Nhiều nghệ sĩ tham gia đại thực cảnh "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình"

Lạc Thành

(Dân trí) - Chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" diễn ra sáng 6/10 tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ - Hà Nội với sự tham gia của 10.000 diễn viên, lực lượng quần chúng nhân dân.

Sáng 6/10, chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" đã được diễn ra tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ - Hà Nội với sự tham gia của 10.000 diễn viên, lực lượng quần chúng nhân dân.

Sự kiện nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

Nhiều nghệ sĩ tham gia đại thực cảnh Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - 1

NSƯT Chiều Xuân (áo dài đen) và các nghệ sĩ tái hiện Hà Nội năm 1946.

"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" do MC Lê Anh và MC Phí Linh VTV dẫn dắt mở màn bằng nghi lễ dâng hương tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Chương trình đại thực cảnh Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến dài gần 15 phút tái hiện Hà Nội năm 1946 và chiến dịch 60 ngày đêm lịch sử từng được khắc họa trong bộ phim Đào, phở và piano.

Lễ chào cờ hoành tráng có sự tham gia của Đoàn quân nhạc với 102 người thuộc Đội tiêu binh của Bộ Quốc Phòng cùng 400 diễn viên chuyên nghiệp tái hiện khoảnh khắc chào cờ 10/10/1954 trước cột cờ Hà Nội.  

Ca khúc Người Hà Nội và trích đoạn trong Truyền thuyết Hồ Gươm với sự thể hiện của Đăng Dương và Phạm Thu Hà nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả. Tinh thần bất khuất, anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" hào hùng được nối tiếp trên nền ca khúc Khí phách Hà Nội do ca sĩ Tùng Dương trình bày vô cùng hào sảng.   

Nhiều nghệ sĩ tham gia đại thực cảnh Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - 2

Ca sĩ Tùng Dương thể hiện ca khúc "Khí phách Hà Nội".

Màn diễu hành của các lực lượng tham gia cách mạng với đội hình diễn viên tái hiện đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954 gồm lực lượng công an, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, học sinh - sinh viên Thủ đô khiến người xem tự hào và thích thú.

Bên cạnh đó,  sự kết hợp lần đầu tiên của ca sĩ Trọng Tấn với 150 diễn viên nữ trong ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng mang lại cảm xúc mới lạ với khán giả.

Bài ca Hồ Chí Minh của tác giả Ewan MacColl với giọng ca Đông Hùng và dàn hợp xướng nam cũng để lại nhiều ấn tượng. Tiết mục Xin chào Hà Nội của tương lai do ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc và Đông Hùng biểu diễn như mở ra niềm hy vọng về tương lai của một Thủ đô ngàn năm văn hiến đang từng bước hội nhập với thế giới.   

Nhiều nghệ sĩ tham gia đại thực cảnh Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - 3

Ca sĩ Trọng Tấn hát "Hà Nội niềm tin và hi vọng".

Nằm trong khuôn khổ chương trình, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của 30 quận, huyện của Hà Nội, các làng nghề cũng được trình diễn tại sân khấu đại thực cảnh ở Hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên, tất cả các di sản và những gì tinh túy, tinh hoa nhất của Hà Nội được giới thiệu.  

Đó là màn diễu hành kết hợp giới thiệu di sản văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của Thủ đô: Tín ngưỡng "Thờ Tản viên Sơn thánh", "Thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương", "Thờ Chử Đồng Tử"; màn diễu hành "Thờ Hai Bà Trưng", "Thờ Thăng Long Tứ Trấn", "Thờ Mẫu Tam Phủ",...

Nghệ thuật dân gian tiêu biểu của Thủ đô như: Ca trù, múa rối và hát Xẩm; kéo co,... cũng được giới thiệu tới công chúng.

Đặc biệt hơn màn giới thiệu các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội như: Tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Kim Hoàng, làng thêu Quất Động, làng thêu Đông Cứu, làng gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, tò he Xuân La, quạt Chàng Sơn, làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng, khảm trai, dệt Phùng Xá, làng nghề may Từ Thuận - Vân Từ, làng nghề may áo dài Trạch Xá, làng lụa Vạn Phúc,...

Nhiều nghệ sĩ tham gia đại thực cảnh Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - 4

Đại thực cảnh "Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến" tái hiện Hà Nội năm 1946 và chiến dịch 60 ngày đêm lịch sử từng được khắc họa trong bộ phim "Đào, phở và piano".

Phần diễu hành và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống Hà Nội với các làng nghề ẩm thực nổi tiếng như: Giò chả Ước lễ, bánh dày Quán Gánh, bún Phú Đô, bún Mạch Tràng, miến So, bánh cuốn Thanh Trì, chè kho, chè lam Đại Đồng, kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc Đường Lâm, xôi Phú Thượng, cốm Vòng,...

Sự kiện cũng tái hiện lễ ăn hỏi của người Hà Nội vốn là nét đẹp của Thủ đô ngàn năm...   

Có thể nói đây là một trong những chương trình đại thực cảnh nghệ thuật có quy mô lớn nhất, số người tham gia nhiều nhất trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. 

Có mặt ở Hồ Gươm theo dõi trực tiếp sự kiện, nhà thiết kế Anh Thư - thương hiệu áo dài Ngân An bày tỏ niềm hân hoan vì đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ trình diễn mà còn là sự hòa lực của mỗi quận, huyện của Hà Nội đều được tham gia.

Nhà thiết kế Anh Thư cho biết chị sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Mẹ là người Hàng Đào. Cả tuổi thơ của chị lớn lên bên Hồ Gươm và các dãy phố cổ.

"Có thể nói, tình yêu Hà Nội và văn hóa Hà Nội đã ngấm vào tôi từ tấm bé và lớn dần theo thời gian và hòa cùng với máu thịt. Tôi thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của Thủ đô như 1000 năm Thăng Long và đặc biệt là không khí Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô này.

Tôi và nhiều khán giả xúc động và tự hào trước màn tái hiện lại không khí của đoàn quân từ 5 cửa ô tiến về Thủ đô. Điều đặc biệt là các diễn viên chào đón đoàn quân chính là người dân thủ đô được cử đi tham gia từ các phường. Mọi người đều như được hòa chung trong không khí của 70 năm về trước giữa quân và dân", nhà thiết kế chia sẻ.

Anh Thư nói thêm, trong phần dòng chảy di sản, đạo diễn đã đưa đến giới thiệu trong chương trình rất nhiều lễ hội văn hóa, những di sản phi vật thể của Hà Nội. Nhưng thật đặc biệt khi những lễ hội và những di sản phi vật thể đó lại được giới thiệu bởi chính những người dân của địa phương đó với sự hiểu biết và tự hào của họ.

Nhiều nghệ sĩ tham gia đại thực cảnh Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - 5

Đạo diễn Hoàng Công Cường trao đổi với diễn viên quần chúng trước khi biểu diễn chương trình.

Đạo diễn chương trình, Hoàng Công Cường, cũng bày tỏ: "Trong hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tái hiện toàn bộ câu chuyện văn hóa, lịch sử, các dấu mốc của Hà Nội từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tới khi giải phóng và mở rộng Thủ đô.

Thông điệp chúng tôi muốn mang đến cho khán giả trong nước và quốc tế đó là những nét văn hóa, lịch sử phong phú nhất của Hà Nội. Sân khấu chính dài 140m và 1,7km khu vực Bồ Hồ của "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" có thể coi là sân khấu đạt kỷ lục của Việt Nam".

Ảnh: Hòa Nguyễn