1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bốn “sao” nữ của dòng nhạc dân ca trữ tình Việt Nam

(Dân trí) - Mặc cho sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thể loại âm nhạc hiện đại hay ảnh hưởng từ trào lưu phát triển của thế giới, dòng nhạc dân ca trữ tình Việt Nam vẫn có một chỗ đứng và sức sống bền bỉ trong lòng công chúng.

Sức sống bền bỉ và mãnh liệt ấy đã được minh chứng qua việc tồn tại lâu dài của các ca khúc dân ca trữ tình Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ. Sự gần gũi và mộc mạc trong ca từ, giai điệu là yếu tố đã góp phần chạm đến cảm xúc của khán giả qua nhiều thế hệ. Tất nhiên, sẽ không thể thiếu một phần rất lớn sự đóng góp của những tiếng hát ngọt ngào từ các ca sĩ, những người đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc duy trì và gìn giữ dòng nhạc trữ tình dân ca. Hãy cùng điểm qua 4 nữ ngôi sao sáng đại diện cho 4 thế hệ tiếp nối của dòng nhạc này:

Hương Lan

Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật khi có cha là nghệ sĩ Hữu Phước dìu dắt, từ lúc mới 5 tuổi, Hương Lan đã bắt đầu làm quen với ánh đèn sân khấu. Tuy nhiên, thời điểm này do ảnh hưởng thể loại nhạc cổ của cha mình, Hương Lan chỉ hát cải lương và xuất hiện với vai một vai nhỏ trong vở Thiếu phụ Nam Xương.

Bước ngoặt mới mở ra cho con đường tân nhạc mà cụ thể là dân ca trữ tình bắt đầu từ lúc Hương Lan được 10 tuổi. Ca khúc Ai ra xứ Huế đã giúp cho cô ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng mộ điệu lúc bấy giờ.Thậm chí, công chúng và báo chí thời điểm đó còn đặt cho cô biệt danh “thần đồng”.

Bốn nữ ngôi sao sáng của dòng nhạc dân ca trữ tình Việt Nam

Trải qua năm tháng với những thay đổi của cuộc sống, Hương Lan sang nước ngoài định cư một thời gian nhưng những ca khúc mà cô trình bày vẫn được khán giả trong nước yêu thích. Những năm sau giải phóng, băng đĩa nhạc với các ca khúc trữ tình cùng tiếng hát của Hương Lan hầu như hiện diện khắp nơi trong đời sống âm nhạc của người Việt.

Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng tiếng hát của Hương Lan vẫn ngọt ngào và đầy cảm xúc như ngày nào. Ngoài những nhạc khúc trữ tình thì những bài mang âm hưởng dân ca của cô luôn chiếm được tình cảm của người nghe qua nhiều thế hệ. Với tâm huyết của một người con xa xứ trở về đất Việt, Hương Lan luôn mong muốn phục vụ nghệ thuật suốt cả cuộc đời mình. Đó cũng là lý do mà liveshow “Ơn đời một khúc dân ca” cách đây 5 năm đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả.

Cẩm Ly

Bắt đầu bước vào con đường ca hát bằng thể loại nhạc trẻ khi cùng cô em gái Minh Tuyết tham gia một cuộc thi cách đây 20 năm, không ít người thán phục trước sự thành công của Cẩm Ly ở dòng nhạc dân ca trữ tình. Đi lên từ các ca khúc nhạc trẻ từng để lại dấu ấn trong lòng khán giả như Bờ bến lạ, Người về cuối phố, Nếu phôi pha ngày mai…Nhưng có thể nói, số ca khúc trữ tình dân ca mà Cẩm Ly đã thu âm và trình diễn tính đến thời điểm này đã hoàn toàn vượt mặt các ca khúc nhạc trẻ của chị.

Thời gian đầu khi mới thử sức với dòng nhạc dân ca trữ tình, Cẩm Ly cho biết cô khá hồi hộp không biết có nhận được sự ủng hộ của khán giả hay không. Mặc dù, dòng nhạc này lại chính là đam mê và sở trường mà chị yêu thích. Thời gian đầu thử nghiệm, Cẩm Ly vẫn phát triển song song các tình khúc nhạc trẻ và âm hưởng dân ca, trữ tình. Nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca do chính ông xã chị là nhạc sĩ Minh Vy sáng tác cũng góp phần tạo thêm dấu ấn cho tiếng hát Cẩm Ly với dòng nhạc này.

Bốn nữ ngôi sao sáng của dòng nhạc dân ca trữ tình Việt Nam

Sau khi nhận được tín hiệu tốt từ sự phản hồi của khán giả, Cẩm Ly bắt đầu tập trung mạnh mẽ cho dòng nhạc yêu thích của mình. Hàng loạt các album dân ca trữ tình được phát hành và nhận được rất nhiều sự yêu mến của công chúng. Không chỉ vậy, các liveshow riêng được tổ chức với thương hiệu “Tự tình quê hương” cũng đã giúp cái tên Cẩm Ly khẳng định mạnh mẽ tên tuổi của mình trên con đường mà chị đã chọn.

Sau hơn 10 năm gắn bó với dòng nhạc trữ tình dân ca, để chiều lòng và đáp ứng sự mong đợi của một số khán giả, Cẩm Ly đã quyết định tái ngộ với dòng nhạc trẻ qua một số ca khúc mới. Tuy vậy, thương hiệu mà chị đã tạo dựng với dòng nhạc trữ tình dân ca có lẽ sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng người hâm mộ. Nữ danh ca Hương Lan cũng từng ưu ái khi nói về đàn em của mình rằng, có thể nói Cẩm Ly xứng đáng là một “Nữ hoàng dân ca” của thế hệ mới ở Việt Nam.

Lệ Quyên

Tương tự với đàn chị Cẩm Ly, xuất phát điểm của Lệ Quyên cũng là dòng nhạc trẻ. Từ khi còn là sinh viên ở Hà Nội, Lệ Quyên đã bắt đầu bước vào con đường ca hát nhưng chưa gặt hái được nhiều thành công. Cho đến khi album Giấc mơ có thật được ra mắt thì tiếng hát của Lệ Quyên mới thật sự đến gần hơn với khán giả cả nước.

Tuy nhiên, sau thành công bước đầu với album này, Lệ Quyên lại vắng bóng một thời gian ngoại trừ một số sản phẩm âm nhạc hợp tác chung với các ca sĩ nam. Năm 2010, một bước ngoặt có thể gọi là vô cùng quan trọng góp phần thay đổi con đường âm nhạc của Lệ Quyên khi cô phát hành album Nhạc xưa. Với chất giọng trầm ấm đặc biệt và nồng nàn cảm xúc, những nhạc khúc trữ tình do cô trình bày đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả.

Bốn nữ ngôi sao sáng của dòng nhạc dân ca trữ tình Việt Nam

Không bỏ qua cơ hội mới này, Lệ Quyên tiếp tục cho ra mắt các album nhạc xưa tiếp theo và thành công mà cô nhận được có lẽ đã vượt qua sự mong đợi của chính bản thân mình. Kể từ thời điểm đó, khán giả luôn đặc biệt yêu thích Lệ Quyên qua các ca khúc trữ tình hay âm hưởng dân ca.

Cũng nhờ vào thành công này mà Lệ Quyên đã trở thành một trong những ca sĩ đắt show ở hải ngoại với thể loại nhạc trữ tình dân ca. Có thể nói, Lệ Quyên là một trong những nữ ca sĩ trẻ hiếm hoi từ Hà Nội Nam tiến thành công với dòng nhạc này.

Phương Mỹ Chi

Chính thức bước lên sân khấu lớn của Giọng hát Việt nhí vào năm 2013, cái tên Phương Mỹ Chi lập tức tạo nên “làn sóng” hâm mộ với ca khúc Quê em mùa nước lũ mà cô bé đã thể hiện ở vòng Giấu mặt. Chỉ mới 10 tuổi và phong cách biểu diễn trên sân khấu thời điểm đó còn khá rụt rè nhưng tiếng hát của Phương Mỹ Chi lại dễ dàng chiếm được cảm tình của người nghe nhờ sự ngọt ngào và da diết.

Kết thúc Giọng hát Việt nhí với ngôi vị á quân nhưng có thể nói, Phương Mỹ Chi là thí sinh thành công nhất sau khi bước ra từ cuộc thi này. Có thể sức nóng không còn như thời điểm cuộc thi diễn ra nhưng Phương Mỹ Chi vẫn đang có được một lượng fan không nhỏ cho riêng mình.

Trong suốt hành trình tham gia

Trong suốt hành trình tham gia Giọng hát Việt nhí, các ca khúc dân ca trữ tình luôn là dòng nhạc mà Phương Mỹ Chi trung thành lựa chọn. Mặc cho những ý kiến trái chiều bình luận về sự nhàm chán của cô bé nếu như không làm mới mình, Phương Mỹ Chi vẫn kiên tâm lựa chọn dòng nhạc này và ít nhiều cô bé cũng đã thành công.

Cho đến nay, khi mùa thứ hai của Giọng hát Việt nhí đã đi được nửa chặng đường, Phương Mỹ Chi vẫn là cái tên thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Ca khúc Quê em mùa nước lũ từng giúp cô bé để lại dấu ấn mạnh mẽ trên sân khấu Giọng hát Việt nhí giờ đây tiếp tục giúp cô bé tỏa sáng trên sân khấu Bài hát yêu thích và đang tiến gần đến cơ hội giành được giải thưởng 1 tỷ. Với những gì đang có, cùng với sự đầu tư lâu dài nghiêm túc của những người quản lý, Phương Mỹ Chi đang được kỳ vọng sẽ là thế hệ tiếp nối thành công của dòng nhạc trữ tình dân ca Việt Nam.


Dân Phước