Ca sĩ Ngọc Ánh rơi nước mắt khi kể về anh trai là liệt sĩ
(Dân trí) - “Đã 38 năm rồi, ba mẹ và gia đình vẫn chưa hết nỗi nhớ thương anh, chưa quên được hình ảnh của anh ngày còn đi học lớp 12 trường Tân Bình (Nguyễn Thượng Hiền bây giờ), hình ảnh một người con trai tuấn tú, khôi ngô, học giỏi, phong cách đậm màu lãng tử nhưng rất dễ thương, dễ mến…”, ca sĩ Ngọc Ánh chia sẻ ký ức về anh là liệt sĩ đã hy sinh khi vừa tròn 22 tuổi.
Trong ngày 27/7, kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, ca sĩ Ngọc Ánh bất ngờ chia sẻ hình ảnh đầy xúc động khi bố mẹ của chị tuổi đã cao, rưng rưng đến viếng mộ con trai ở nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Thủ Đức). Anh đã hy sinh trong chiến trường Tây Nam năm 1980, đến nay đã 38 năm nhưng nỗi nhớ thương cũng như niềm đau trong gia đình vẫn mãi chưa nguôi.
Trên trang cá nhân chị viết: “Cha mẹ bạc đầu khóc thương tiếc con trai chết trận quá trẻ! 38 năm khóc mãi, niềm thương nhớ vẫn không nguôi! Sáng nay, ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ 27/7, con Út đưa ba mẹ đến thăm mộ con trai, anh trai! Bé Xíu cũng lâu rồi mới lên viếng mộ cậu! Thương hoài, thương mãi! Biết bao giờ nguôi?”
Sau những chia sẻ trên trang cá nhân đầy xúc động, ca sĩ Ngọc Ánh đã tâm sự câu chuyện về anh trai là liệt sĩ của chị. Anh đã hy sinh cách đây 38 năm, những tình cảm về anh trai vẫn in đậm trong ký ức của chị và gia đình mãi cho đến hôm nay.
“Anh tên là Trương Văn Dũng, sinh năm 1958, là anh Ba trong gia đình 5 anh chị em. Tôi là con gái Út trong gia đình nên được anh thương yêu, cưng quý nhất nhà!
Sau năm 1975 anh sinh hoạt chi đoàn Thanh niên ở địa phương, anh phát huy tất cả năng khiếu đàn, hát và trình độ ngoại ngữ thông thạo Anh - Pháp để tham gia phong trào thanh niên tình nguyện và công tác tại phường.
Năm 1976, theo lệnh Tổng động viên của TPHCM, anh lên đường nhập ngũ lúc 18 tuổi. Anh sợ ba mẹ lo lắng, nên anh giấu ba mẹ đăng ký Nghĩa vụ quân sự, cả nhà chẳng ai hay biết. Ngày giao quân, mọi người ngỡ ngàng thấy anh trong hàng ngũ. Hai chị em mình khóc sướt mướt, chạy đến anh, anh nói: “Đừng khóc, đừng nói gì với mẹ, nếu mẹ hỏi thì nói anh đi 2 năm sẽ về”.
Thế là anh đi.
Thời gian đầu anh viết thư gửi về nhà hàng tháng, sau đó 2 năm anh có về phép thăm nhà một lần, trước khi chuyển quân qua biên giới Tây Nam. Nhưng hôm anh về lại không gặp được ba mẹ ở nhà, anh lấy vài thứ lặt vặt rồi đi.
Mấy tháng sau anh viết thư về từ Batambong, kể chuyện bom đạn giao tranh ác liệt, chuyện Khmer đỏ “cáp dùn” khắp nơi thấy ghê rợn, trong thư anh nói nhớ nhà, nhớ ba mẹ quá, nhớ các em và nhớ tuổi thơ sống trong gia đình mình. Gia đình cũng viết thư cho anh rất nhiều, mình cũng viết thư và hỏi ý kiến về vấn đề học hành và định hướng. Anh chính là người không cho tôi đi theo con đường nghệ thuật, tôi phải viết thư năn nỉ và thuyết phục mãi anh mới đồng ý cho làm ca sĩ.
Lâu dần, thư anh thưa đi, thư ít về nhà, cũng hơn 1 năm rưỡi không nhận được thư anh.
Gia đình lo lắng, ba mẹ sợ cuống cuồng nhưng không biết tìm kiếm hỏi thăm ai, giai đoạn những năm 1978-1979 chiến trường Tây Nam diễn ra vô cùng ác liệt, gia đình mất liên lạc với anh từ đó, trông ngóng tin tức của anh gửi thư đi không hồi âm. Không có thư về... Gia đình sốt ruột, ba mẹ lo lắng bồn chồn, mất ăn, mất ngủ.
Và rồi... tôi nhớ một ngày gần giữa năm 1980, có người đại diện đơn vị anh về báo tin anh hy sinh ở Siem Reap – Campuchia trong một chuyến công tác gỡ bom mìn (anh là lính Công Binh). Người này kể sau chuyến công tác này là anh sẽ được giải ngũ, nhưng Tiểu đội Công Binh của anh bị vướng vào bãi mìn do Khmer đỏ gài dày đặc, hy sinh hết cả 3 người. Riêng anh bị mảnh mìn cắt đứt nhượng chân, được cáng thương về trạm xá cách đó 10km, trên đường về bị phục kích hơn 6 tiếng đồng hồ, đồng đội đặt anh nằm trong bụi chờ hết phục kích mới cáng tiếp về trạm xá. Máu anh ra lênh láng, anh mất máu nhiều quá về đến trạm xá thì không có máu tiếp cho anh vì anh máu O. Thế là anh biết mình sẽ không còn cứu được nữa nên anh lấy 2 cây thuốc lá Samit chia đều cho anh em và trăn trối.
Với đồng đội mang ba lô, thư từ của anh về trao lại cho gia đình và xin lỗi ba mẹ giùm anh, vì từ ngày anh đi đến khi mất là 4 năm anh chưa hề gặp lại ba mẹ, xin lỗi các em vì chưa tròn trách nhiệm của người anh lớn.
Gia đình đau thương tang tóc một thời gian dài, ba mẹ suy sụp tinh thần, riêng mẹ tôi đau yếu, nằm bệnh viện triền miên 3 năm liên tục, mẹ khóc suốt không thôi, ba mẹ tiếc đứa con thông minh, lanh lẹ, học giỏi, đàn hay, hát hay, hiếu thảo, trách nhiệm và tình cảm sâu sắc!
Cứ mỗi năm anh có 2 ngày kỷ niệm là ngày Giỗ của anh (tính theo ngày trên giấy báo tử) và ngày lễ Thương binh Liệt sĩ 27/7 là mẹ lại khóc, cả nhà đau buồn, chỉ cúng mâm cơm nhỏ trong gia đình với những món ăn anh thích lúc sinh thời.
Anh được chôn ở Siem Reap 10 năm, sau đó mới được Thành phố bốc mộ về Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Thủ Đức). Khi được nghe thông báo danh sách có tên anh, cả nhà chạy đến nghĩa trang như là ngày đầu mới chôn anh! Ba mẹ lại đau đớn khi nhìn thấy mộ anh, nhưng cũng vui mừng vì đã được về gần nhà để gia đình đến thăm viếng.
Mẹ thường khóc thút thít vào những ngày Tết vì nhớ anh, nhìn những ổ bánh tổ (bánh nếp đường Quảng Nam) là mẹ nhớ anh quay quắt vì anh rất thích ăn bánh này. Mẹ đã để dành ổ bánh Tổ 2 tháng chờ anh về mà anh không về, chỉ có chiếc ba lô chiến trường rách mướp và giấy báo tử về thôi!
Đã 38 năm rồi, ba mẹ và gia đình vẫn chưa hết nỗi nhớ thương anh, chưa quên được hình ảnh của anh ngày còn đi học lớp 12 trường Tân Bình (Nguyễn Thượng Hiền bây giờ), hình ảnh một người con trai tuấn tú, khôi ngô, học giỏi, phong cách đậm màu lãng tử nhưng rất dễ thương, dễ mến, dễ gần!”
Khi chia sẻ lại câu chuyện về anh trai, ca sĩ Ngọc Ánh đã khóc rất nhiều vì xúc động. Chị còn chia sẻ thêm, người mang ba lô và giấy báo tử của anh trai về là ở cùng đơn vị với anh. Người này hiện đang sống tại Bình Dương, sau này còn được mẹ chị nhận làm con nuôi.
Băng Châu