Cục NTBD lên tiếng về vấn đề bản quyền âm nhạc

(Dân trí) - Ngay sau khi có thông tin nhiều nhạc sĩ lão thành bày tỏ bức xúc vì bị vi phạm bản quyền âm nhạc, chiều ngày 16/2, ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã trả lời báo chí về vấn đề bất cập này.

Tại cuộc họp báo tổng kết thường kỳ của Bộ VHTT&DL diễn ra chiều qua (16/2), khi được hỏi về những bất cập trong việc cấp giấy phép biểu diễn hiện nay dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị tổ chức “lờ” việc trả tiền bản quyền khiến nhiều nhạc sĩ bức xúc; ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói: “Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì trong thủ tục hồ sơ của các đơn vị xin cấp giấy phép tổ chức biểu diễn không cần chứng minh đã đóng tiền bản quyền. Vì lẽ đó, hiện nay tất cả các đơn vị có thẩm quyền cấp phép đều đang áp dụng đúng những quy định này nên việc cấp phép hoàn toàn đúng nguyên tắc”.
 
Cục NTBD lên tiếng về vấn đề bản quyền âm nhạc  - 1

Ông Phạm Đình Thắng cho biết, Cục cấp phép hoàn toàn đúng nguyên tắc
 
Cũng theo ông Thắng, Cục là cơ quan quản lý cấp phép tổ chức cho các chương trình nghệ thuật biểu diễn trong đó có rất nhiều lĩnh vực liên quan như: quyền tác giả, biên đạo, ánh sáng, âm thanh, nhạc sĩ, đạo diễn... và việc bảo vệ quyền âm nhạc chỉ nằm một trong số quyền đó mà thôi. Đây là thỏa thuận dân sự giữa các đơn vị tổ chức với các tác giả âm nhạc. Theo đó,việc, các nhạc sĩ bức xúc cũng chỉ là vấn đề mang tính cá nhân.
 
Với cách lý giải trên của ông Thắng thì khi xét hồ sơ xin cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, cơ quan quản lý phải xem xét đến nhiều quyền liên quan khác mà quyền với các tác giả chỉ là một phần nhỏ.  Ông Thắng cho biết, Cục không thể đòi hỏi các đơn vị tổ chức phải trả tiền tác quyền cho các tác giả rồi mới cấp phép. Cục chỉ có thể yêu cầu đơn vị tổ chức sau khi tiếp nhận giấy phép đồng ý biểu diễn có trách nhiệm đóng tiền tác quyền.
 
Cục NTBD lên tiếng về vấn đề bản quyền âm nhạc  - 2

Sáng ngày 16/2, các nhạc sĩ có buổi gặp mặt thể hiện nhiều bức xúc về vấn đề bản quyền

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết thêm, trong soạn thảo Nghị định mới, phần Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu để trình lên Thủ tướng Chính phủ cũng không có thêm mục: đơn vị tổ chức biểu diễn phải trả tiền tác quyền cho tác giả thì mới được cấp phép."Vấn đề này đã được bản thảo rất nhiều. Chúng tôi muốn giảm tải mọi thủ tục phiền hà cho việc tổ chức", ông Thắng nói.

Trả lời về việc nhiều nhạc sĩ lão thành đã cùng ký vào một bản kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý yêu cầu được bảo vệ quyền lợi chính đáng, ông Thắng cho biết vẫn chưa nhận được đơn phản ánh của các nhạc sĩ tính đến chiều ngày 16/2.

Được biết, đứng trước nhiều bất cập của thủ tục cấp phép biểu diễn, phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phản ánh về những sai lệch, tình trạng tồn đọng sâu xa trong vấn đề bản quyền âm nhạc. Đồng thời, phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng gửi kèm văn bản đóng góp cho Nghị định mới phần Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu.
 
Cục NTBD lên tiếng về vấn đề bản quyền âm nhạc  - 3

Một đêm biểu diễn của Mỹ Tâm có thể được trả cát-xê 80 triệu đồng, nhưng các nhạc sĩ có khi không được trả đồng nào từ tiền bản quyền tác phẩm (Ảnh mang tính minh họa)

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cũng như các nhạc sĩ lão thành đã có buổi gặp mặt thể hiện nỗi bức xúc vì bị “ăn chặn tiền bản quyền”, sự bất công trước cát – xê của ca sĩ và tiền tác quyền của tác giả. Các nhạc sĩ quyết tâm “đòi lại sự công bằng”!

N.H