Cánh Diều Vàng 2011:

“Các thành viên Ban giám khảo rất thích phim… Long ruồi”

(Dân trí)-Bộ phim được đánh giá cao về ngôn ngữ điện ảnh là Hotboy nổi loạn chỉ được BGK tặng bằng khen. Trong khi, 2 bộ phim giải trí với nhiều tình tiết phi lý như Long ruồi, Sài Gòn Yo đã cùng nhau đoạt Cánh Diều Bạc.

Như thường lệ, giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh lại khép màn với nhiều tranh cãi sau một đêm trao giải tẻ nhạt. Ở hạng mục giải thưởng dành cho phim truyện nhựa, bộ phim được đánh giá giàu ngôn ngữ điện ảnh là Hotboy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chỉ được BGK tặng bằng khen, trong khi 2 bộ phim giải trí với nhiều tình tiết phi lý như Long ruồi, Sài Gòn Yo đã cùng nhau đoạt Cánh Diều Bạc.
 
“Các thành viên Ban giám khảo rất thích phim… Long ruồi”
Đạo diễn- NSND Bùi Đình Hạc là trưởng ban giám khảo thể loại phim truyện nhựa của CDV 2011.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, “Lý do gì BGK trao Cánh Diều Bạc cho Long ruồi?”, đạo diễn- NSND Bùi Đình Hạc, trưởng ban giám khảo hạng mục phim truyện nhựa cho biết “Ban giám khảo năm nay làm việc dựa trên 4 tiêu chí, một là đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, hai là mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, và cuối cùng là đạt hiệu quả xã hội tích cực. Dựa trên 4 tiêu chí này, chúng tôi đã cho điểm từng tác phẩm, Long ruồi đạt Cánh Diều Bạc là vì tổng điểm cao hơn Hotboy nổi loạn”.

Đạo diễn- NSND Bùi Đình Hạc cho biết thêm, các thành viên hội đồng giám khảo thể loại phim truyện nhựa năm nay rất thích bộ phim Long ruồi. Điều đó không khó nhận ra. Dù chỉ là phim giải trí đơn thuần, nhưng Long ruồi nhận được nhiều giải thưởng quan trọng. Giải đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Charlie Nguyễn, Cánh Diều Vàng cho nam diễn viên Thái Hòa ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, giải Cánh Diều Vàng dành cho Tina Tình ở hạng mục nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
 
“Các thành viên Ban giám khảo rất thích phim… Long ruồi”
Tina Tình không được báo chí khen ngợi về diễn xuất

Cùng được để cử với vai gái điếm của Phương Thanh, nhưng Tina Tình là người đoạt giải. Vai gái điếm của ca sỹ Phương Thanh từng nhận được nhiều lời ngợi khen từ phía báo chí. Vai diễn chân thực, rất đời, và giàu cảm xúc. Trong khi đó, vai diễn của Tina Tình trong phim Long ruồi nhiều phân đoạn diễn bị đơ, cứng.

Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Đình Hạc cho biết, “Chúng tôi đã làm việc rất kỹ, và các thành viên giám khảo gần như nhất trí 100% về các giải thưởng đã trao. Ở bộ phim, Hotboy nổi loạn, chúng tôi đặc biệt thích nhân vật chàng Cười. Và chúng tôi đã trao giải Cánh Diều Vàng cho diễn viên Hiếu Hiền. Chúng tôi không có bất kỳ sự phân biệt nào..”. Theo NSND Bùi Đình Hạc, NSND Lê Khanh- một trong những thành viên ban giám khảo đã rất thích vai diễn của Tina Tình.
 
“Các thành viên Ban giám khảo rất thích phim… Long ruồi”
Hiếu Hiền xứng đáng với giải thưởng. Anh đã có một vai chàng Cười ấn tượng.

Đạo diễn Bùi Đình Hạc lý giải thêm về tính dân tộc trong phim Long ruồi, “Một người nông dân hiền lành, chất phác, dù trở thành đại ca của xã hội đen vẫn giữ được bản chất tốt đẹp, nhân hậu. BGK đặc biệt thích kết thúc của phim Long ruồi”.

Dành nhiều tình cảm cho bộ phim Long ruồi, nhưng cái tên BGK chọn để trao Cánh Diều Vàng là Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười). Đây có thể xem là một giải pháp an toàn của BGK.
 
“Các thành viên Ban giám khảo rất thích phim… Long ruồi”
Đoàn làm phim Mùi cỏ cháy ăn mừng chiến thắng

Trước thềm trao giải Cánh Diều Vàng, đã có nhiều ý kiến cho rằng BGK năm nay quá… “già”. Và rằng, với ban giám khảo “già” như thế, giải Cánh Diều Vàng dành cho phim Mùi cỏ cháy là điều đã được dự đoán trước. Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Xuân Hải- chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết “Tôi nghĩ, điều quan trọng không phải ở tuổi tác, quan trọng nhất là chúng tôi mời những người có chuyên môn, có tài năng, và có sự công tâm để ngồi vào vị trí giám khảo”.

Bộ phim Mùi cỏ cháy tái hiện lại cuộc chiến đấu khốc liệt tại chiến trường Quảng Trị năm 1971. Bốn chàng trai trẻ Hoàng- Thành- Thăng- Long, bốn sinh viên khoa văn đại học Tổng hợp đã lên đường nhập ngũ khi tuổi đời còn phơi phới, còn thích chơi dế, chơi ve. Họ đã chiến đấu bằng cả tuổi trẻ phơi phới ấy và hy sinh anh dũng…
 
“Các thành viên Ban giám khảo rất thích phim… Long ruồi”
Bốn diễn viên chính của phim Mùi cỏ cháy.
 
 
Mùi cỏ cháy có một kịch bản xúc động. Giải thưởng kịch bản dành cho nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là xứng đáng. Với câu chuyện của mình, Hoàng Nhuận Cầm đã tái hiện lại một thời tuổi trẻ đầy lý tưởng sống, về thời khắc chiến tranh khốc liệt, về sự hy sinh anh dũng kiên cường… Mùi cỏ cháy có một kịch bản hay, một câu chuyện hay, một đề tài hay, tuy nhiên, nếu xét về ngôn ngữ điện ảnh, về tài năng của đạo diễn lại gần như không có gì để bàn luận…!

 
 
Bài và ảnh: H.H
Dòng sự kiện: Cánh Diều Vàng năm 2012