Cục trưởng Điện ảnh nói về khó khăn khi đưa "Bà già đi bụi" ra rạp
(Dân trí) - Cục Điện ảnh cho biết, phim "Bà già đi bụi" thuộc đề tài gia đình nên bắt buộc phải trải qua quá trình đấu thầu nhưng chưa có quy định cụ thể về việc phim chiếu thương mại ngoài rạp.
Chiều 3/10, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Họp báo thường kỳ quý 3/2024. Tham dự có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Tại sự kiện, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến phim ảnh thời gian qua.
Ông Thành cho biết, phim về đề tài lịch sử, cách mạng, về các vị lãnh tụ, miền núi dân tộc... được ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện.
Tuy nhiên, phim Bà già đi bụi - tác phẩm được quan tâm mấy ngày qua - thuộc đề tài gia đình nên bắt buộc phải trải qua đấu thầu.
"Nhưng quá trình đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Trong điện ảnh, kịch bản và nhà sản xuất luôn phải đi liền với nhau.
Không thể có chuyện lấy kịch bản của đơn vị nào đó ra đấu thầu và giao kịch bản cho một đơn vị khác thực hiện, trừ khi Nhà nước sở hữu một ngân hàng kịch bản điện ảnh…", Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.
Ông Thành nhận định, thời điểm này chưa thể đưa phim Bà già đi bụi ra rạp chiếu thương mại.
"Cũng như các phim Nhà nước đặt hàng khác, Bà già đi bụi sẽ được đưa vào các chương trình chiếu phim, tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và gửi các địa phương để chiếu miễn phí để phục vụ nhân dân.
Cơ hội đưa phim ra rạp và chiếu có doanh thu như Đào, phở và piano là rất thấp và gần như là không có…", Cục trưởng Vi Kiến Thành thẳng thắn.
Theo ông Thành, đợt thí điểm chiếu phim Đào, Phở và Piano thu được 23 tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui khi phim hay thì kinh phí dù thấp vẫn được khán giả đón nhận.
Tuy nhiên, đợt thí điểm cũng cho thấy lỗ hổng trong việc làm phim Nhà nước đặt hàng, khi chưa có quy định về phát hành và phổ biến phim.
"Việc phát hành rộng rãi rất khó bởi chúng ta chưa có quy định cụ thể. Cục Điện ảnh đã đề xuất xây dựng quy định phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước", ông Vi Kiến Thành thông tin.
Liên quan đến vấn đề "siết" quản lý hành vi, trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo, Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - cho biết, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo, đây là một nội dung được đặc biệt quan tâm.
"Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về yêu cầu nội dung quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác đối với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người", bà Hương nói.
Bà Hương cũng chia sẻ thêm về việc quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật nhấn mạnh vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Một trong những giải pháp khắc phục hiện trạng bất cập nói trên là quy định vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
"Khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng được đưa vào phù hợp với Luật bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm các đối tượng như văn nghệ sĩ, người nổi tiếng và quy định rõ những đối tượng này phải có sự ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi khi quảng cáo.
Đặc biệt, phải đảm bảo tính trung thực, chính xác về sản phẩm hàng hóa quảng cáo…", Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho hay.
Bộ phim Bà già đi bụi được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do Trần Chí Thành đạo diễn, Phi Tiến Sơn chắp bút, công chiếu buổi đầu tiên vào tối 27/9 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Phim lấy bối cảnh cuộc sống hiện đại của miền Tây sông nước, xoay quanh nhân vật bà Năm - người phụ nữ có 4 con (2 trai, 2 gái). Chồng mất sớm, bà một mình nuôi các con khôn lớn. Khi các con trưởng thành và có gia đình riêng... bà cảm thấy cô đơn và mong muốn sống cho chính mình.
Tuy nhiên, bà gặp phải sự ngăn cản từ các con. Đến khi các con hiểu nỗi lòng của mẹ, bà Năm cũng trút hơi thở cuối cùng.
Phim có sự tham gia của NSƯT Minh Trang (vai bà Năm), diễn viên Tiết Cương (vai Hai Thật), Thúy Diễm (vai Út Thà), Phạm Hy (vai Tài)…