Ca sĩ Tấn Minh: Huyền ngoài đời không giống “Thị Màu”
Đó là tâm sự của chàng ca sỹ luôn hát những bản ballad ngọt ngào, Tấn Minh khi được hỏi về vợ anh, diễn viên chèo nổi tiếng, Thu Huyền.
Khi nghe tin anh cưới Huyền “chèo”, người đặc biệt thành công với vai diễn Thị Màu trên sân khấu Hà Nội, cô gái từng hai lần ứng cử vào Quốc hội, thì ngay cả bạn bè trong giới cũng phải giật mình. Một sôi nổi, một trầm tĩnh, cuộc sống của họ đan chéo vào nhau, tạo thành một hạnh phúc.
Tấn Minh tự lập sớm. Bước vào tuổi 15, bố anh mất, Minh buộc mình phải lựa chọn một cuộc sống riêng. Anh một mình khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội học sơ cấp thanh nhạc tại Nhạc viện. Rồi cũng từ tuổi 15 ấy, anh bắt đầu một hành trình đi lên, từng bước một, như một người chăm chỉ leo những bậc cầu thang dài.
Một cuộc sống không người thân bên cạnh. Một tuổi vị thành niên nhiều đêm bão lòng. Cậu thiếu niên này đã không cho phép mình lơ đãng, không có cả những xốc nổi của tuổi trẻ, không có sự điên loạn của những nghệ sĩ ưa phá bĩnh. Anh lập trình cho cuộc sống chặt chẽ và nghiêm túc. Thế nên với anh cái gì cũng... chậm.
Chậm mà chắc. Nổi cùng thời với Mỹ Linh, Trần Thu Hà, có thời điểm cứ nhắc đến Tấn Minh là người ta nhắc đến “Phượng hồng”, “Mối tình đầu”... Người nghệ sĩ thành công chính là khi họ được nhắc nhớ đến cùng với những sản phẩm nghệ thuật cụ thể. Tấn Minh là vậy, hữu xạ tự nhiên hương, xa lạ với công nghệ lăng xê và nhiều khi thu mình lại, ngại nói về bản thân mình.
Tốt nghiệp Thanh nhạc với số điểm tuyệt đối, về làm diễn viên Nhà hát ca múa Thăng Long, giờ làm phó đoàn nhạc nhẹ, mang theo hành trang là một số giải thưởng trong các kỳ liên hoan, các cuộc thi, những thứ mà có thể từ đó người ta sẽ tạo dựng cho mình danh tiếng.
Nhưng Minh thì không. Có lẽ anh và một số người cùng thời là lứa nghệ sĩ cuối cùng chịu chấp nhận khép mình trong biên chế của nhà hát, làm việc trong môi trường đầy rẫy khó khăn và bất cập của một cơ chế bao cấp trong một đoàn nghệ thuật Nhà nước.
Chấp nhận về một đoàn hát nghĩa là chấp nhận cả những thuận lợi và khó khăn cùng với nó. Mà các nghệ sĩ thường nhìn vào những khó khăn nhiều hơn. Họ ngại và sợ sự ù lì của các đoàn văn công Nhà nước, sợ khả năng của mình không được nhìn nhận và cơ hội kiếm tiền vì thế cũng qua đi mất.
Nếu không chùng chình với những kế hoạch mang tính hành chính, nếu không quá cẩn trọng trong từng bước đi, có thể anh đã thành công hơn nhiều, hình ảnh Tấn Minh cũng đã khác đi so với Tấn Minh hiện tại. Người ta sẽ không phải thấy hình ảnh Tấn Minh lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, hát những bài tình chậm buồn trên ti vi, một hình ảnh không hề xấu nhưng có chút gì hơi tẻ nhạt.
Nhưng nói với anh điều này có vẻ không cần thiết nữa, vì chính anh đã nhận ra rất rõ những điều đó và anh đã chấp nhận. Chấp nhận ở lại, yêu nhà hát của mình với cả những nhược điểm của nó, chấp nhận sống bình tĩnh với những show diễn vừa phải, cát xê không thể so với các ca sĩ ngôi sao đàn em mới nổi ngoài thị trường. “Nhưng tôi là một ca sĩ không thể thiếu trong những chương trình ca nhạc quan trọng” - anh nói.
Về điều này thì anh đúng. Bởi Tấn Minh là một giọng ca có độ an toàn cao trên sân khấu, kinh nghiệm cũng đủ dày để “cứu” một chương trình, đồng thời chữ tín trong nghề được “bảo lưu”. Nhưng tất nhiên, những chương trình quan trọng vốn chưa bao giờ nhiều...
Ngôi sao không scandal, trong giới không điều tiếng, đi lưu diễn chỉ biết tiêu thời gian vào giấc ngủ, nhiều người hay gọi Tấn Minh là thầy tu. Ngay cả Thu Huyền, người là bạn thân của anh trong suốt 10 năm trời cũng nhận xét như thế. Rồi một ngày đẹp trời, họ tuyên bố yêu nhau và chuẩn bị làm đám cưới, tất cả bạn bè trong giới, cả hai nhà hát của hai người đều xôn xao. Một sự kiện lạ.
Bởi họ thuộc mọi tính nết của nhau, hiểu cặn kẽ cả những mối tình cũ, là người tư vấn cho nhau xử lý những tình huống hờn giận và ghen tuông trong tình yêu, giờ lại... cưới nhau. Tôi hỏi anh, cưới “Thị Màu” làm vợ, anh có thấy lo không? Vì quản “Thị Màu” đâu có dễ? Tấn Minh cười, khi anh xem Huyền diễn “Thị Màu” trên sân khấu, thực sự anh sởn gai ốc. Vì thấy không có mối liên hệ nào với Huyền ở ngoài đời cả. Huyền ngoài đời hiền lành hơn, biết lắng nghe, biết chia sẻ và là một phụ nữ duyên dáng.
Huyền cũng nổi tiếng với 2 lần ứng cử vào Quốc hội, có thể gọi là mẫu phụ nữ nhiều tham vọng, anh có thấy gia đình sẽ không thực sự an toàn và anh sẽ phải hy sinh nhiều? Tấn Minh trầm ngâm trước câu hỏi này, vì anh không nhận thấy có điều gì khác biệt ở người bạn đời đã thuộc nhau đến từng tật xấu. Huyền có thể có tham vọng, nhưng anh tin vợ tuyệt đối, họ không ghen tuông, không bao giờ có cảnh giật máy điện thoại của “đối phương” để kiểm tra tin nhắn. Họ tạo ra những khoảng lặng của riêng mỗi người.
Tấn Minh yêu con và thường thích ở nhà chơi với con. Khi vợ đi lưu diễn anh sẵn sàng ở nhà chăm con với sự trợ giúp của mẹ vợ. “Gia đình là thế, phải biết hy sinh vì nhau”, Tấn Minh tâm sự. Thế nên, không có gì là lạ khi Nhà hát dựng vở mới, chỉ trong 20 ngày Huyền phải tập thuộc một vai chính để truyền hình trực tiếp, chị đã “đứng bên lề” đời sống gia đình, lẩm nhẩm tập thoại suốt ngày và suy nghĩ về vở diễn đến quên ăn quên ngủ; còn chồng chị, thần tượng của nhiều cô gái khác, cặm cụi thay tã cho con.
Thế còn những điều tiếng, những tin đồn về vợ anh? Một phụ nữ tài sắc và nổi tiếng sớm như Huyền chắc chắn không tránh khỏi. Những điều đó có khiến anh bận lòng? Tấn Minh cười, anh sống trong lòng giới nghệ sĩ Hà Nội, người ta thường nhìn thấy nhiều tật xấu của một vài nghệ sĩ, nhưng đa phần vẫn có những nguyên tắc riêng của những người làm nghề hát. Anh chấp nhận những điều tiếng ấy và họ lại xả stress cùng nhau bằng việc giễu nhại những tin đồn.
Theo Netmode/ANTG