Bao giờ cho đến ngôi sao

Nhạc nhẹ Việt xưa nay không thiếu nhân tài, đặc biệt là nữ. Thời điểm hiện tại, những nữ ca sỹ trẻ giọng hát hay, ngoại hình ổn xuất hiện càng nhiều, như Lê Uyên Nhi, Hoàng Lê Vy, Như Ý, Hà Bảo Thu… chẳng hạn.

Có điều, đi hát đã lâu, rất nhiều trong số họ vẫn ở nguyên vị trí ca sỹ hạng 3, 4 như vậy dù bên cạnh khả năng tự thân, không phải họ không có cơ hội hay điều kiện tiến xa hơn. Tại sao vậy?

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ thuộc về lý do khách quan: giọng hát của họ giống với một ca sỹ ngôi sao nào đấy một cách tình cờ. Điển hình là một loạt Lê Uyên Nhi, Hoàng Lê Vy, Như Ý, Hà Bảo Thu đều có chất giọng vang khỏe, dày giống hệt… Mỹ Tâm. Rồi hàng hà sa số bản sao của Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam… Chẳng may có chất giọng giống ngôi sao, lập tức dẫn đến những liên tưởng, so sánh không đáng có từ báo giới, khán giả.

Vấn đề là lỡ giống rồi, đáng ra phải biết làm cách nào để cách hát và trang phục khác đi, đằng này, một số lại make-up, phục trang trên sân khấu chẳng khác ngôi sao là bao, hát lại càng giống, đến độ có chương trình, cô ca sỹ trẻ vừa xưất hiện, khán giả nhìn nhau bảo rằng sao hôm nay Mỹ Tâm… xấu và hát dở thế (!) Cứ núp bóng ngôi sao như vậy, hỏi làm sao họ trở thành “sao”?

Một số khác cố gắng làm cho khác đi, nhưng không tỏ ra có hiệu quả mấy, bởi tư duy hát, tư duy ăn mặc của họ vốn dĩ đã gần như vậy, hoặc nếu tạo được phong cách khác thì cũng thiếu sức hấp dẫn đến khán giả, và đây chính là nguyên nhân thứ hai khiến họ không thể nổi tiếng: không thiết lập được phong cách riêng thuyết phục. Một khi phong cách không tạo ấn tượng, dĩ nhiên họ sẽ là con số không tròn trĩnh trong mắt công chúng, và cho dù họ được lăng-xê nâng đỡ đến bao nhiêu, xuất hiện thường xuyên trong những phòng trà sang trọng, chương trình lớn cỡ nào, họ vẫn chỉ… dậm chân tại chỗ. Lê Uyên Nhi hay Hà Bảo Thu vật vã mấy năm trời, đến bây giờ, tên tuổi họ không những không nổi lên mà còn lặn đi đâu mất tăm là thí dụ rõ ràng.

Một trong những nguyên nhân chính nữa khiến con đường trở thành ngôi sao của họ ngày càng mờ mịt là bởi có vẻ họ không xác định rõ con đường riêng cho mình. Ca sỹ muốn vươn lên bắt buộc phải ra album. Ừ thì họ cũng có album đấy, nhưng âm nhạc dễ dãi và tẻ nhạt, không thể khẳng định cho họ một đẳng cấp mà họ có thể với tới nếu đầu tư nhiều công sức, nhiệt huyết và chất xám hơn. Dù là thời buổi của công nghệ lăng-xê, câu “hữu xạ tự nhiên hương” vẫn còn có ý nghĩa trong một mức độ nhất định, và “xạ” ở đây không chỉ là tài năng bẩm sinh mà còn là cái đầu biết suy nghĩ bên cạnh trái tim đam mê nghề. Nói thật nói thẳng, cóo vẻ ca sỹ trẻ ta đam mê vẫn đầy tràn đấy, nhưng cái đầu biết suy nghĩ thì không phải ai cũng may mắn sở hữu được.

Mặt khác, dù có quyết tâm, nhiệt huyết, hầu như chẳng ai trong số họ nhận được (hoặc là không đủ tiền để mời được) sự hỗ trợ tích cực từ những nhân tố tài năng trong làng nhạc: nhạc sỹ, producer… như Mỹ Linh có Anh Quân, Huy Tuấn, Hồng Nhung có Dương Thụ, Quốc Trung, Thanh Lam với Lê Minh Sơn, Hồ Ngọc Hà – Đức Trí… Không có sự cộng tác của những tài năng, thiếu người dìu dắt, định hướng, dĩ nhiên tự thân họ sẽ khó mà vươn lên trong vô số ca sỹ trẻ cũng tài năng (bình bình) không kém.

Ngoài những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan trên, một lý do nữa cho sự bế tắc trong âm nhạc của nhiều ca sỹ trẻ là dường như họ chấp nhận vị trí hiện có một cách bình thản. Họ lao đầu đi hát, chạy show khắp các phòng trà vũ trường trong thành phố chỉ để lo cuộc mưu sinh mà không hề nghĩ đến một chiến lược lâu dài. Dần dà, khát vọng vươn lên bị dập tắt, họ hát những ca khúc hợp lòng khán giả, dễ dãi và mau quên. Và chính họ cũng bị mau quên như những bài ca họ hát.

Thế đấy, có chất giọng, có đam mê chưa phải đã đủ để trở thành ngôi sao. Còn rất nhiều yếu tố cần khác mà chỉ thiếu một thôi đã là trở ngại lớn. Và còn cả vận may nữa, nhưng điều này thì có lẽ sẽ phải bàn thêm trong một bài viết khác vậy.

 Theo Giaidieuxanh