Phạm Xuân Nguyên - Nguyễn Quang Lập:

Cùng trao đổi quanh "Cánh đồng bất tận"

Truyện Cánh đồng bất tận (CĐBT) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được nồng nhiệt tìm đọc. Bỗng đâu có một văn bản cấp địa phương chỉ thị phải kiểm điểm nghiêm khắc văn bản văn học đã thành của toàn quốc.

Vụ việc gây bức xúc dư luận. Nhà văn Nguyễn Quang Lập (NQL) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (PXN) góp tiếng nói vào chuyện này qua cuộc trò chuyện giữa hai anh.

 

PXN: Lập này, ông có cảm giác ra sao khi biết tin CĐBT bị “kiểm điểm”?

 

NQL: Qua cái lúc đầu ngạc nhiên lắm, bực lắm, thì nghĩ lại thấy người ta làm vậy cũng có cái lý của người ta. Đó là hệ quả của của một thứ lý luận văn học đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Cho đến bây giờ, trong các trường đào tạo cán bộ vẫn nói về các tính văn học y xì như những năm sáu mươi thế kỷ trước.

 

Người ta đã hiểu cái đẹp của văn học thành ra những điển hình, những gương tốt. Viết văn là để ca ngợi những điển hình, những gương tốt đấy, rộng ra là viết văn để ca ngợi bất chấp nó đã tốt đẹp hay chưa. Bây giờ vẫn có giáo sư lên giảng đường nói như hát hay về xây dựng hình tượng con người mới XHCN. Chao ôi là ngao ngán.

 

Trước đây, chúng ta chỉ có một cách đọc và cách đọc đó bị chính trị hóa. Cách đọc ấy đẻ ra tác phẩm kiểu ấy và dĩ nhiên là những bạn đọc kiểu ấy. Cái kiểu ấy nó cũng có tác động tốt vào thời ấy.

 

Thời bây giờ khác. Chúng ta đã hiểu biết hơn, đã trưởng thành hơn nên cũng có nhiều cách đọc hơn. Những người đọc cũ phần lớn đã qua cái tuổi có thể thay đổi được, nhất là khi họ đã là cán bộ hoặc đã về hưu. Không thể đòi hỏi ở họ sự đồng tình với những tác phẩm viết kiểu khác với những cái họ đã đọc nên phản ứng của họ với CĐBT cũng là điều tự nhiên.

 

Một xã hội dân chủ thật sự cần phải tôn trọng sự khác nhau, không nên lấy cách đọc này để đàn áp những tác giả viết theo một cách khác cho những bạn đọc của họ. Và ngược lại, cũng không nên chế giễu trên công luận những bạn đọc cũ, những người không có cơ hội hay đúng hơn là không thể làm mới mình được.

 

Chân lý nằm trong sự sống của tác phẩm chứ không phải nằm trong dự suy nghĩ của người này người nọ.

 

Nhạc sĩ Dương Thụ

PXN: CĐBT là một truyện hay, nó chứng tỏ bút lực của Nguyễn Ngọc Tư trong việc đào sâu vào thể hiện cuộc sống và khơi sâu vào thân phận con người. Viết được một truyện như thế chứng tỏ Tư có tài năng văn chương và có lòng thương người. Đúng vậy, thương người bằng những nỗi đau của con người, bằng cái cách nhìn thẳng vào những vùng sáng tối chồng chéo trên những khuôn mặt người và trong những cõi lòng người.

 

NQL: Nếu tôi không nhầm thì từ 1975 đến nay ở Cà Mau không có nhà văn nào như Nguyễn Ngọc Tư: Vừa xuất hiện đã được dư luận cả nước quan tâm và chỉ bằng một truyện ngắn, bạn đọc cả nước gần như nhất trí đặt Tư lên chiếu trên của văn học: Chiếu những tài năng văn học Việt Nam (Tôi nhắc lại: tài năng văn học của Việt Nam chứ không riêng gì của Cà Mau đâu nhé!).

 

CĐBT là một truyện ngắn hoàn hảo dù thi pháp không mới nhưng bù lại, nó thấm đẫm hơi thở của Nam Bộ và đầy ắp tính nhân văn. Một tác phẩm chứa chất nhiều tầng nghĩa, đến nỗi tôi phải đọc đi đọc lại ba lần mới thấy gần hết cái hay của nó. Thế mà mấy ông, nghe một đôi cú điện thoại kêu ca, đọc vài cái thư phàn nàn đã vội ra roi.

 

Và tôi sợ đây không chỉ là lối tư duy văn chương ông ạ, nó là thứ tư duy mà ông Nguyễn Văn Linh đã nói là: Sự im lặng đáng sợ. Đấy là lối tư duy che đậy. Mày nói gì thì nói, không được nói chỗ tao đang có cái xấu. Tình trạng che đậy đang diễn ra khắp nơi, không chừa một chỗ nào. Đấy là lối tư duy ăn theo, té nước theo mưa, đánh hôi để kiếm lộc. Đọc bài của ông Phó giám đốc văn hóa Cà Mau Vưu Nghị Lực, tôi thấy có “mùi” ấy.

 

Tôi đồ rằng ông ấy biết văn là cái gì nhưng ông ta cứ nói bừa, miễn cái đó là hợp ý lãnh đạo. Lịch sử văn học Việt nửa thế kỷ qua đã cho quá nhiều dẫn chứng về các nhà văn hóa đầy mình nhưng vẫn hồn nhiên ăn theo nói lao với cấp trên mà không hề đỏ mặt. Hôm qua tôi đem chuyện tỉnh ủy Cà Mau kiểm điểm Nguyễn Ngọc Tư kể cho dăm bảy nhà văn. Mọi người thế à, thế à, cười hô hố rồi quên béng trong cuộc rượu tràn cung mây. Vì vậy tôi hoan hô các nhà báo đã quyết làm cho ra nhẽ chuyện này.

 

PXN: Tôi cho rằng đấy còn là do bao lâu nay ta hô hào văn học viết theo chủ nghĩa hiện thực nhưng thực ra là khuôn nó vào trong một đường hướng tả thật theo lối tích cực. Bắt nhà văn tả thật chứ không phải tả thực, do đó, cứ đem câu chữ văn chương so sánh đối chiếu với ngoài đời rồi hễ thấy cái gì không có trong đời mà có trong văn là bảo xuyên tạc thực tế, là bôi đen.

 

NQL: Triệt tiêu một lối đọc đã nhiễm thành máu hơn nửa thế kỷ nay không thể bằng một chỉ thị, một vài bài báo, vài cuốn sách được. Vả lại, tất cả những gì chúng ta đã sai lầm trong nhận thức văn học, trong giới biết với nhau chứ người ngoài đâu có biết? Cái cách mà cái sai nhai đi nhai lại cả vạn, không ai kêu to lên một tiếng là sai rồi cho thiên hạ biết, vẫn được thực thi trong tất cả các ngành nghề chứ không riêng gì văn chương.

 

PXN: Tôi đồng ý với ông. Ông Marx có dạy một câu thế này: Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Làm thế không phải văn nghệ sĩ, không phải người thưởng thức được lợi, mà được lợi trước hết chính là các vị quan chức, vì một nền văn hóa văn nghệ khỏe mạnh, tốt đẹp, chứng tỏ một đường lối đúng, một đội ngũ cán bộ biết làm việc.

 

Nói không quá, nhờ văn Nguyễn Ngọc Tư, cánh đồng Cà Mau, cánh đồng Nam Bộ, cánh đồng Việt Nam giờ đây đã rộng ra mênh mông, vượt ra ngoài biên giới đất nước. Người nào nhìn vào cánh đồng đó là vũng lầy, người đó chỉ thấy vũng lầy, không thấy được cánh đồng.

 

Theo Thể thao & Văn hóa/ Tuổi Trẻ