Bún lá làng Quỳnh
(Dân trí) - Nghề làm bún lá ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu - Nghệ An ) có từ lâu đời nhưng không ai còn nhớ rõ có từ bao giờ, những người già trong làng chỉ nhớ ang áng khoảng từ 300 đến 400 năm.
Chiếc bún lá làng Quỳnh vẫn là sợi bún trắng, dẻo, mềm, chua thanh nhưng được người dân địa phương khéo vấn thành những chiếc lá tròn trắng mỏng.
Bún lá làng Quỳnh ngày nay còn giữ được khoảng 60% truyền thống, từ khâu chế biến đến mùi vị, mẫu mã đã được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bún có thể để tới hai ngày vẫn dùng được, đó là điều không thể đối với bún làm bằng máy.
Bún lá làng Quỳnh có mặt trong ngày lễ, ngày tết, trong những nhà hàng sang trọng, lại không thể thiếu được trong các chợ quê như chợ Giát, chợ Ngò, chợ Quỳnh Tiến, Quỳnh Bảng, Quỳnh Long …
Người sành ăn dù là người địa phương hay người đi xa về tìm mua bún lá làng Quỳnh để thưởng thức như một thói quen không thể thiếu, dù ngày nay có nhiều thứ để lựa chọn như bún máy, bánh mướt, bánh lá…
Bún lá vừa ăn không quá to cũng không quá nhỏ, không quá mỏng cũng không quá dày, sợi bún nhỏ vừa dẻo lại vừa mềm. Có thể bỏ gọn gàng trên đĩa và dùng nó rất tiện lợi nhưng không kém phần lịch sự và trang nhã. Bún lá làng Quỳnh ăn kèm với cá rán hoặc mắm tôm, đặc biệt là ăn với cá trích rán thì tuyệt ngon.
Một miếng bún nhỏ thêm một chút cá, vài ba cộng giá cuộn tròn trong chiếc lá sung xanh ngon, chấm một chút ruốc. Tất cả hương và vị chua, cay, mặn, ngọt ... quyện lại rồi tan ra trên đầu lưỡi. Một ngụm bia lạnh cho mùa hè vơi nóng hay một chút rượu nồng nhấp môi cho mùa đông bớt lạnh. “Bún cá giá ruốc” cũng vì thế mà người làng Quỳnh nào khi đi xa cũng nhớ!
Xuyến Chi - Khánh Hồng