Chiêm ngưỡng trên 1.000 báu vật văn hóa Đông Sơn
(Dân trí) - Tại triển lãm <i>Về miền di sản</i> ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh TT-Huế vừa diễn ra chiều 5/4, một kho tàng cổ vật đồ sộ với hơn 1.000 cổ vật được xem như báu vật thuộc nền văn hóa cổ Đông Sơn của Việt Nam lần đầu ra mắt.
Triển lãm dưới sự phối hợp của Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam, Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế, Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng tỉnh TT-Huế và quan trọng nhất là các cổ vật đến từ gần 20 nhà sưu tầm thuộc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam.
Được xem là nền văn hóa có vị trí và vai trò đặc biệt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, được biết đến như là cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc - Nhà nước đầu tiên thời đại các vua Hùng, văn hóa Đông Sơn luôn chứa đựng biết bao bí ẩn cho đến ngày hôm nay bởi tính sơ khai của một xã hội Việt Nam cách đây hơn 20 thế kỷ.
Với diện tích trưng bày trên 400m2 tại khu vực Văn miếu quốc Tử Giám xưa kia của các vua Nguyễn (nay thuộc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh TT-Huế), các cổ vật dường như càng được tôn thêm giá trị quý báu mà nó mang lại. Đây cũng được xem là một cuộc triển lãm mang tính lịch sử lần đầu tiên bởi số lượng quá nhiều cổ vật: trên 1.000 đồ các loại. Lực lượng an ninh đã được bố trí cẩn mật 24/24 để canh giữ an toàn tối đa cho số cổ vật này.
Gian trưng bày hơn 1.000 cổ vật Đông Sơn
Chuyên đề triển lãm chia ra 7 loại hình gồm: Nhạc khí văn hóa Đông Sơn (quan trọng nhất là trống đồng Đông Sơn được xem là đỉnh cao nghệ thuật đúc đồng, là biểu tượng văn minh người dân Việt cổ và các chậu trống, chuông, thanh la, lục lạc), Vũ khí (bằng đồng thau với dao, kiếm, mũi giáo, mũi lao, rìu chiến, lẫy nỏ, mũi tên, chắn tâm...), Công cụ lao động sản xuất (lưỡi cày bằng đồng, sắt, lưỡi cuốc, rìu các loại, chì lưới, bàn chải sản xuất vải), Đồ dùng sinh hoạt (thạp, muôi, đèn thắp sáng, muôi đồng, dao), Đồ trang sức (bao đầu, trâm cài tóc, gương đồng, vòng tay...), Đồ tùy táng, Đồ gốm Đông Sơn (bình, vò, nồi, đọi xe chỉ, lọ, tượng được tạo hình điêu khắc rất đa dạng, thậm chí còn được tráng men).
Trống đồng được đặt vị trí trang trọng nhất
Theo ông Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam thì chưa có lần nào Trung tâm đem cổ vật đi triển lãm nhiều như lần này. Chính vì tình yêu với Huế và mối quan hệ mật thiết với Bảo tàng Lịch sử cách mạng TT-Huế nên lần đầu tiên, Trung tâm đã huy động gần 20 nhà sưu tầm cổ vật đem triển lãm nhiều đồ cổ rất quý báu.
“Đây là số lượng cổ vật nhiều nhất mà chúng tôi triển lãm với độ đầy đủ gần 80% đối với đại diện các nhóm hiện vật, chất liệu tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn. Đó là thời kỳ lịch sử cực kỳ hoành tráng về điêu khắc - hội họa mà đến hiện nay vẫn đang làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm là tại sao cha ông có thể làm được những đồ vật tinh xảo đến thế. Chính cổ vật là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì Việt Nam có được về mặt văn hóa”, ông Tuấn tâm huyết nói.
Trong khuôn khổ triển lãm còn có thêm khu trưng bày giới thiệu di sản văn hóa các vùng miền Bắc Trung Bộ như Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa và triển lãm ảnh Về miền di sản giới thiệu những thế mạnh về văn hóa, du lịch khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Triển lãm cổ vật “Về miền di sản” sẽ kéo dài đến hết ngày 20/4:
Lưỡi cày đồng - thế kỷ 3-1 trước công nguyên
Lưỡi dao đồng - thế kỷ 3-1 trước công nguyên
Rìu bằng sứ, đá
Trang sức cho "quý bà"
Các chuỗi ngọc hột đá đen sáng lấp lánh dù đã qua hàng ngàn năm
Trâm cài tóc có hình muôn thú
Vòng đeo ngực có lục lạc
Vòng đeo tay và đeo tai bằng kim loại và đá quý
Gương bằng đồng. Giữa một mặt gương có một núm đồng dùng để hấp thụ ánh sáng
Bàn chải bằng đồng để sản xuất vải
Môi chan canh
Vại đồng
Bình rượu đồng thế kỷ 1 trước công nguyên
Một vật biểu trưng quyền uy bằng đồng
Vại đồng có nắp khắc hình chim lạc, thú rừng và hoa văn tinh xảo
Trống đồng Đông Sơn
1 trống đồng lạ với 4 chú cóc
Một mô hình nhà "tòa ngang dãy dọc". Có giả thiết lúc trước, khi nhà giàu làm nhà thì phải có "bản vẽ" là mô hình bằng đất nung như thế này
Một mô hình nhà nhỏ hơn
Chì lưới bằng đồng (dưới) và đọi xe chỉ bằng gốm (trên) dùng cho đánh bắt thủy sản và đan vải
Kiếm
Mũi lao
Mũi giáo lớn nhất thuộc về vị tướng lĩnh quan trong nhất trong quân đội. Các mũi giáo nhỏ hơn thuộc cấp bậc nhỏ hơn theo thứ tự
Lẫy nỏ và tên - thứ vũ khí lợi hại gợi nhớ Nỏ thần của Kim quy cho vua An Dương Vương đánh quân thù trong truyền thuyết "Mỵ Châu - Trọng Thủy"
Chuông đồng được đeo cho voi
Một con chim linh vật
Đồ gốm không có men nhưng được nặn khá tinh tế
Đồ gốm có tráng men dùng trong nhiều gia đình giàu sang thời bấy giờ
Rìu đá bằng đồng để sản xuất