Áo dài dân tộc đặc sắc của thí sinh Hoa hậu dân tộc phía Nam
(Dân trí) - Với sự góp mặt của hơn 40 thí sinh dân tộc Kinh tại vòng bán kết phía Nam của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, dường như chiếc áo dài dân tộc đã có cơ hội để lên ngôi với rất nhiều sắc màu văn hoá đặc biệt.
Phần thi ứng xử diễn ra chiều ngày 29/5 để lại nhiều ấn tượng về sự mộc mạc, chân thành và nhiều nét văn hóa dân tộc phong phú. Đây cũng là cơ hội để các người đẹp chia sẻ về văn hóa dân tộc mình.
Thí sinh Ê đê, H’Tuyết Ayủn đến từ Đắk Lắk là sinh viên CĐ Văn hoá nghệ thuật Đắk Lắk, đã “khoe” về truyền thống mẫu hệ của dân tộc Ê đê: “Con cái trong nhà mang họ mẹ, người phụ nữ được coi trọng và có quyền bình đẳng trong gia đình”. H’Tuyết Ayủn tâm sự, nhờ truyền thống mẫu hệ, con gái Ê đê rất mạnh mẽ và độc lập, và cô rất tự hào mình là người con gái Ê đê, mang dòng họ của mẹ… Cũng là một người con gái Ê đê, thí sinh H’ Ăng Niê khiến nhiều người bị thuyết phục trước giọng ca khoẻ khoắn của cô trong điệu hát ru của dân tộc Ê đê.
Thoòng Cọoc Dinh (phải) và H' Ăng Niê từng dự thi và đoạt giải phụ tại cuộc thi Hoa hậu dân tộc 2011
Thí sinh Thoòng Cooc Dinh, dân tộc Hoa lại mang đến chiếc áo dài sườn sám của dân tộc mình, và mong muốn nét văn hoá của dân tộc Hoa cũng sẽ được tôn vinh trong cuộc thi cùng với nét văn hoá của các dân tộc anh em khác trong cả nước.
Tại vòng bán kết phía Nam, khán giả cũng gặp lại nhiều gương mặt quen tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 như: Thí sinh H’ Ăng Niê, dân tộc Ê đê, đã đạt danh hiệu Người có thân hình đẹp nhất của cuộc thi năm 201; thí sinh Thoong Coọc Dinh, dân tộc Hoa- người đã lọt vào top 16 của cuộc thi. Ngoài ra là hai thí sinh Kiều Thị Kim Oanh, dân tộc Chăm, SBD 33 và thí sinh Vũ Trần Triều Thu, dân tộc Kinh. Các thí sinh cho biết, mong muốn trở lại cuộc thi một lần nữa là để khẳng định mình, để mong muốn có những vị trí cao hơn trong cuộc thi khi đã có thời gian trau dồi thêm kinh nghiệm.
Nếu như các thí sinh dân tộc ít người thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc qua những giai điệu, lời chia sẻ về truyền thống mẫu hệ, trang phục đậm đà bản sắc thì với sự góp mặt của hơn 40 thí sinh dân tộc Kinh, tà áo dài dân tộc đã có cơ hội lên ngôi và tỏa sáng.
Lê Nguyễn Minh Hằng, dân tộc Kinh
Với Võ Thị Thuỳ Dung, đến từ tỉnh Khánh Hoà thì chiếc áo dài mà cô đang mặc gây xúc động cho BGK cũng như những người tham dự cuộc thi: Chiếc áo dài với hình ảnh nổi bật của quần đảo Trường Sa lớn, thể hiện chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam. “Ngay khi tham gia cuộc thi, em đã có ý tưởng sẽ mặc bộ áo dài mang dáng vóc, hình ảnh đất nước Việt Nam, vì thế em đã đặt may và thiết kế một bộ áo dài đặc biệt cho riêng mình. Cùng với bản đồ đất nước Việt Nam được đính đá cầu kỳ, hình hòn đảo Trường Sa lớn được vẽ nổi bật trên nền tà áo dài màu trắng…”, Thuỳ Dung tâm sự. Không chỉ duyên dáng với chiếc áo dài đặc biệt của mình, cô gái đến từ mảnh đất Khánh Hoà này còn thể hiện rất hay ca khúc Nha Trang- mùa thu lại về.
Thí sinh Trần Ngọc Nguyên Khánh đến từ tỉnh Lâm Đồng lại chọn chiếc áo dài cách điệu màu nâu khá hiện đại, khoe được vẻ duyên dáng và thanh thoát của cô gái đất cao nguyên này. Nguyên Khánh chia sẻ, cô muốn “khoe” vẻ đẹp của mảnh đất Đà Lạt - mảnh đất Hoa, bởi vậy chiếc áo dài của cô được vẽ hoạ tiết hoa sen khô, cũng như mang sắc màu của những đoá sen khô.
Hầu hết các thí sinh đều thể hiện sự tự hào của người con gái Việt khi được khoác lên mình chiếc áo dài rất nổi tiếng của Việt Nam, tượng trưng cho nét văn hoá dân tộc Việt.
Sau phần thi ứng xử chiều ngày 29/5, hôm nay, ngày 30/5, các thí sinh sẽ bước vào đêm bán kết chính thức của khu vực phía Nam.