1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

"Bản hùng ca phố" đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử

Lạc Thành

(Dân trí) - Trong chương trình, khi nghe lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng khiến nhiều khán giả rơi nước mắt vì xúc động.

Tối 10/10, tại Hoàng thành Thăng Long, nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình chính luận nghệ thuật mang tên Hà Nội - Bản hùng ca phố.

Chương trình gồm 3 chương: Trận địa trong thành phố9 năm rừng - lòng vẫn Thủ đôBài ca Hà Nội, đã đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, gặp gỡ những nhân chứng của 70 năm trước.

Những phóng sự chân thực trích dẫn trong chương trình được thực hiện chỉn chu, mang đến những góc nhìn thực tế, khách quan về cuộc kháng chiến hào hùng, anh dũng của cả dân tộc, từ đổ nát khốc liệt của chiến tranh đến ngày tiếp quản Hà Nội 10/10.

Bản hùng ca phố đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử - 1

NSƯT Phùng Đệ - Cựu liên lạc viên, Tự vệ Liên khu I, Trung đoàn Thủ đô - chia sẻ (Ảnh: chụp màn hình).

Trong sự kiện, NSƯT Phùng Đệ - Cựu liên lạc viên, Tự vệ Liên khu I, Trung đoàn Thủ đô - nhớ về kỷ niệm 2 tháng sống ở Hà Nội khi không có điện, không có nước và thiếu rau xanh nhưng ông và đồng đội vẫn bám trụ.

"Sau đó, chúng tôi được lệnh rút ra nhưng 4 phía bị bao vây, chúng tôi xin ở lại quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Thủ đô. Tết năm 1947, Bác Hồ có viết thư và hỏi: "Các chú ăn Tết có vui không?".

Bác còn nói: "Các em là những người tiêu biểu cho tinh thần tự tôn của dân tộc". Các chiến sĩ nghe thế thấy phấn khởi lắm", NSƯT Phùng Đệ kể lại.

Sau một tháng, vòng vây thu hẹp chỉ còn Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, Hàng Bè... Đến 5h chiều ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô có lệnh rút khỏi Hà Nội.

"Phải chia xa, ai cũng buồn vì tất cả muốn ở lại giữ gìn Hà Nội. Nhiều người đã khóc và viết "Hà Nội ơi, chúng tôi tạm xa nhé". Đại tướng nói đây là cuộc lui quân thần kỳ...", ông Phùng Đệ kể thêm.

Trung tá Nguyễn Văn Mãn - nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội 271, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - kể lại, vào cái đêm chuẩn bị bộ đội về tiếp quản Hà Nội vào ngày 9/10, ở các nhà, người dân không ngủ được mà phấn khởi, hào hứng, chờ bộ đội về.

"Hôm sau dân khóc, dân ra tận đường đón...", ông Mãn nói.

Bản hùng ca phố đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử - 2

Nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An xúc động khóc trong chương trình (Ảnh: Chụp màn hình).

Còn nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An xúc động khóc và nói: "Những thân phận bị nô lệ, áp bức bây giờ được giải phóng. Hà Nội vui hơn Tết, vui khủng khiếp...".

Đặc biệt, trong chương trình có màn tái hiện lễ chào cờ lịch sử chiều 10/10/1954. Chiều đó, hơn 20 vạn nhân dân thủ đô cùng hướng về Cột cờ thành Hà Nội, thực hiện lễ chào cờ đầu tiên của Thủ đô giải phóng.

Trong chương trình, khi nghe lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng khiến nhiều khán giả rơm rớm nước mắt vì xúc động.

Khi chia sẻ với MC Hồng Nhung, NSƯT Bùi An Ninh nói, khi bộ đội về tiếp quản Thủ đô, bà được đi theo mẹ, theo chị cầm giỏ hoa giấy tung lên đón các anh bộ đội về tiếp quản thành phố.

"Khi ấy, tôi mới 7 tuổi, vui lắm. Bố nói bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, chúng ta phải ăn mặc đẹp. Chúng tôi chạy đi, vừa đi vừa hát", bà kể lại.

Bản hùng ca phố đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử - 3

Ca sĩ Hồng Nhung (áo dài đỏ) hát trong chương trình (Ảnh: Hải Hưng).

Trong chương trình, nhiều ca khúc về Hà Nội vang lên như: Tiến quân ca (Tùng Dương), Tiến về Hà Nội (Tạ Quang Thắng), Sẽ về thủ đô (Đông Hùng), Hà Nội niềm tin và hi vọng (Vũ Thắng Lợi), Hà Nội những công trình (nhóm Oplus)…

Hồng Nhung gây ấn tượng với Nhớ về Hà NộiNồng nàn Hà Nội. Trọng Tấn và Đăng Dương cũng khiến không gian lắng đọng với Cảm xúc tháng mười.

Tiếng hát trong trẻo và hồn nhiên của tốp thiếu nhi Starlab và thiếu nhi Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội giúp chương trình tươi mới hơn khi thể hiện bài Em bé Hà Nội của Hoàng Vân.

Có thể nói, âm nhạc là mạch nối cảm xúc và xuyên suốt trong chương trình, tạo cảm giác cho khán giả như đang xem một bộ phim về lịch sử hào hùng, lắng đọng nhưng không kém phần lãng mạn.

Bản hùng ca phố đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử - 4

Hình ảnh đầy tự hào và xúc động trong "Hà Nội - Bản hùng ca phố" (Ảnh: Hải Hưng).

Chương trình còn để lại ấn tượng với khán giả bởi công nghệ trình chiếu 3D  mapping mới lạ, đầy sáng tạo.

Hình ảnh Hoàng thành Thăng Long, các dấu mốc lịch sử quan trọng, những hình ảnh biểu trưng của Hà Nội… đã được tái hiện siêu thực từ thính giác đến thị giác, đem lại trải nghiệm đặc biệt cho công chúng.