1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Cố đô Huế - 20 năm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch

Cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia, nơi có 2 di sản đã được công nhận Di sản thế giới. Trong những năm qua, di sản văn hóa đã gắn chặt với việc bảo tồn - khai thác - phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch phát triển.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 10 năm Âm nhạc Việt Nam - Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của Nhân loại. Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã nhìn lại chặng đường đầy gian khó nhưng cũng đi kèm nhiều thành công lớn trong công tác ấy.

Sức hấp dẫn từ TP có 2 di sản văn hóa thế giới

Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình, với hệ thống Thành quách, Cung điện, Miếu đường, Đền đài, Lăng tẩm. Di sản văn hoá Huế là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động trải qua bao thế hệ và đỉnh cao, của những tài năng của những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ.

Thành phố Huế là sự mẫu mực kết hợp hài hoà giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, là điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hoá- một loại hình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và giàu tính nhân văn. Đặc điểm này đặt ra một yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình nhìn ra sông Hương, núi Ngự

Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình nhìn ra sông Hương, núi Ngự

Sức hấp dẫn lớn của Huế là trải qua bao biến thiên lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được “Một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hoà quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hoá nghệ thuật. Đó chính là nhân tố chủ yếu cấu thành đặc thù của Huế, là nền tảng để Huế trở thành trung tâm văn hoá du lịch của cả nước. Đó hiển nhiên là một thế mạnh về văn hoá và đang trở thành một thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở khai thác và phát huy giá trị của hệ thống di tích một cách hợp lý.

Bên cạnh kho tàng di sản văn hoá vật chất đồ sộ có giá trị và tầm vóc Quốc tế. Huế còn là một tụ điểm về di sản văn hoá tinh thần phong phú, một vùng văn hoá Phú Xuân đặc sắc “Huế đẹp và thơ” nổi tiếng. Di sản văn hoá tinh thần ở Huế bao gồm văn hoá dân gian và văn hoá Cung đình. Văn hoá Cung đình Huế với cội nguồn từ triều Lý, trải qua các triều đại Trần, Lê rồi lan toả hội tụ và kết hợp với truyền thống văn hoá vùng đất miền Trung và phía Nam của Tổ quốc đã được manh nha từ thời các Chúa Nguyễn và phát triển đến đỉnh cao và hoàn chỉnh dưới thời các vua Nguyễn, để ngày nay đã tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể và truyền khẩu được cả nhân loại thừa nhận.

Lăng Tự Đức nên thơ

Lăng Tự Đức nên thơ

Trong kho tàng di sản văn hoá tinh thần còn có sinh hoạt Cung đình, lễ hội Cung đình (tế giao, thiết triều, đăng quang, truyền lô, tịch điền, ...) và các ngành nghề truyền thống đã được hình thành và phát triển trong quá trình xây dựng kinh đô và hiện nay cần phải được bảo tồn, phát triển để phục vụ cho công cuộc tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích, đó là các nghề mộc, nề, ngoã, pháp lam, sơn thếp, thêu ren, khảm chạm, ... . Có thể nói, Huế là nơi hội tụ và lan toả ra cả nước những thợ lành nghề và đông đảo đội ngũ nghệ nhân có “ bàn tay vàng” đã tạo nên những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao trên địa bàn Thừa Thiên Huế và trên phạm vi cả nước.

Nội thất lăng Khải Định đầy tinh xảo

Nội thất lăng Khải Định đầy tinh xảo

Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hoá  phong phú và đặc sắc vừa kế thừa truyền thống văn hoá Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của Miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa - Văn hóa Huế. Chính vì lẽ đó Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới vào ngày 11/12/1993, và âm nhạc Việt Nam - Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận (tháng 11 năm 2003) là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. 

Công cuộc bảo tồn các di sản tại cố đô Huế

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1996 đến nay, cùng với quá trình triển khai Quyết định 105TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, 1996-2010 và Quyết định 818TTg điều chỉnh dự án trên đến năm 2020. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy  khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển.

Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

-Bảo tồn, trùng tu nhiều di tích xuống cấp nặng

Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa . . . nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

Một số công trình tiêu biểu đã được trùng tu gồm: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Gia Long,  Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Bửu thành và Bửu đỉnh Khiêm lăng (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành... Hiện nay, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị cũng đang được triển khai trùng tu tổng thể sau khi các dự án trùng tu được phê duyệt.

Bi Đình – lăng Khải Định sau khi trùng tu

Bi Đình – lăng Khải Định sau khi trùng tu

Điện Thái Hòa – Đại Nội

Điện Thái Hòa – Đại Nội

Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực: Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định... đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung An Định... được tu bổ hoàn nguyên.

Điều quan trọng là, các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Cũng chính qua thực tiễn của công cuộc bảo tồn tôn tạo di tích Huế nên chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú, đặc biệt đã nắm vững cả 2 mặt cốt yếu của phương pháp trùng tu khoa học: Đó là phương pháp luận khoa họckỹ năng thực hiện, vì vậy các hoạt động trùng tu đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Minh Lâu – Lăng Minh Mạng

Minh Lâu – Lăng Minh Mạng

Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội: góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống

-Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Các di sản văn hóa phi vật thể của Huế hết sức phong phú và đa dạng. Tại Dự án Quy hoạch, Bảo tồn và Phát huy Giá trị Di tích Cố đô Huế, 1996-2010, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên chủ yếu được xác định trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm: Thơ văn Hán Nôm trên di tích, văn bia, thơ Ngự chế được trang trí ở các cung điện, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc Cung đình, múa hát Cung đình, lễ hội Cung đình, tuồng Ngự, ca Huế ... 

Các bài thơ trên nóc mái Điện Thái Hòa

Các bài thơ trên nóc mái Điện Thái Hòa

Tính từ năm 1996 đến nay, trên lĩnh vực này, Trung tâm đã tổ chức hàng chục công trình nghiên cứu khoa học, tổ chức biên soạn và xuất bản, tổ chức đào tạo nhân lực... Các kết quả chủ yếu bao gồm:

+ Tổ chức trên 10 cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể, như Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế, Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hán Nôm Huế, Hội thảo bảo tồn âm nhạc cung đình Huế, hội thảo tổng kết dự án Bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế…

Múa Lục cúng hoa đăng

Múa Lục cúng hoa đăng

+ Tổ chức nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình về Di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn, trong đó có những công trình đoạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương, như Khoa cử và khoa bảng triều Nguyễn, Thần kinh nhị thập cảnh-Thơ vua Thiệu Trị, Kinh thành Huế, Huế-Di sản văn hóa thế giới, Âm nhạc cung đình Huế, Tuồng cung đình Huế, Khảo cổ học tại Di tích Cố đô Huế (1999-2003), Di sản văn hóa Huế-Nghiên cứu & bảo tồn, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (6 tập), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (10 tập)...

+ Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn được hàng chục tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng như 10 nhạc khúc trong lễ Tế Giao, 9 nhạc khúc trong Tế Liệt miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên Đán, 37 nhạc khúc diễn tấu với dàn Tiểu nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu trong các đợt vua ngự, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc… Sưu tầm nghiên cứu và dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu như Trình tường tập khánh, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Bát Dật... Nghiên cứu dàn dựng 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật…

Múa Cung đình Trình Tường Lập Khánh

Múa Cung đình Trình Tường Lập Khánh

Chính nhờ những nỗ lực trên mà tháng 11 năm 2003, UNESCO đã chính thức công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (Nay là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện nhân loại). Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tầm vóc và sự phong phú, toàn diện của di sản văn hóa Huế trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể.

+ Nghiên cứu phục hồi một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Nam giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô- Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến Sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi ...

Múa Bát Dật văn, võ và Dàn Đại Nhạc

Múa Bát Dật văn, võ và Dàn Đại Nhạc
Huyền thoại sông Hương

Huyền thoại sông Hương

+ Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi… đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của Thừa Thiên Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.

Sự giúp đỡ nhiệt tình từ quốc tế và trong nước

Trong 15 năm qua, Di tích Huế đã hợp tác với hơn 25 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, ban ngành trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.

Với các tổ chức quốc tế, Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản (Quỹ Toyota, Quỹ Japan Foundation, Trường đại học Nữ Sowa, Đại học Nihon, Đại học Waseda ...), Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan… thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa. Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda) đã thực hiện được gần 16 năm (1994-2010) với nguồn kinh phí được đầu tư ngày càng lớn và bước đầu đã đạt nhiều kết quả tốt.

Huyền thoại sông Hương

Nội thất sảnh Khải Tường Lâu tại Cung An Định đã được nước bạn Đức hướng dẫn, đào tạo các nghệ nhân Việt Nam phục nguyên lại hình dáng ban đầu

Huế cũng đã có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước để thực hiện các dự án quy hoạch, bảo tồn và đào tạo nhân lực; tiêu biểu như Đại học Huế, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Bảo tồn Di tích, Công ty Tu bổ Di tích Trung ương, Viện Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học…

Bộ Biên chung và Bác chung do Hàn Quốc giúp phục chế lại với độ thẩm âm như lúc trước

Bộ Biên chung và Bác chung do Hàn Quốc giúp phục chế lại với độ thẩm âm như lúc trước

Chính qua các dự án hợp tác nói trên, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ của Di tích Huế đã được đào tạo, trau dồi kiến thức thường xuyên và không ngừng trưởng thành. Từ năm 1996 đến nay, Di tích Huế đã đào tạo được 3 Tiến sĩ trong nước, 1 Tiến sĩ và 5 Thạc sĩ ở nước ngoài, 20 Thạc sĩ trong nước, 20 Cử nhân Đại học Nhã nhạc cùng hàng chục Cử nhân, nghệ nhân, nghệ sỹ ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghiệp vụ hoặc cử chuyên viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ về bảo tồn trùng tu di sản, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, bảo tàng học... Đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn di sản trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn chủ chốt của các ban ngành.

Phát huy giá trị 2 di sản thông qua du lịch

Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch dịch vụ của Thừa Thiên Huế trong đã có những bước phát triển nhanh chóng, thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2012 đã đạt gần 825 tỷ đồng (tính đến 31/8/2012), doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 50 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của hơn 700 cán bộ công nhân viên chức, người lao động thuộc Trung tâm.
Khách tham quan Huế ngày càng đông

Khách tham quan Huế ngày càng đông

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của việc phát triển hoạt động dich vụ ngay trong địa bàn khu di sản Huế, Trung tâm đã xây dựng một đề án tổng thể về quy hoạch và phát triển hoạt động dịch vụ đến năm 2020. Ngày 5/12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định phê duyệt đề án này. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đưa doanh thu của hoạt động này chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu doanh thu của đơn vị.

Dịch vụ chụp ảnh vua, hoàng hậu trong Đại Nội rất được du khách ưa chuộng

Dịch vụ chụp ảnh vua, hoàng hậu trong Đại Nội rất được du khách ưa chuộng

Trung tâm đã chủ động tham gia các diễn đàn quảng bá cho ngành du lịch, ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành đưa khách đến cố đô Huế; liên kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội khách sạn của tỉnh, chủ động tổ chức các hoạt động kích cầu để thu hút du khách. Năm 2012, Trung tâm đã tổ chức Tuần lễ Vàng dành cho du khách và lễ trao giải cho du khách thứ 2 triệu đến thăm di tích cố đô Huế. Năm 2013, Trung tâm tổ chức 2 tuần lễ kích cầu vào các tháng 4, 12 và Tháng du lịch vàng từ 2-30/9.

Đặc biệt, nhân dịp tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận, Trung tâm sẽ tổ chức một loạt hoạt động kích cầu để tạo điều kiện cho du khách và các tour lữ hành. Cũng nhờ hoạt động tích cực đó mà mặc dù tình hình năm 2013 rất khó khăn, sân bay Huế đóng cửa, nhưng nguồn thu của đơn vị vẫn tăng nhanh. Tính đến hết tháng 8, Doanh thu đã đạt hơn 86 tỷ đồng (80 tỷ từ vé và 6 tỷ từ dịch vụ), đạt 76% kế hoạch được giao (105 tỷ đồng doanh thu vé/năm 2013).

Dịch vụ chụp ảnh vua, hoàng hậu trong Đại Nội rất được du khách ưa chuộng

Rất đông du khách tham quan Đại Nội trong mưa ở Tuần lễ Vàng du lịch đầu tiên do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức cuối năm 2012

Bên cạnh đó, việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, thêu, chằm nón lá, làm kẹo mè xững, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế… đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ luôn tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Tính đến năm 2012, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh đã đạt hơn 2.500 tỷ đồng (hơn 45% GDP của toàn tỉnh).

Cưỡi voi tham quan tại di tích Huế

Cưỡi voi tham quan tại di tích Huế

Cưỡi ngựa dịp đầu năm mới ở Đại Nội

Cưỡi ngựa dịp đầu năm mới ở Đại Nội

Từ những thành tựu về bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những sự điều chỉnh kịp thời trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ cơ cấu Công nghiệp - Nông nghiệp - Dịch vụ chuyển thành Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp, trong đó xác định phát triển các ngành dịch vụ có tính quyết định hàng đầu. Di sản văn hóa giai đoạn này hơn bao giờ hết đã trở thành hạt nhân và động lực cho sự phát triển.

Cố đô Huế là địa phương đầu tiên Việt Nam có di sản văn hóa thế giới, cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc bảo tồn di sản văn hóa và sử dụng lợi thế về di sản văn hóa để phát triển, nhất là phát triển kinh tế du lịch dịch vụ. Thực tiễn của công tác bảo tồn di sản Huế trong mấy chục năm qua, nhất là 20 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới luôn là bài học kinh nghiệm bổ ích cho các địa phương và cả cho các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển đất nước.


 
Tiến sĩ Phan Thanh Hải
(Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)