Dàn "chân dài" ngoại cỡ và thông điệp thú vị về vẻ đẹp không khuôn mẫu
(Dân trí) - Vài năm gần đây, những người mẫu có vẻ ngoài thanh mảnh không còn thống trị làng thời trang. Thay vào đó, dàn "chân dài" ngoại cỡ đã thực sự có chỗ đứng của mình.
Ngành công nghiệp thời trang đang hướng tới việc xây dựng một bức tranh toàn diện và chân thực. Trong đó vẻ đẹp không tuân theo bất cứ tiêu chuẩn cụ thể nào và người mẫu chỉ đơn giản là đại diện cho tất cả những người phụ nữ khác nhau.
Từng có những giai đoạn, các người mẫu thời trang siêu gầy được cho là chuẩn mực "duy nhất" của vẻ đẹp nhưng giờ đây, những người mẫu gầy gò, thanh mảnh có vẻ ngoài giống nhau không còn là tất cả. Những định kiến kiểu như "người mẫu không thể béo" đã thay đổi khi mà mỗi năm có thêm hàng loạt người mẫu trở nên nổi tiếng bởi vóc dáng đầy đặn của mình và rất nhiều nhãn hiệu thời trang sử dụng các người mẫu "ngoại cỡ" cho các chiến dịch quảng cáo.
Thay vì chỉ sử dụng người mẫu thon thả và mặc những bộ trang phục size XS, các thương hiệu thời trang giờ đây đều hướng tới việc đa dạng hóa sản phẩm của mình để có thể phục vụ tất cả các vị khách với vóc dáng khác nhau. Với sự thay đổi tích cực từ ngành thời trang, nhiều phụ nữ đã cảm thấy tự tin hơn vào vẻ ngoài của mình và không còn phải lo lắng, e dè khi so sánh bản thân với tiêu chuẩn của một người mẫu.
Hàng loạt người mẫu" ngoại cỡ" hàng đầu thế giới như Ashley Graham, Tess Holliday và Iskra Lawrence đã lên tiếng về vấn đề kích cỡ của người mẫu trên các phương tiện truyền thông. Chủ đề này rất thu hút sự chú ý của dư luận.
"Chân dài" đình đám Australia Jessica Gomes chia sẻ, sau khi được công ty quản lý người mẫu ở nước ngoài thông báo rằng cô cần phải giảm cân mới có thể thành công, Jessica Gomes đã tự tin nói rằng: "Có nhiều thứ quan trọng hơn là gầy. Tôi thích rằng tôi là một người gợi cảm, có đường cong, vẻ đẹp riêng. Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ và xinh đẹp từ trong ra ngoài".
Một người mẫu Australia khác, người còn là nhà hoạt động về biến đổi khí hậu - Laura Wells cũng là một fan của thuật ngữ người mẫu "cỡ lớn" và thậm chí còn gọi cụm từ đó là "trao quyền". Laura Wells nói: "Nếu tôi không được gọi là người mẫu "ngoại cỡ" thì tôi sẽ không có việc làm. Tôi sẽ không có chỗ đứng trong ngành này".
"Danh xưng đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, đưa tôi vào các tạp chí - nơi mọi người có thể nhìn thấy tôi và điều đó sẽ không xảy ra nếu ngành công nghiệp thời trang không tạo ra danh mục đó cho những người như tôi, những người có kích thước trung bình là 14".
"Tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm tích cực từ phụ nữ và nam giới, họ nói rằng họ cảm thấy được động viên như thế nào và thật tốt khi thấy tôi trên các chiến dịch quảng cáo hoặc tạp chí. Nếu không có thuật ngữ "ngoại cỡ", tôi sẽ không thể trao quyền cho bất kỳ ai".
Siêu mẫu kiêm nhà hoạt động về cơ thể Ashley Graham lại có chút quan điểm khác biệt về cụm từ "ngoại cỡ". Ashley Graham đã nhiều lần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông về thuật ngữ này.
Người đẹp nói: "Mọi người thường nói: "Ồ, đây là người mẫu "ngoại cỡ". Tại sao chúng ta phải mô tả một người phụ nữ chỉ vì size quần áo của cô ấy? Tại sao chúng ta không thể chỉ nói tên cô ấy hoặc nghề nghiệp của cô ấy. Mọi người thường không nói "người bạn "ngoại cỡ" của tôi" phải không? Vậy tại sao phụ nữ lại phải làm điều đó. Tôi chỉ muốn được gọi là một người mẫu thông thường mà thôi".
Paloma Elsesser - một "chân dài" không xa lạ với sàn catwalk. Cô từng làm mẫu cho Nike, Fenty, Proenza Schouler và thậm chí còn cùng siêu mẫu Ashley Graham lên bìa tạp chí Vogue Arabia. Mặc dù đã có nhiều năm làm nghề người mẫu nhưng cô cũng đã bày tỏ sự lưỡng lự của mình khi nói đến thuật ngữ "ngoại cỡ" mặc dù cô chấp nhận sử dụng nó để mô tả bản thân.
"Tôi xác định mình là người mẫu "ngoại cỡ". Tôi không thể bước vào bất kỳ cửa hàng thời trang nào và nhanh chóng tìm được thứ vừa vặn với mình, vì vậy tôi phải sáng tạo hơn một chút. Tôi mũm mĩm và dễ thương, thế nào cũng được. Tôi sử dụng cụm từ người mẫu "ngoại cỡ" như một hình thức bảo vệ chính mình".
"Khi mọi người hỏi tôi làm nghề gì, tôi cảm thấy không thoải mái khi nói rằng tôi là người mẫu vì tôi không thích nhìn thấy những khuôn mặt hiện rõ vẻ bối rối. Tôi phải nói tôi là người mẫu "ngoại cỡ" dù có thể điều đó thật khó chịu. Tôi không phải lúc nào cũng muốn trở thành một cô gái "ngoại cỡ". Tôi không muốn điều đó luôn là một phần trong cách mọi người mô tả về tôi".
Người mẫu xinh đẹp 28 tuổi Stefania Ferrario cũng có cùng quan điểm với "đàn chị" Ashley Graham, cô nói: "Tôi là một người mẫu. Thật không may khi ở trong ngành công nghiệp người mẫu, nếu bạn trên cỡ 4 thì bạn được coi là người "ngoại cỡ" và vì vậy tôi thường được mặc định là người mẫu "ngoại cỡ".
"Tôi không thấy cách gọi này có sức mạnh. Tôi không cảm thấy tự hào khi được gọi là "ngoại cỡ" nhưng tôi tự hào khi được gọi là "người mẫu", đó là nghề của tôi".
Tess Holliday - một trong những người mẫu "ngoại cỡ" và nhà hoạt động về cơ thể nổi tiếng nhất nước Mỹ hiện nay không phản đối cụm từ "ngoại cỡ". Cô nói: "Thật thú vị khi các người mẫu "ngoại cỡ" không muốn được gọi là người mẫu "ngoại cỡ". Có rất nhiều người mẫu rõ ràng là "ngoại cỡ" và họ hạnh phúc khi trở thành gương mặt quảng cáo của các thương hiệu. Không có gì xấu hổ khi là người mẫu ngoại cỡ".
Iskra Lawrence - người mẫu đình đám nước Anh cũng cho rằng gọi một người mẫu là "ngoại cỡ" có chút hàm ý tiêu cực. Cô nói: "Tôi không có vấn đề gì nếu tôi được gọi là người mẫu "ngoại cỡ". Điều đó có thể làm tôi hơi khó chịu một chút nhưng có lẽ sẽ dễ dàng hơn để người ta sắp xếp, phân loại các người mẫu".
"Điều khiến tôi khó chịu là nếu bạn đã phân loại tôi nghĩa là bạn đã phân loại tất cả phụ nữ từ cỡ tôi trở lên trong cuộc sống. Thuật ngữ này có một ý nghĩa thực sự tiêu cực chính vì ngành công nghiệp thời trang. Thay vì gọi ai đó là người mẫu "ngoại cỡ", tốt hơn nên gọi đó là một người mẫu tuyệt vời. May mắn là hiện tại, các thương hiệu thực sự đang dần bỏ đi cụm từ đó. Tôi nghĩ cụm từ "đường cong" sẽ tốt hơn là cụm từ "ngoại cỡ".