Ballet "Hồ thiên nga" tỏa sáng và đầy mê hoặc trên sân khấu
(Dân trí) - Tối 14/7, vở ballet kinh điển "Hồ thiên nga" đã được các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đưa lên sân khấu đầy lộng lẫy của Nhà hát Hồ Gươm, mang đến cho khán giả những ấn tượng khó quên.
Đây là chương trình biểu diễn do Nhà hát Hồ Gươm tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2024), 62 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2024).
Vở ballet Hồ thiên nga (âm nhạc Tchaikovsky) danh tiếng, được tôn thờ như một trong những biểu tượng về nghệ thuật biểu diễn trên thế giới, lần đầu tiên được trình diễn đầy đủ tại Việt Nam vào năm 1985, dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga.
Năm 2019, vở Hồ thiên nga do NSND Trần Ly Ly tổng đạo diễn, nghệ sĩ Lê Ngọc Văn biên đạo tiếp tục được VNOB đầu tư dàn dựng, ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát. Vở diễn đã gây "sốt vé" mỗi đêm biểu diễn và luôn được khán giả mong chờ.
Sau 5 năm, kiệt tác thế giới này tiếp tục được VNOB đưa trở lại với khán giả Việt Nam trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm cùng dàn nghệ sĩ tài năng như: NSƯT Phạm Thu Hằng, giải nhất tài năng múa Đức Hiếu, Lan Nhi, Lan Chi, Khánh Băng, Tuấn Anh… và nhiều nghệ sĩ khác trong Đoàn Vũ kịch của VNOB.
Hồ thiên nga lần này được NSƯT Lưu Thu Lan làm biên đạo dàn tập, được xây dựng mang nguyên bản của hai biên đạo múa người Nga Petipa và Ivanov.
NSƯT Lưu Thu Lan cho hay, những điệu múa uyển chuyển, đậm chất kỹ thuật nhưng đầy kịch tính của múa ballet cổ điển rất phù hợp với cách kể chuyện đơn giản nhưng hấp dẫn trong Hồ thiên nga.
Theo nữ nghệ sĩ biên đạo, với âm nhạc của Tchaikovsky và vũ đạo của Petipa và Ivanov, cho đến nay, chưa có vở ballet nào vượt qua được Hồ thiên nga về tầm ảnh hưởng nghệ thuật cũng như sự đồ sộ. Chính vì vậy, biên đạo Lưu Thu Lan đã quyết định lựa chọn dàn dựng nguyên bản mặc dù đây là thách thức lớn với ê-kíp thực hiện.
Tuy nhiên, có thể thấy vở ballet Hồ thiên nga trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm tối 14/7 vẫn có những điểm mới trong kỹ thuật, hậu kỳ. Và lần đầu vở ballet kinh điển này sử dụng hiệu ứng LED cho phần trang trí bối cảnh. Trang phục của các nghệ sĩ được thiết kế bởi đơn vị thiết kế trang phục ballet hàng đầu Nhật Bản, làm ra những bộ trang phục lộng lẫy lấy cảm hứng từ Hoàng gia Pháp.
Tất cả hòa quyện với không gian sang trọng của Nhà hát Hồ Gươm khiến cho khán giả bị lôi cuốn, mê hoặc trước một Hồ thiên nga tỏa sáng và đậm chất hoàng gia.
Ở đó, vở diễn như một khúc ca lãng mạn của tình yêu trong sáng, nơi cái thiện chiến thắng, dù có phải trải qua hi sinh và mất mát.
Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát với hơn 60 nhạc công, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn mang đến cho khán giả những giai điệu tuyệt vời của nhà soạn nhạc nổi tiếng P.I. Tchaikovsky.
Nói về quyết định đưa Hồ thiên nga trở lại với sân khấu, NSƯT Phan Mạnh Đức, Chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, cho biết: "Trong Hồ thiên nga, cái thiện và cái ác luôn song hành, tồn tại như bản ngã của con người, tựa như cuộc đấu tranh luôn hiện hữu trong đời sống xã hội.
Chỉ có tình yêu và lý tưởng sống cao đẹp mới là cánh cổng dẫn con người vượt qua nghịch cảnh, đến với tình yêu vĩnh cửu. Vì lẽ đó, Hồ Thiên Nga luôn được khán giả chào đón dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Việc đưa kiệt tác ballet này trở lại sàn diễn là để đáp ứng niềm mong mỏi được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả tại Việt Nam".
Là một trong những khán giả xem vở ballet Hồ thiên nga, TS.Trương Đức Cường - Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai - bày tỏ với phóng viên Dân trí sự thán phục và xúc động trước màn biểu diễn của các nghệ sĩ múa Việt Nam.
"Các nghệ sĩ của Việt Nam đã cho thấy tài năng của chúng ta không hề thua kém so với các nghệ sĩ trên thế giới. Với những bước chân uyển chuyển, mềm mại nhưng cũng đầy mạnh mẽ, các bạn đã mang đến cho khán giả một vở diễn ấn tượng và đặc sắc.
Không gian hoành tráng của Nhà hát Hồ Gươm hoàn toàn tương xứng cho một vở ballet kinh điển và đẳng cấp như Hồ thiên nga. Tôi hi vọng, sẽ có nhiều vở như thế này được biểu diễn ở các tỉnh thành trong cả nước, để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của thế giới".
Ballet Hồ thiên nga kể câu chuyện tình bất diệt của hoàng tử Siegfried và công chúa Odette. Vì phép thuật của phù thủy Rothbart, ban ngày, Odette bị biến thành thiên nga, bơi lội trên hồ nước mắt và trở lại hình dạng con người vào ban đêm.
Lời nguyền của Rothbart chỉ biến mất nếu Odette gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Tình yêu mật ngọt của Siegfried và Odette đã trải qua nhiều bi kịch, thử thách để cuối cùng hiện diện trong hình thức mới của "tình yêu vĩnh cửu"...