1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bia cổ ngoài vùng di tích "kêu cứu"

(Dân trí)– Bia Dẫn Khiêm Sơn (thuộc quần thể lăng vua Tự Đức, phường Thủy Xuân, TP Huế) trong thời gian qua do nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ I,II,III theo quy hoạch mới nên đã chịu không ít lần “thấp thỏm” bị xóa sổ.

Câu chuyện từ 1 tấm bia

Cùng với 6 tấm bia khác mang nhiệm vụ “định mốc” xung quanh khu vực lăng Tự Đức với diện tích 400ha, Dẫn Khiêm Sơn có vai trò quan trọng xưa kia khi vua đã chủ ý đặt bia để giới hạn không gian của khu lăng mộ rộng lớn của mình. Đến năm 1990-1991, khi lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ lăng Tự Đức thành 3 khu vực, trong đó khu vực 3 là xa nhất với nhiệm vụ là “vùng đệm”, thì tấm bia này đã nằm ngoài diện tích bảo vệ mới của Nhà nước.

Theo TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), việc quy hoạch vùng bảo vệ lăng vua hiện tại có diện tích chưa đầy 100ha, vô tình đã để sót những dấu tích lăng vua ra ngoài, trong đó có bia Dẫn Khiêm Sơn và một số hiện vật cổ khác. Điều này cũng phù hợp với tình hình dân cư ngày càng bùng nổ, cư dân xung quanh đến Thủy Xuân mua đất, làm nhà ngày càng nhiều. Nếu khoanh vùng bảo vệ với diện tích như cũ là 400ha thì sẽ không đúng với xu thế phát triển.

Cách đây 2 năm, khi gia đình ông Châu Văn Dụng và bà Trương Thị Hoa Lan cắt đất bán cho một số người, số phận của tấm bia Dẫn Khiêm Sơn (nằm trên đất ông Dụng thuộc tổ 7 phường Thủy Xuân) đã được báo động là đáng quan ngại khi không biết chủ đất mới có san ủi hay đập tấm bia này để xây nhà hay không.

Tấm bia Dẫn Khiêm Sơn nằm thấp thỏm với chỉ còn một ít đất bao quanh giữ bia
Tấm bia Dẫn Khiêm Sơn nằm "thấp thỏm" với chỉ còn một ít đất bao quanh giữ bia

Đại diện của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng có ý nên đưa tấm bia này về trong khuôn viên bảo tàng để gìn giữ được tốt hơn. Nhưng đã vấp phải sự phản đối là bia được đặt từ xưa ở khu đất này, mang ý nghĩa văn hóa-tâm linh rất lớn, cần được đặt vị trí cũ chứ không thể di dời. Vì vậy, Dẫn Khiêm Sơn vẫn được nằm lại nơi cũ.

Đến tháng 3/2013 này, lô đất được chủ mới mua là ông Nguyễn Văn Bình và Ngô Thị Hồng chuẩn bị làm móng, xây cất nhà thì tấm bia trên đã rơi vào tình cảnh đáng thương. Mô đất có bia ở trên chỉ còn thu hẹp lại khoảng vài mét vuông, nằm nhô lên mặt đất. Phía bên trái bia nhìn từ ngoài đường vào là nền đất được đào xuống để làm móng nhà ông Bình. Bia nằm trơ trọi và rất dễ bị đổ nếu có tác động của mưa lớn tác động vào mô đất từ phía dưới.

Tấm bia Dẫn Khiêm Sơn nằm thấp thỏm với chỉ còn một ít đất bao quanh giữ bia
Ngay cạnh sát tấm bia rất quan trọng thuộc quần thể lăng vua Tự Đức xưa kia, chuẩn bị có 1 ngôi nhà dựng lên

Trong ngày 25/3 mới đây, đoàn cán bộ của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã đến hiện trường xem xét, nhằm có một số ý kiến bảo vệ bia. Tuy nhiên, vì bia nay đã không còn nằm trong vùng di tích được khoanh vùng bảo vệ nên rất khó giải quyết vấn đề bảo vệ bia đá cổ.

Cần có cơ chế bảo vệ chặt chẽ các thành phần cấu thành di tích

Theo giấy phép xây dựng của Phòng Quản lý đô thị TP Huế cấp cho ông Bình, bia đá thể hiện nằm sát ngay lô đất của ông. Bên phải tấm bia cũng đã có 1 nhà đang ở. Nhìn chung, bia bị “kẹp” giữa 2 không gian nhà. Tuy nhiên, phần diện tích xây dựng nằm ở phía ngược lại của bia Dẫn Khiêm Sơn nên may mắn là bia đã không bị che khuất.

Giấy phép xây dựng lô đất mới của ông Bình nằm sát liền bia đá
Giấy phép xây dựng lô đất mới của ông Bình nằm sát liền bia đá

Ông Đồng Sĩ Toàn, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho hay, Luật Di sản đã được phường phổ biến đến mọi người dân, nên việc không xâm hại những tấm bia như Dẫn Khiêm Sơn đã in sâu trong lòng mỗi người. Vì trước khi có người ở, thì di tích đã có trước. Tuy nhiên, về việc cần có một khoảng diện tích đủ rộng và an toàn, tránh sự tác động của các công trình nhà ở lên các tấm bia thì đến nay phường chưa nhận được một văn bản nào hướng dẫn đưa xuống từ ngành di tích.

Vì vậy, khi làm công tác tham mưu, đo đạc cùng với Phòng Quản lý đô thị TP Huế, việc chừa ra một phần diện tích đủ cho sự tồn tại của bia đá là có, nhưng nếu cần khoảng không rộng hơn thì phường không thể vì lấn vào đất đã cấp sổ của dân.

Bia nằm trên gò đất rất chênh vênh, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào
Bia nằm trên gò đất rất chênh vênh, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào

Phía ông Phan Thanh Hải, GĐ TTBTDTCĐ Huế có quan điểm: “Đáng lẽ khi phòng quản lý đô thị và phường phối hợp để cấp giấy phép xây dựng trên khoảnh đất có tấm bia đá Dẫn Khiêm, nên phải liên hệ cơ quan chuyên môn là Trung tâm chúng tôi để có kế hoạch bảo vệ tốt hơn. Chứ làm nhà mà quá sát bia thì rất ảnh hưởng. Chưa kể là phần đất có bia ở trên rất chênh vênh, có thể bia sẽ đổ sập, hư hại bất cứ lúc nào nếu khi mưa to xuống”.

“Đây cũng là một hướng bảo vệ các yếu tố phụ cấu thành di tích mà sau này chúng tôi sẽ trình lên UNESCO. Rằng bên cạnh vùng “cứng” được khoanh bảo vệ của mỗi di tích, tất cả các yếu tố nguyên thủy còn lại có liên quan đến quá trình hình thành di tích đó như con nước, núi đồi, bia đá…  nên cần được xem xét bảo vệ một cách tốt hơn.

Ví dụ như ở bia đá này, nên có một khoảng cách tối thiểu từ tâm bia ra 4 hướng xung quanh là 5 mét, trong phạm vi 5 mét thì không có công trình nào được ảnh hưởng tới bia. Cũng như ngọn núi làm tiền án lăng Khải Định, lúc xưa là thuộc lăng vua, nay thuộc lâm trường Tiền Phong quản lý. Người ta có thể trồng, khai thác cây nhưng không được chặt trụi cây. Vì thế sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tầm mỹ quan cũng như mặt môi trường che chắn các tác động của khí hậu xấu tác động đến khu vực lăng chính” – ông Hải cho ý kiến.

Bia nằm trên gò đất rất chênh vênh, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào
Nhà cửa bao bọc xung quanh tấm bia, vô tình đã làm giảm đi giá trị lịch sử một thời mà vua Tự Đức đã công nhận cho bia Dẫn Khiêm Sơn

Tiến sĩ Hải cho biết, sắp tới, Trung tâm sẽ cùng phối hợp với địa phương tìm cách tôn tạo gò đất có dựng bia cho chắc chắn hơn, và làm bảng chỉ dẫn ở tấm bia để cho du khách được biết nguồn gốc, lịch sử. Cũng như có kế hoạch cải tạo khu vực này tốt hơn, trong đó có thể tính đến làm nhà bia nhỏ để che nắng mưa cho tấm bia lịch sử này.


“Bia Dẫn Khiêm Sơn, là tấm bia nằm ở vị trí “tiền án” (vị trí đầu của lăng vua) trên đỉnh đồi Dẫn Khiêm (tên địa phương là đôộn Án), cách La thành bao quanh lăng vua chừng 700m về phía đông Nam. Bia cao 88cm, rộng 43,5cm, dày 12,5cm, đặt trê bệ đá Thanh cao 40cm. Trên 2 mặt bia khắc chữ Dẫn Khiêm Sơn. Tấm bia này cùng với 6 tấm bia khác là Lý Khiêm Sơn, Lao Khiêm Sơn, Đạo Khiêm Sơn, Long Khiêm Sơn, Cư Khiêm Sơn…. có giá trị đặc biệt đối với việc xác định các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ (hay còn gọi chung là phong thủy, xác định vị trí bao quanh lăng vua Tự Đức). Đặc biệt, bia Dẫn Khiêm Sơn cùng với Lý Khiêm Sơn làm vai trò “hậu chẩm” (phía sau lăng vua) là 2 tấm bia cực kỳ quan trọng tại khu vực lăng Tự Đức.

Từ tháng 3/2008, trong khi san ủi đất để làm nhà, dân địa phương đã xúc ủi đất đến tận chân bia Dẫn Khiêm Sơn. TTBTDTCĐ Huế đã phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn chặn. Hiện nay, phần chân bia đã được xây bệ chắn đất xung quanh để giữ cho bia không bị sụp đổ.

Các tấm bia Lý Khiêm Sơn, Lao Khiêm Sơn và Đạo Khiêm Sơn hiện nằm trong vườn nhà dân, xung quanh là nơi trồng trọt hoặc bị lau lách, cỏ dại che phủ, người dân đem đặt đầy bình vôi, ông Táo lên quanh đế bia, nhưng mức độ xâm hại không nghiêm trọng bằng khu vực của bia Dẫn Khiêm Sơn. Tuy nhiên các bia này cũng cần được bảo vệ chặt chẽ để giữ gìn tính toàn vẹn về mặt phong thủy của khu vực” – trích từ bài “Lăng Tự Đức – Thêm một số công trình phối thuộc cần được bảo vệ” của Phạm Thanh, Huỳnh Thị Anh Vân – TTBTDTCĐ Huế.












Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm