Bạn trẻ Việt Nam trình diễn thời trang bền vững tại lễ hội Vương quốc Anh
(Dân trí) - 6 nhà thiết kế trẻ của Việt Nam có tác phẩm được trình diễn tại "Lễ hội Vương quốc Anh". Các thiết kế được đánh giá cao về tính sáng tạo và bền vững - xu hướng của thời trang quốc tế.
Màn trình diễn thời trang diễn ra tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào tối 10/9.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Lễ hội Vương quốc Anh" do Đại sứ quán Anh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh. Sự kiện năm nay mang chủ đề "Building for the future" (Dựng xây cho tương lai) tập trung vào mối quan hệ ngoại giao giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, giáo dục và phát triển bền vững.
Góp mặt trong buổi biểu diễn thời trang quốc tế này có những sản phẩm của 6 nhà thiết kế trẻ tốt nghiệp London College for Design & Fashion Hanoi (Học viện Thời trang London tại Hà Nội). Các thiết kế đề cao tính bền vững, đang là xu hướng của thời trang quốc tế.
Nhà thiết kế Vũ Tá Linh - Quán quân cuộc thi Thiết kế thời trang Châu Á Star Creation 2013; Giải nhất cuộc thi Designer by Viet Nam 2021.
Trong gần 10 năm sự nghiệp Vũ Tá Linh vẫn luôn trung thành theo đuổi thời trang bền vững với yếu tố thủ công, giảm tối đa sự tham gia của máy móc.
Các thiết kế trong bộ sưu tập (BST) có nhiều mẫu là quần áo cũ được tái chế, hoặc sử dụng chất liệu vải tự nhiên dễ phân hủy, cách xử lý vải cũng hạn chế rác thải như: nhuộm thực vật, xử lý vải bằng tay như xé, rút sợi, khâu tay…
Nhà thiết kế Lam Bùi là du học sinh London College of Fashion, Anh.
BST "Missed and remembered" của Lam Bùi sử dụng nhiều vải sợi tự nhiên dễ tái chế cùng phương pháp nhuộm thực vật hạn chế chất hóa học độc hại.
Để đảm bảo BST sử dụng những chất liệu thân thiện nhất với môi trường, Nhà thiết kế còn nhập thêm vải da dứa từ Tây Ban Nha. Vải da dứa (Pinatex) làm từ lá dứa có thể tự phân hủy và thay thế cho chất liệu da động vật. Theo ước tính, để tạo ra một mét vuông vải Pinatex, cần khoảng 480 lá dứa, chi phí sản xuất thấp hơn da động vật.
Nhà thiết kế Huệ Anh mang lên sàn diễn BST lấy cảm hứng từ Thị trấn Sapa và Trang phục dân tộc H'Mông Bộ sưu tập là sự kết hợp giữa trang phục dân tộc truyền thống và thời trang hiện đại.
Nguyên liệu chính là vải taffeta và quần áo được tái chế từ trang phục dân tộc. Nhà thiết kế muốn hướng đến những ai yêu thiên nhiên, tự do và tôn vinh vẻ đẹp của trang phục dân tộc.
Nhà thiết kế Huyền Phạm - nhà sáng lập thương hiệu thời trang L'allee - có những sản phẩm mang tiêu chí Thủ công - tinh xảo - dễ ứng dụng.
Huyền Phạm mang đến những thiết kế tinh tế trên nền chất liệu vải cao cấp có độ bền giúp duy trì tuổi thọ trang phục lâu dài, bám sát tiêu chí thời trang bền vững.
Nhà thiết kế Eshter Tram - nhà sáng lập thương hiệu thời trang Esther studio - mang đến BST phản ánh sự tự do cá nhân và biểu tượng cho tính cá nhân của mỗi người thông qua việc thể hiện sự đa dạng trong cấu trúc thiết kế.
Các mẫu blazer, quần tây, sơmi có sự tỉ mỉ trong kỹ thuật, phom dáng tối giản làm tăng khả năng kết hợp và tránh bị lỗi mốt, giúp kéo dài vòng đời cho sản phẩm.
Nhà thiết kế Tạ Thị Hương là tác giả của BST "Sắm vai". Đây là BST thấm đẫm màu sắc nghệ thuật dân gian của những vở hát bội. Đây là sự pha trộn giữa bản sắc văn hóa phương đông kết hợp với hơi thở của thời trang đương đại.
Xu hướng quần áo đa năng, không lỗi mốt được nhà thiết kế chú trọng trong BST.