Ca sĩ... lắm chiêu!

Ca sĩ đóng phim, đóng kịch, làm người mẫu, dẫn chương trình, thiết kế thời trang, mở shop, đóng quảng cáo và... gây scandal (!) ..Những công việc ấy cho cảm tưởng ca sĩ bây giờ thật đa năng! Sân khấu ca nhạc sẽ tưng bừng hơn khi ca sĩ đa nghệ như thế hay sẽ nhộn nhạo hơn khi ca sĩ lẫn lộn cái này với cái kia?

Năm ngoái, Quang Dũng đóng Lọ Lem hè phố, dư luận ồn ào ủng hộ, báo chí phỏng vấn tới tấp vì lúc đó Quang Dũng là ca sĩ ăn khách hàng đầu, dù chưa quay được cảnh phim nào mà người ta đã có cảm tưởng Quang Dũng là ngôi sao điện ảnh đến nơi. Thế rồi phim ra, những người trước giờ khen Quang Dũng đứt lưỡi và hào hứng xiết bao trước phong trào ca sĩ đi đóng phim giờ quay ngoắt sang chê tơi tả rồi rút ra kết luận là ca sĩ nên thận trọng khi đóng phim hay làm cái gì khác không thuộc sở trường của mình. Họ, những người khen chê thất thường ấy, đã thực thi đúng vai trò của những người vô can (và vô tâm).

Thất bại (về diễn xuất) của Quang Dũng trong bộ phim (bị cho là rất dở) Lọ Lem hè phố đã khiến nhiều ca sĩ phải chùn chân trong cơn hăng say chinh phục màn bạc, cũng như các nhà sản xuất phim đã thận trọng hơn khi tính chuyện kéo những hiệu ứng thành công của làng nhạc để "làm sang" cho màn ảnh và câu khách. Cũng vì phim này mà những người trước đây từng lãnh nhiệm vụ không công đi tuyên truyền cho những bộ phim còn chưa có... kịch bản như Hoạ mi tóc nâu, Hoạ mi hót trong mưa với vai chính cho các ca sĩ Mỹ Tâm, Hồng Nhung... bỗng trở nên tẽn tò chỉ vì cái tính nhanh nhảu đoảng của mình.

Câu chuyện ấy đã khiến nhiều người phải tỉnh táo hơn khi nhìn vào hay tính đến những cuộc "đá lộn sân" - cách nói thông dụng ở Sài Gòn. Bởi hầu hết những trường hợp ca sĩ nhảy sang đóng phim hay diễn viên nhào qua hát không xuất phát từ khả năng thực sự của mỗi người mà thường hoặc do dụng ý câu khách của nhà sản xuất, hoặc do diễn viên muốn kiếm thêm tiền bằng đi hát, và đôi khi cũng là tính háo thắng của một số ca sĩ đang ở đỉnh cao sự nghiệp ca hát muốn chứng tỏ mình làm gì cũng được.

Trên thế giới, những tấm gương "tày liếp" của những ngôi sao ca nhạc ham hố diễn xuất để sau đó bị chê tơi tả, mất cả fans ca nhạc, không hiếm. Mariah Carey đóng Glitters bị coi là bước lùi thảm hại về hình ảnh, người xem phim chẳng thấy nhân vật đâu chỉ thấy lồ lộ một cô M.Carey lả lướt từ đầu đến cuối phim, kết luận: không biết diễn. Britney Spears đóng Crossroads cũng vậy hay Madonna dù được Quả cầu Vàng nhờ diễn xuất trong phim Evita thì những người khó tính vẫn cho rằng khả năng diễn xuất điện ảnh của cô rất hạn chế, bởi người ta ít thấy bà Eve Peron và chỉ thấy rõ ràng trước mắt mình là cô Madonna thôi, khác hẳn sự hoá thân tài tình trong ca hát.

Trường hợp diễn viên chuyển sang đi hát cũng vậy. Kate Winslet hát rất hay, phát hành cả single; Nicole Kidman, Ewan McGregor hát như những ca sĩ chuyên nghiệp trong phim Moulin Rouge... nhưng họ vẫn biết lãnh địa của mình đang ở đâu chứ không ham hố thấy hát được một lần là nhảy sang kiêm luôn nhiệm vụ ca sĩ. Các diễn viên đã lọt vào đến Hollywood là luôn sẵn sàng tinh thần trở thành ca sĩ khi cần thiết, khi họ được mời đóng phim ca nhạc. Lúc đó thì lo mà đi học hát một cách tử tế. Nhờ học hành đàng hoàng mà Renee Zellweger vốn giọng rất "quê" đã hát nhạc swing và jazz điêu luyện trong phim Chicago, hay Gerard Butler vốn trước chỉ dám hát ở... karaoke đã vụt toả sáng với vai diễn Phantom trong phim The phantom of the opera, hát liên tục, toàn những bài khó với ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp.

Còn ham vui thì sẽ có lúc ê chề như cô diễn viên đang lên như diều Keira Knightley (phim Bend it like Beckham, The Pirates of Caribbean, King Arthur...) bị phán một câu: "Cô hát dở quá, tóm lại là cô không biết hát" khi đi thử vai nữ chính cho phim The Phantom of the opera. Cuối cùng vai diễn ấy thuộc về Emmy Rossum, cô gái được học opera từ khi 7 tuổi, đã đóng 20 vở opera nhưng nay bỏ nghề hát đi làm diễn viên. Nếu, ở Việt Nam, cố Emmy ấy thế nào cũng bị mắng là... dại, hát kiếm tiền nhiều tự nhiên bỏ đi đóng phim. Nhưng ở Tây là vậy, có thể hát rất hay nhưng không bao giờ đi làm ca sĩ mà làm diễn viên kịch đến hết đời. Tính chuyên nghiệp cao cũng thể hiện một phần ở sự gắn bó với môn nghệ thuật mình yêu thích và có sở trường thực sự.

Quay trở lại Việt Nam. Chính tính nghiệp dư, cả trong khả năng của nghệ sĩ lẫn thói quen thưởng thức của khán giả đã khiến những cuộc đá lộn sân của một số ca sĩ thất bại. Ca sĩ chỉ được coi thành công khi đóng phim nếu họ làm khán giả quên đi mình là ca sĩ mà chỉ thấy nhân vật của mình thôi. Quang Dũng chưa làm được điều ấy, lại còn phải chịu áp lực của khán giả (và báo chí) tại sao không hát bài tủ của mình trong phim (người ta gợi ý bài Vì đó là em). Đã không hoá thân được vào nhân vật, lại còn hát bài hát làm nên tên tuổi ca sĩ thì khác gì thú nhận tôi chính là anh ca sĩ ngoài đời nhảy thẳng vào phim đây, chẳng có vai diễn nào cả, chẳng diễn xuất gì hết. Tính nghiệp dư là thế.

Hay gần đây, người xem truyền hình TPHCM thỉnh thoảng lại giật mình khi thấy cặp ca sĩ dẫn game show Hát với ngôi sao (Nguyên Vũ và Yến Trang) thỉnh thoảng lại chỉ tay vào mặt mình (và mặt người chơi) rồi vừa hét lên vừa cười ha hả, cứ như ở một sân khấu ca nhạc bình dân. Sự lẫn lộn vai trò nằm ở đó, game show truyền hình bị đánh đồng với một sàn diễn chợ hàng đêm của ca sĩ.

Một số ít ca sĩ lại thành công ở sân khấu kịch. Những vai diễn của Minh Thuận, Tuấn Hưng, ngày trước được khen nhiều do hoá thân tốt. Do sân khấu kịch với sân khấu ca nhạc có sự gần gũi hơn chăng? Nhưng có lẽ khi diễn kịch, ca sĩ được gần với hình thức biểu diễn sân khấu của mình nhất, cộng với năng khiếu diễn xuất thực sự và nhất là không bị ám ảnh bởi viễn cảnh trở thành một siêu sao màn bạc nên họ vào vai "ngọt" hơn, và nhờ đó thành công được ghi nhận, dù thành công ấy thường không tạo tiếng vang ồn ào như khi đóng phim hay làm MC trên truyền hình.

"Chiêu" của ca sĩ còn nhiều, và những gì khán giả - theo thói quen thường thấy - muốn ở họ thì còn nhiều hơn. Chừng nào tư tưởng đã cao thì phải đi làm người mẫu, đã đẹp phải đi đóng phim, đóng phim rồi phải tranh thủ đi hát kiếm tiền ..v.v.. còn ngự trị thì ngày đó vẫn còn những cuộc "đá lộn sân" thất bại. Công nghệ giải trí vừa muốn tranh thủ sự nổi tiếng các sao lĩnh vực này nọ nhảy lẫn sang nhau, nhưng nó lại đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao độ, trước hết nghệ sĩ phải biết sở trường của mình ở đâu để theo cái gì thì theo cho trót, còn muốn nhảy ngang thì hãy xem các ngôi sao Hollywood mà... học đã!

 Theo Giaidieuxanh