1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Cụ bà 82 tuổi xúc động nhớ về ký ức cha ông qua những Cửa ô Hà Nội

Hương Hồ

(Dân trí) - Nhiều người không kìm được nỗi xúc động xen lẫn niềm tự hào và tiếc nuối khi ngắm hình ảnh những Cửa ô lịch sử trong không gian trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô" tại Hoàng thành Thăng Long.

Sự kiện do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Cụ bà 82 tuổi xúc động nhớ về ký ức cha ông qua những Cửa ô Hà Nội - 1

Toàn cảnh trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô".

Cửa ô là một nét đặc trưng riêng có của Hà Nội. Đây vốn là các cửa ngõ để ra vào kinh thành Thăng Long xưa, cũng là điểm giới hạn của đô thị tiếp giáp với các vùng phụ cận.

Ngoài vai trò là cửa ngõ kết nối giao thông, các Cửa ô Hà Nội là nơi trấn giữ, bảo vệ kinh thành và từng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Hà Nội.

Vì thế, sự kiện trưng bày không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Cụ bà 82 tuổi xúc động nhớ về ký ức cha ông qua những Cửa ô Hà Nội - 2

Trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô" đưa chúng ta về với những ký ức của Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh của những Cửa ô thân thuộc.

Bà Đàm Thị Lê, 82 tuổi, đi xe buýt từ Trung Văn, Từ Liêm, xúc động nhớ về cha chú mình khi ngắm nhìn những hình ảnh Cửa ô Hà Nội xưa và nay.

Bà Lê cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại Nam Định nhưng đến năm 1980 đã lên Hà Nội sống cùng các con. Gần nửa thế kỷ sống tại Thủ đô, mảnh đất này với bà là quê hương thứ hai mà mình gắn bó với bao kỷ niệm.

"Hôm nay tới đây, ký ức về Hà Nội, về các Cửa ô Hà Nội qua lời kể của cha, chú tôi - những người từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước - lại hiện hữu. Xúc động và tự hào nhưng cũng có gì đó tiếc nuối lắm.

Cửa ô Hà Nội không chỉ là nơi trấn giữ, bảo vệ kinh thành. Đây còn là nơi chứng kiến đoàn quân chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Hà Nội từng ghi nhận có 21 cửa ô. Tuy nhiên, đến nay… những Cửa ô xưa đã không còn nữa", bà Lê nói.

Cụ bà 82 tuổi xúc động nhớ về ký ức cha ông qua những Cửa ô Hà Nội - 3

Bà Đàm Thị Lê, 82 tuổi chăm chú xem những Cửa ô Hà Nội được tái hiện qua những tư liệu, tài liệu lịch sử.

Cụ bà 82 tuổi xúc động nhớ về ký ức cha ông qua những Cửa ô Hà Nội - 4

Ông Phạm Quang Tuệ, đi xe buýt từ Vĩnh Phúc lên Hà Nội để tham quan trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô".

Ông Phạm Quang Tuệ (SN 1958), đi xe buýt từ Vĩnh Phúc lên Hà Nội để xem trưng bày Hà Nội và những Cửa ô, chia sẻ rằng, cảm xúc trong ông rất khó tả khi nghĩ về Hà Nội, nghĩ về cha ông đã đổ bao xương máu để giành lại Thủ đô độc lập. 

Tại lễ khai mạc trưng bày sáng 7/10, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất "rồng bay", là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đại đoàn quân tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô.

Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội. Hình ảnh "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về" đã in đậm trong ký ức của bao người dân Thủ đô".

Còn PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - nhấn mạnh, Cửa ô Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc họa, như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Thăng Long - Hà Nội.

"Hình ảnh Cửa ô khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ người Hà Nội, dù họ còn sinh sống trên mảnh đất thân yêu này hay đã tỏa đi khắp bốn phương trời.

Nhớ Hà Nội là nhớ về những ngõ nhỏ, phố nhỏ gắn với những cửa ô, dù bóng dáng của những cửa ô này chỉ còn hiện hữu qua hình ảnh của Ô Quan Chưởng (Ô Thanh Hà).

Và trong những ngày tháng 10 này, chúng ta không thể nào quên hình ảnh của những đoàn quân trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô, vang mãi câu ca "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về", PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ.

Cụ bà 82 tuổi xúc động nhớ về ký ức cha ông qua những Cửa ô Hà Nội - 5

Lễ khai mạc trưng bày thu hút khách trong nước và quốc tế.

Về trưng bày, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Cửa ô - một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội.

Đó là lịch sử, là chính trị, là văn hóa, là đời sống xã hội. Cửa ô gần gũi, thân thương trong kí ức bao người, nhắc ta về quá khứ vàng son của cha ông, để ta thêm trân trọng hiện tại và dựng xây tương lai". 

Trưng bày tài liệu lưu trữ Hà Nội và những Cửa ô giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề:

Cửa ô xưa: Giới thiệu về lịch sử hình thành các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội. Dưới sự tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy, Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Cửa ô chiến thắng: Chủ đề kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các Cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố…

Cửa ô Hà Nội hôm nay: Chứng kiến những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Để từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa…

Ảnh: Nguyễn Hà Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm