Câu chuyện về câu lạc bộ "già" nhưng không "cỗi" trong viện dưỡng lão
(Dân trí) - "Chúng tôi đã học cách chăm sóc chu đáo cho con cái, hiện đang ở vào thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời chúng. Thực ra, ngay lúc này đây, chúng tôi cảm thấy mình bị những đứa trẻ đó bỏ rơi".
Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen kể về cụ ông Hendrik Groen trên 80 tuổi, sống trong viện dưỡng lão, không thích làm theo quy định hoặc qua đời một cách lặng lẽ.
Ông bèn thành lập Câu lạc bộ Già nhưng không Cỗi và cùng với các thành viên khác bắt đầu sống những năm cuối đời một cách thoải mái.
Cuốn sách đã được dịch sang 20 ngôn ngữ, khiến người đọc cười, khóc, suy ngẫm và cảm động.
Thứ Tư, ngày 6 tháng Ba
Ngày nắng đầu tiên trong năm luôn tuyệt nhất. Chiều hôm qua, tôi ngồi trên băng ghế ở lối vào cửa trước suốt bốn mươi lăm phút đồng hồ. Tôi là người đầu tiên ở đó. Không lâu sau, băng ghế đã kín chỗ. Vài người chậm chân tỏ ra thèm muốn, cứ đi đi lại lại chờ chúng tôi rời đi. Đen đủi quá.
Khi năm tháng trôi qua, mọi thứ đều chậm lại. Đi lại, ăn uống, chuyện trò, suy nghĩ. Đọc sách báo cũng vậy. Tôi phải mất từ ba đến bốn ngày mới ngốn xong tất cả các phụ trương Chủ Nhật, bởi nếu chỉ đọc nhật báo thôi thì tôi vẫn bị tụt hậu mất. Cuối cùng thì hôm qua, tôi cũng đã đọc xong chuyên mục về sự lão hóa.
Tôi đã chú ý đến nó từ trước: tuổi già đang là vấn đề nổi cộm hiện nay. Những đứa trẻ được sinh ra trong thời hậu chiến về hưu; một vài năm nữa sẽ đến lượt thế hệ hippie.
Nhóm tuổi nắm quyền hiện nay đã phát hiện ra một điều quan trọng: mình phải tự chăm sóc bản thân thật tốt. Không ai mong muốn mất nhiều thời gian để lo lắng về những kẻ được gọi là "Người Về Hưu" trong ít nhất mười lăm năm nữa.
Những người trên năm mươi này dù có thế nào thì cũng không giống với những người trên tám mươi tuổi, bởi vì viện dưỡng lão này là nơi nghỉ ngơi áp chót của họ.
Chúng tôi đã học cách chăm sóc chu đáo cho những người khác, cụ thể là con cái của chúng tôi, hiện đang ở vào thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời chúng. Thực ra, ngay lúc này đây, chúng tôi cảm thấy mình bị những đứa trẻ đó bỏ rơi.
Nhiều bạn đồng cư của tôi rất căng thẳng vì bị hoàn cảnh ép buộc: già cả và ốm yếu đến mức không thể sống độc lập được và nghèo khó đến độ không thể thuê người giúp việc cần thiết. Họ phải chấp nhận sống những năm tháng xế chiều của cuộc đời trong viện dưỡng lão.
Sau đó, cụm từ "viện dưỡng lão" bắt đầu làm cho người ta cảm thấy bứt rứt. Nó đã được thay thế bằng cụm từ "cộng đồng hưu trí". Bệnh xá trở thành "nhà chăm sóc". Nhà chăm sóc trở thành "trung tâm chăm sóc".
Và trong phiên bản mới nhất, hình như tôi đã đăng ký vào một "tổ chức y tế định hướng thị trường cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp với từng người". Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao chi phí chăm sóc sức khỏe cứ tăng vùn vụt.
Thứ Năm, ngày 7 tháng Ba
Có lần tôi đã đếm số người hiện diện: chúng tôi có suýt soát 160 người già nhận lương hưu sống ở đây. Kết nối với trung tâm chăm sóc này là một đơn vị điều dưỡng có khoảng 80 bệnh nhân lão khoa khác bị lẫn hoặc bị suy giảm chức năng và nhận thức nghiêm trọng.
Tôi không thể cung cấp con số chính xác vì người sống và người chết tuân theo nguyên lý cửa xoay. Tôi ước tính khi họ đến, một người trung bình còn khoảng 5 năm để sống, nếu tính gộp cả trung tâm chăm sóc và đơn vị điều dưỡng lại, thì tính ra mỗi năm có khoảng 50 ca tử vong.
Nếu như ở đây, người ta già cốc đế luôn mà vẫn còn đứng được trên đôi chân của mình, thì họ sẽ phải tham dự 500 lễ an táng hoặc hỏa táng trong 10 năm cuối đời. Viễn cảnh này thú vị đấy nhỉ.
Sáng nay, tôi không tìm được chùm chìa khóa của mình. Đã lục tung căn phòng, bao gồm cả cái hốc tường đặt giường ngủ, xáo trộn tung bành, chật chội như vốn dĩ. May mắn là tôi không mảy may hấp tấp vội vàng.
Phải tìm kiếm cả tiếng đồng hồ mà tôi không chửi thề (chỉ suýt buột miệng mà thôi), cuối cùng cũng phát hiện ra chùm chìa khóa nằm trong tủ lạnh. Đãng trí. Người già, giống như trẻ nhỏ, luôn luôn không tìm thấy nhiều thứ, mà họ lại không còn mẹ để bảo cho biết là phải tìm ở đâu.
Thứ Sáu, ngày 8 tháng Ba
Mới hôm qua đề cập đến chủ đề cái chết, giờ đây tôi mới phát hiện ra rằng cái chết đã đến thăm nhóm "Vui Vẻ Khỏe Mạnh"!
Bà De Leeuw cho biết "Tôi cảm thấy không ổn lắm" và hai phút sau bà ấy không còn khỏe nữa. Bà ấy ngồi thụt sâu vào ghế và không bắt lấy quả bóng ném về phía mình.
"Chú ý nào, bà De Leeuw", giáo viên thể dục Tina khiển trách. Thế rồi bà De Leeuw tuột khỏi ghế và té xuống sàn.
Người ta đã cố gắng hồi sức cho bà ấy; đem đến cả máy sốc tim, nhưng tất cả đều vô ích. Hai chị em Slothouwer đứng ngây ra đó, há hốc miệng nhìn, cho đến khi có người bảo họ tránh ra. Sau đó, trong lúc uống cà phê, họ đã mô tả thật tỉ mỉ cho chúng tôi biết về những gì họ đã nhìn thấy. Nếu có cơ hội, hai chị em Slothouwer này sẽ sẵn sàng làm khán giả tại một cuộc hành quyết công khai.
Cái chết của bà De Leeuw đã làm sụt giảm tâm trạng giữa tiết trời mùa xuân bảng lảng dăm ba ngày. Một số bạn đồng cư sẽ không bước chân ra khỏi cửa nếu trời se lạnh hoặc ẩm ướt. Vì vậy, vào mùa xuân, khi có dấu hiệu đầu tiên của một chút nắng, người ta sẽ ùa ra ngoài tản bộ rất sôi nổi.
Thông báo của ngày hôm qua cho chúng tôi biết là khả năng cao tuyết sẽ rơi trở lại trong thời gian bốn ngày khiến cho ai nấy đều sốt sắng tản bộ hơn.
Thứ Tư, ngày 13 tháng Ba
Mạo hiểm, nhưng tôi phải đi chứ. Các thành viên của Câu lạc bộ đang tự hỏi là liệu có nên hoãn chuyến đi chơi lại hay không, nhưng điều đó không cần thiết. Tôi đã khỏe lại.
Bác sĩ đa khoa đến thăm tôi vào thứ Hai. Ông ta cho rằng triệu chứng hơi giống với bệnh cúm Mexico. Mấy năm trước, cả nước đã náo động vì cái bệnh cúm ấy, và hễ mà mình bật radio hay truyền hình lên là y như rằng phải nghe nhà dịch tễ học nào đó nói chuyện; ngay cả lúc này đây, có thể là tôi đã bị nhiễm rồi đấy, vậy mà bác sĩ đa khoa của tôi chẳng thèm cho tôi một lời chẩn đoán thích hợp!
Thế rồi một nữ điều dưỡng đã lạnh lùng hỏi rằng, liệu khi kể với những cư dân khác rằng mình bị mắc bệnh cúm, tôi có sẵn lòng bỏ cái từ "Mexico" ra khỏi đó không.
"Ai bảo cô nói thế?"
Cô điều dưỡng không tiết lộ cho tôi biết.
Điều này khiến cho người ta phải thắc mắc. Cái chết cách nay một tháng của bà De Gans có khi nào là do bệnh cúm gia cầm không?
Có lẽ là "họ" đang lo lắng về một làn sóng sợ hãi dịch cúm khác trong chúng tôi.
Hôm qua, Evert ghé qua cùng với một giỏ trái cây: hộp đựng trứng bằng bìa cứng có ba trái kiwi và ba quả quýt.
Eefje mang đến cho tôi một cuốn sách: Năm Trăm Bài Thơ Nên Đọc. Tôi đã hứa hẹn là sẽ đọc mỗi ngày một bài, với niềm hy vọng mãnh liệt rằng mình lại có thêm năm trăm ngày nữa.
Theo lời khuyên của bác sĩ đa khoa, tôi đã đặt lịch hẹn với bác sĩ lão khoa. "Các loại bệnh" của tôi sẽ khiến cho "đồng nghiệp" của ông ấy quan tâm. Ông ấy phát âm từ "đồng nghiệp" bằng chất giọng khá trầm. Bác sĩ đa khoa đã viết một bức thư ngắn cho bạn của mình và đưa cho tôi xem. Đại ý của bức thư là: "Tại sao ông không tiếp nhận nếu như có thể làm gì đó cho quý ông lớn tuổi tốt bụng này".
Họ sẽ tiếp đón tôi sớm nhất là vào đầu tuần tới. Có thể là đã cân nhắc về tiền bạc: người già thì phải được tiếp nhận khẩn trương, kẻo họ lăn đùng ra chết trước khi bạn kiếm được xu nào. Một khi họ qua đời, thì người duy nhất có thể kiếm chác được chính là dịch vụ lễ tang.
Thứ Ba, ngày 26 tháng Ba
Một trong những mục tiêu của quyển nhật ký này là tiết lộ với người đời về những điều nhỏ nhặt nhưng lại động trời, sau khi tôi qua đời. Ý tưởng đó đã mờ dần, mờ dần rồi tắt ngấm.
Tôi nhận thấy rằng viết lách có tác dụng điều trị cho mình: tôi cảm thấy thoải mái hơn và ít nản lòng hơn. Có lẽ là đã muộn mất năm mươi năm, nhưng cứ ôm khư khư trong lòng nỗi tiếc nuối thì cũng chẳng được gì.