nữa là khách du lịch quốc tế và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Nhưng rõ ràng, nhu cầu mua sắm của người dân bản xứ vẫn là những nhân tố chính thức thúc đẩy sự khởi sắc của hàng cao cấp trên thị trường thời trang Việt Nam.

Đó là về phía người tiều dùng, còn đối với nhà cung cấp? Có thể nói thị trường Việt Nam  là một tiềm năng sáng giá nhất Đông Nam Á. Cartier, nhãn hiệu thời trang cao cấp vào bậc nhất thế giới cũng đã đặt cửa hàng tại Việt Nam, ông Maxim Elgue, giám đốc điều hành của hãng tại khu vực Viễn Đông nói; chúng tôi sẽ có một tương lai tươi sáng tràn đầy những cơ hội và thử thách. Việc mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam giúp chúng tôi củng cố vị thế hàng đầu trên thị trường trang sức cao cấp trong khu vực

Đẳng cấp hàng hiệu

Để có thể khẳng định đẳng cấp của mình, bản thân nhãn hiệu phải đảm bảo được nhiều yếu tố:

Yếu tố thương hiệu: Trong một thị trường đầy cạnh tranh, giá trị của một thương hiệu không thể tính bằng số tiền họ bỏ ra cho việc marketting, khuyếch trương thương hiệu mà chính ở thâm niên tồn tại. Nhiều hãng thời trang cao cấp khẳng định vị trí của mình bằng thâm niên tồn tại nhãn hiệu tới cả trăm năm. Khi một thương hiệu tồn tại vững mạnh lâu dài trên thị trường tức là có phong cách thời trang riêng bịêt; có uy tín về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Điều này thể hiện địa vị của thương hiệu đồng thời cũng gián tiếp thể hiện địa vị của người sử dụng nó. Chính vì thế mà nhiều khách hàng đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu một sản phẩm thời trang có thương hiệu giá trị như thế.

Yếu tố chất lượng: Đẳng cấp của hàng hiệu cũng được tính bằng tuổi thọ sản phẩm, độ giữ phom dáng, các tính năng ưu việt của chất liệu... trong quá trình sử dụng.

Yếu tố thẩm mỹ: Logo thiết kế sang trọng, đơn giản nhưng hiện đại, ấn tượng mang tính nghệ thuật cao là những tiêu chí hàng đầu của các hãng thời trang cao cấp. Cả thế giới đều biết biểu tượng hai chữ C lồng ngược vào nhau của hãng thời trang Chanel rất đơn giản nhưng lại là ước mơ của nhiều phụ nữ. Còn Cartier, chỉ riêng chiếc hộp đựng trang sức thôi đã có sức cuốn hút người tiêu dùng một cách mãnh liệt. Được thiết kế với lớp da Maroc màu đỏ bọc ngoài, tô điểm bên trong là những đường viền bằng vàng tinh xảo, lớp lót bằng nhung đen hoặc lụa trắng tuỳ thuộc vào loại đá quý bên trong, bản thân trước hộp đã tăng thêm cho đồ trang sức rất nhiều giá trị

Cuộc ganh đua nội ngoại

Đứng trước sự xuất hiện của hàng hiệu, thời trang nội địa Việt Nam cũng dần biến chuyển. Có những cá nhân khá táo bạo khi ngay từ những bước đầu tiên đã nhắm vào thị trường thời trang cao cấp. Nhà tạo mốt Xuân Thu (187 Chùa Bộc, Hà Nội): Sử dụng thời trang cao cấp bây giờ chính là phong cách sống của một bộ phận người tiêu dùng. Là một nhà tạo mốt, mình định hướng rất rõ sẽ tập trung vào đối tượng là nghệ sĩ, doanh nhân, công chức cao cấp...

Chính vì thế, mỗi sản phẩm của mình khi đưa ra cho khách hàng phải đáp ứng được các tiêu chí  cao cấp chung (kỹ thuật cắt may hoàn hảo, phom dáng chuẩn, chất liệu sang trọng, mẫu mã độc đáo, hợp với cá tính của người sử dụng...). Trung bình mỗi sản phẩm của nhà mốt Xuân Thu giá từ 650.000đ - 1.200.000đ/bộ. Với mức giá này, tạm thời có thể xếp những bộ cánh trên vào mặt hàng thời trang cao cấp.

Sự lớn mạnh của hàng hiệu trên thị trường thời trang Việt Nam là điều tất yếu trước xu thế hội nhập và phát triển. Đứng trước thực tế này, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội nâng tầm hiểu biết và thói quen mua sắm của mình lên mức cao hơn. Bên cạnh đó, những nhà tạo mẫu Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để học hỏi và vùng vẫy trong môi trường cạnh tranh thực sự nghiêm túc. Vẫn biết, cùng hàng hiệu ganh đua về chất lượng, mẫu mã thương hiệu là một cuộc chiến không cân sức. Nhưng không thể không thừa nhận một thực tế nó thực sự có tác động rõ rệt đến sự phát triển của nghành thời trang trong nước.


Theo Thời Trang Trẻ