"Chat với Mozart" hay "Này em có nhớ"?

Xin nói ngay, tựa đề trên hoàn toàn không chủ ý so sánh về chất lượng âm nhạc giữa hai album nhạc Việt trong năm 2005 này. Người viết đơn giản chỉ muốn đánh giá hai album dưới một cái nhìn khác trong tương quan về cách làm, cách thể hiện từ ý tưởng thành âm nhạc...

Cụ thể ở đây là cách khai thác vốn âm nhạc cổ điển thế giới mà hai ê-kip đã thực hiện qua hai album Chat với MozartNày em có nhớ.

Tại sao lại đối nghịch?

Nói đối nghịch bởi cách làm của Chat với MozartNày em có nhớ hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên - Chat với Mozart - với tham vọng hiện đại hóa và đại chúng hóa âm nhạc cổ điển, nghĩa là đi tới; một bên - Này em có nhớ và cả Ru mãi ngàn năm trước kia - lại muốn cổ điển hóa, bác học hóa nhạc nhẹ Việt (ca khúc Trịnh Công Sơn), nghĩa là… quay về. Dù thể hiện theo cách nào đi nữa, tới hay lùi, trước tiên, phải xác định rõ đó là những ý tưởng mới lạ và táo bạo (đối với nền nhạc Việt) cần được hoan nghênh và động viên, nghĩa là nên bỏ ngoài tai những chê bai mang tính tiêu cực, một chiều, kiểu Chat với Mozart vùi dập, tầm thường hóa âm nhạc cổ điển hay Này em có nhớ… (xin lỗi) "hiếp dâm" nhạc Trịnh.

Mặt khác, phải nhìn nhận rõ nếu đi tới, Chat với Mozart đã tiến được chừng nào, cũng như khi quay về, Này em có nhớ đã trở lại được bao xa. Chắc chắn đấy không phải công việc chỉ nói đôi ba câu bình phẩm là xong. Trong bài viết này, chỉ xin được nêu lên vài quan điểm cá nhân theo cách nghe, thẩm âm, cách đánh giá riêng, đồng thời cũng là mượn chuyện vs. để bình luận về hai album gây chú ý trong thời gian gần đây nhằm chia sẻ với bạn đọc với tư cách một người nghe và yêu nhạc Việt.

Từ ý tưởng

Về ý tưởng, cổ điển hóa, bác học hóa âm nhạc Trịnh Công Sơn thật ra không hẳn đã mới mẻ, bởi trước kia, dàn nhạc giao hưởng Nhật đã làm với tiếng hát Khánh Ly; cách đây 4 năm, chương trình Như một lời chia tay tưởng niệm nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng đã điểm xuyết những thanh âm dàn nhạc giao hưởng trong một số ca khúc. Chỉ có điều, với hai album Ru mãi ngàn nămNày em có nhớ, ê-kip Lê Minh Sơn/Thanh Lam/Trần Mạnh Hùng đã thực hiện triệt để và đầy đặn hơn. Quan trọng hơn, qua hai album, họ đã tạo được phong cách riêng từ cách làm tưởng chừng đã cũ, dù điều này không có nghĩa là họ thành công.

Ngược lại, ý tưởng hiện đại hóa, đại chúng hóa của Chat với Mozart là một tham vọng đúng nghĩa, hoàn toàn mới lạ so với những sản phẩm trước đây của ê-kip Dương Thụ/Anh Quân/Huy Tuấn/Mỹ Linh cũng như những sản phẩm khác của nhạc nhẹ Việt. Theo cách nhìn tích cực, bằng lối thể hiện gần gũi, trẻ trung và gượng nhẹ hơn âm nhạc cổ điển, phần nào Chat với Mozart đã tạo nên sự chú ý nơi người nghe nhạc, đưa họ làm quen lại với những giai điệu bất hủ của thế giới mà họ vốn đã rất quen tai nhưng lại không hề biết.

Đến thể hiện

1. Hòa âm phối khí: Yếu tố cơ bản và đặc trưng nhất trong ý tưởng của hai album trên nằm ở cách thức hòa âm phối khí. Từ đối lập về ý tưởng, đường lối hòa âm phối khí trong hai album cũng trở nên khác biệt nhau.

Ru mãi ngàn nămNày em có nhớ, bên cạnh phần hòa âm với tiếng guitar thùng chủ đạo vẫn còn ảnh hưởng nhiều nét Latin của Lê Minh Sơn (thấy rõ ở Biển nhớ), phần nhạc nền chính là những giai điệu đẹp, mênh mang với âm thanh acoustic xuyên suốt album của hai nhạc cụ cũng rất cổ điển là piano và violin mà không hề sử dụng nhạc cụ hiện đại.

Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng đã làm được hai điều trong phần hòa âm của mình: một là trau chuốt từng con chữ, nốt nhạc trong ca khúc Trịnh, nâng đỡ giọng hát ca sỹ; hai là tạo ra một không gian khác cho nhạc Trịnh, dìu dặt tha thiết hơn mà cũng lạnh lùng xa vắng hơn, tiêu biểu là phần intro các ca khúc Nhìn những mùa thu đi,Ướt mi (Ru mãi ngàn năm) và Em hãy ngủ đi, Này em có nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên (Này em có nhớ).

 

"Chat với Mozart" hay "Này em có nhớ"? - 1
 

album Này em có nhớ của Thanh Lam 

Nhiều người chê rằng hòa âm nghe giống dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày xưa quá, nhưng chê vậy hóa ra lại thành khen, bởi như thế có nghĩa album đã chạm đến được tính cổ điển về cơ bản. Riêng ca khúc Một cõi đi về - tâm điểm của những lời chỉ trích - được Trần Mạnh Hùng sử dụng kết hợp nhạc cụ phương Tây với các nhạc cụ dân tộc là đàn tranh, đàn đáy và sáo trúc tạo nên một không gian bí bức không lối thoát lại là một phá cách khó nghe, cũng có thể nói đó là một cú liều của những người thực hiện. Đã liều, phải chấp nhận chuyện thành công hoặc thất bại. Trong trường hợp này, họ đã thất bại với Một cõi đi về.

Phần hòa âm phối khí của Chat với Mozart, với tiêu chí hiện đại hóa, đại chúng hóa âm nhạc cổ điển theo thể loại funk/soul và R&B, tất nhiên phải sử dụng nhạc cụ hiện đại với trống, guitar điện, keyboards và saxophone làm chủ đạo bên cạnh sự điểm xuyết của piano, violin, cello và dàn hợp xướng. Nhìn chung, phần hòa âm phối khí đã hoàn thành trách nhiệm ca khúc hóa những giai điệu khí nhạc cổ điển.

Tuy nhiên, ngoài một số ca khúc có hòa âm phát triển trên nền giai điệu gốc như Ave Maria, Mùa đông hay Tháng Sáu… được biến thành những bản ballad đẹp, phần còn lại, những ca khúc được phối với tiết tấu của funk, R&B nhanh và sôi động hơn, ngoại trừ những đoạn solo saxo rất bốc, lại đưa đến cảm giác gò bó hơn là phóng khoáng để nhún nhảy theo.

Trong các album trước, ê-kip hòa âm Anh Quân/Huy Tuấn cũng thành công với những bài ballad nhẹ nhàng hơn là những bài tiết tấu sôi động nhưng nghe hơi gắng gượng bởi cảm giác như người thực hiện hòa âm nửa muốn tung tẩy hơn, nửa lại phải kìm nén lại kẻo sợ nghịch tai người nghe.

Chat với Mozart, bên cạnh sự kìm nén ấy, việc lạm dụng dàn hợp xướng trong những ca khúc phối theo thể loại funk và R&B một cách không cần thiết lại càng gượng gạo (Ngày xa anh, Sớm nay mùa xuân…), là một trong những nguyên nhân khiến Chat với Mozart không thể hoàn thiện như ý tưởng ban đầu, bởi ý tưởng của album là hiện đại hóa nhạc cổ điển chứ không phải pha trộn cổ điển với hiện đại.

Phần thú vị nhất – theo người viết – là bản remix intro Chat với Mozart độc đáo đầu album nghe lạ, phần đọc rap ngộ nghĩnh chuyển tải thông điệp chính của album. Về phần lời, chỉ có thể nói nhạc sỹ Dương Thụ đã hoàn thành trách nhiệm bắc nhịp cầu cho giai điệu cổ điển đến với tai nghe đại chúng một cách… đại chúng hơn với những ca từ quen thuộc đã bắt gặp đây đó trong Tóc ngắn 1&2 Made in Vietnam trước, kiểu “góc phố nơi anh hẹn…”, chứ không thấy cấu tứ nào tươi mới.

2. Ca sỹ: Cách thể hiện của ca sỹ đóng vai trò chủ chốt trong album. Kiểu hát của Thanh Lam với Này em có nhớ và Mỹ Linh trong Chat với Mozart cũng hoàn toàn trái ngược dù họ đều khoe được vẻ đẹp cũng như lộ ra nhược điểm của chất giọng. Nếu Thanh Lam bản năng và “phiêu” bao nhiêu thì Mỹ Linh lại hát đằm và “mô phạm” bấy nhiêu.

Thanh Lam lạm dụng kiểu “hát lối”, hát như nói, nức nở dãi dề, đãi và gằn giọng, ngắt và hắt hơi một cách kịch tính quá mức, nhất là trong Một cõi đi vềBiển nhớ khiến người nghe thấy mệt mỏi, dù theo ê-kip thực hiện thì đó lại là ý đồ nghệ thuật của họ. Lối hát ấy giúp cô chứng tỏ được nội lực của mình, đồng thời cũng cho thấy kiểu phát âm trong nhiều chữ nghe rất thô bởi gằn và đãi giọng một cách cố ý. Chính lối hát của cô trong một số bài đã khiến album trở nên nặng nề khó nghe dù có phần hòa âm đẹp nâng đỡ. Như đã nói ở trên, bên cạnh những ca khúc khá ổn, Một cõi đi về, với kiểu hòa âm phối khí "không giống ai" cùng cách thể hiện quá đà của Thanh Lam, là một thất bại. 

Mỹ Linh phô bày một chất giọng soprano mượt mà và chín ngọt, rất hợp ở những bài ballad phối theo phong cách bán cổ điển như Ave Maria hay Mùa đông với cách phát âm nhả chữ kiểu opera  tròn và khuôn mẫu. Nhưng chính ưu điểm phát âm ấy lại trở thành nhược điểm trong những ca khúc phối theo tiết tấu funk và R&B hiện đại. Có vẻ như Mỹ Linh cùng chung tâm lý e ngại của ê-kip thực hiện, nên không dám hát nhạc nhẹ, pop cho ra pop mà cứ phải đưa vào chút kỹ thuật thanh nhạc cổ điển khiến những gì cô thể hiện không hòa hợp hẳn với tinh thần trẻ của bản phối.

Cảm giác nặng nề, gò bó bởi lối phát âm opera quá tròn trịa đến cứng nhắc của Mỹ Linh khiến ca khúc thiếu đi sự trẻ trung tươi mát, chưa kể đôi chỗ tầm cữ giai điệu quá rộng khiến cô phải hát với và không rõ lời. Nếu Mỹ Linh tự tin thể hiện nhẹ nhàng, tình tứ và "phiêu" hơn đúng như cách cô vẫn hát trước đây, album sẽ có sức cuốn hút hơn.

 ***

Bỏ qua sự đối nghịch trong cách làm giữa hai album Chat với MozartNày em có nhớ - vốn chỉ là cái cớ để bình luận về âm nhạc của hai album này - có thể thấy bên cạnh những tiến bộ nổi bật, điểm bất cập chung của hai album vẫn là sự không triệt để trong cách làm (thấy rõ ở Chat với Mozart) và sự không hòa hợp giữa hòa âm phối khí với cách hát ca sỹ (thể hiện rõ trong Này em có nhớ). Nghĩa là không album nào thật sự đầy đặn tròn trịa.

Tuy nhiên, vạch lá tìm sâu, nói khó khăn vậy thôi, chứ làm gì có sự hoàn hảo, nhất là trong âm nhạc, chưa kể người làm phải chịu đựng những áp lực về thị trường, về công chúng… Nhưng nếu người trong cuộc tự nhìn thấy nhược điểm của mình mà khắc phục trong những sản phẩm tiếp theo thì vẫn hay hơn, dù điều này xem ra… hơi khó. Hiện đại hóa hay cổ điển hóa, đi tới hay quay về vẫn là cả một chặng đường dài trước mắt, đường dài mới biết sức ngựa.

 Theo Giaidieuxanh