Ám ảnh trăng quê trong tâm hồn người xa xứ
Đầu mùa hè năm nay, đọc tin trên mạng, được biết Công ty Phương Nam vừa phát hành CD “Trăng và Em” của jazzy Dạ Lam. Cái tên này làm tôi chợt nhớ tới người con gái đẹp cũng có cái tên Jazzy.
Đó là nickname của một cô gái đa tài, xưa thường tham gia Diễn đàn văn hóa nghệ thuật Avys của Hội Sinh viên thanh niên Việt Nam tại CHLB Đức.
Bấy giờ Nguyễn Thảo Hương, người có nickname ấy đang là sinh viên piano tu nghiệp tại Nhạc viện ở Muechen, một thành phố lớn thuộc Bayern, tiểu bang giàu mạnh nhất nằm ở phía nam CHLB Đức.
Dự cảm ấy không lầm. Vài tuần sau khi đọc tin trên, tôi nhận được email của Nguyễn Thảo Hương. Trong thư, cô báo tin đã phát hành băng CD đầu tiên tại quê nhà. Thì ra, bấy nay xa cách, bặt tin vì cô đã dành nhiều thời gian, tâm trí cho việc học tập và làm CD này.
Thảo Hương vẫn ở Muechen, bây giờ đã là một nghệ sỹ biểu diễn tự do - pianist & vocalist - chuyên cả piano và hát. “Thảo Hương lưu diễn đây đó ở châu Âu với nhiều nhóm âm nhạc của Đức, Áo, Ý... mỗi nhóm có một phong cách và thể loại khác nhau”. Thời gian còn lại, Thảo Hương là gia sư dạy piano và làm hòa âm tại phòng thu tư gia.
Nguyễn Thảo Hương là tên thật của Jazzy Dạ Lam, tác giả CD Trăng và Em do Công ty Phương Nam phát hành năm 2005 tại Việt Nam.
Cô là con của hai nghệ sỹ âm nhạc. Cha cô là Nguyễn Hải, nhạc công kèn cor của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (1). Mẹ cô là nhạc sỹ Trương Tuyết Mai nổi tiếng một thời với ca khúc: “Huế - Tình yêu của tôi”.
Được học nhạc từ khi 6 tuổi, Thảo Hương vượt qua nhiều kì thi và sang Nga học tại Viện Âm nhạc Gnesin Institut - Matxcơva. Nước Nga biến động, cô theo dòng người Việt trôi dạt sang Đức để rồi suốt 7 năm làm đủ nghề sinh sống trước khi được nhận vào học tiếp tại Đại học âm nhạc Muechen.
Tôi không thể ngờ được, cô gái duyên dáng, đằm thắm đầy nữ tính (đã có khi làm say nghiêng bao nhiêu người) lại có một quá khứ gian truân, rất giống nhiều người Việt khi tha hương, phải lần trải ở xứ người, mà vẫn yêu âm nhạc, giữ nguyên nét dịu hiền, khiêm nhường.
Nhất là khi cô ngồi bên đàn dương cầm, đàn và hát những ca khúc do cô sáng tác.
Năm nào ở Berlin, tại Nhà văn hóa Việt Nam của Đào Minh Quang, trước hơn bốn trăm thính giả, bao gồm những người lao động, anh chị em sinh viên tại Đức và cả các nghệ sỹ piano Việt Nam bậc thầy như Tôn Nữ Nguyệt Minh v.v…cô đã để lại cho khán giả đêm nhạc ấy nhiều cảm tình, ấn tượng tốt đẹp.
CD Trăng và Em bao gồm 10 ca khúc, là một phần chọn lọc trong gia tài âm nhạc bấy nay do Nguyễn Thảo Hương gom góp và tự thể hiện bằng giọng ca đầy truyền cảm. Mười ca khúc, đa số mang đậm phong cách nhạc jazz, là xâu chuỗi đa thanh khác biệt mang dụng tâm của nhạc sỹ; chủ đề bao hàm về những vẻ đẹp của tình yêu, thiên nhiên và con người, kể cả cái đẹp hình thể lẫn nội tâm.
Nhà văn Mai Ninh (Paris) nhận xét: “...mỗi ca khúc là một vùng âm thanh cá biệt’’. Sự không lặp lại của tác giả ở từng ca khúc trong một CD có tính tuyển chọn này, không chỉ làm người nghe không nhàm chán, mà nó còn khẳng định một quan niệm thẩm mỹ và tinh thần lao động nghệ thuật chuyên nghiệp, nghiêm túc sáng tạo khi công bố một ấn phẩm. Tính thống nhất của CD không chỉ ở phần hồn của Jazz, mà còn gắn kết của phần lời.
CD có bốn ca khúc do Dạ Lam tự viết lời, còn lại là phổ thơ của những người khác. Nếu tách riêng phần lời để đọc nó - những bài thơ và những bài như thơ - người khó tính sẽ phát hiện có ngôn từ cũ, thậm chí sáo và ảnh hưởng tứ thơ của vài thi sỹ đã quá nổi tiếng. Nhưng ca khúc đôi khi lại bỏ qua cho yếu tố này, nếu nhạc sỹ nắm được tinh thần của bài thơ, thổi vào nó sức sống, biến các từ ngữ trở nên lấp lánh.
Sự chọn lựa ca từ của “Trăng và Em” chứng tỏ Dạ Lam đã rất cẩn trọng, nhuần nhuyễn và mang lại hiệu ứng người nghe chấp nhận được. Nó khác hẳn cách làm ẩu tả, chạy theo thị hiếu, lời ca tầm thường và nghèo nàn mà báo chí nước nhà từng lên án.
Dạ Lam không giẫm chân vào nhiều ca khúc của những người khác, tác giả đã bứt khỏi những tình cảm nuối tiếc dĩ vãng, tâm lý thông thường của nhiều người xa xứ. Lòng yêu cội rễ của Dạ Lam có lẽ nặng tình ở ý đồ “Viết ca khúc, trước hết để công chúng người Việt chấp nhận”.
Trăng và Em dẫn người nghe tới vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu con người. Mỗi ca khúc đều có sức gợi. Âm nhạc của Thảo Hương - jazzy Dạ Lam là sự thăng hoa của một tâm hồn giàu tình cảm.
Trong công nghệ giải trí và truyền thông hôm nay, các sản phẩm âm nhạc là kết quả không chỉ của riêng nhạc sỹ. CD “Trăng và em” lay động được người nghe, cần tính tới sự ăn ý rất nhịp nhàng giữa Jazzy Dạ Lam và bạn nhạc Phương Nam(2), người dàn dựng, phối khí v.v...
Tôi chắc chắn rằng, Phương Nam đã chia sẻ rất nhiều với tác giả, bởi sự hòa âm phối khí “không hề dụng công phô diễn kỹ thuật mới’’, tùy theo từng ca khúc Phương Nam đã làm đẹp thêm linh hồn của tác giả.
Tôi đã lắng nghe “Trăng và Em’’, “Khúc đêm’’, “Vạt trăng’’, “Dạo khúc’’, “Võng đêm’’, “life is’’ một cách say mê như lạc vào một cõi khi ám ảnh, khi mong manh và mộng mị. “Hãy về đây” là ca khúc có thể làm CD trẻ ra, làm vui rộn rã lên khi toàn CD đã đầy một khung cảnh âm nhạc vốn chậm, buồn buồn của các bài khác.
Tâm sự với tôi, tác giả Trăng và Em tự nhận thức: giọng hát của cô có thể truyền cảm, nhưng còn nhiều hạn chế, do không được học thanh nhạc một cách chính quy, nên không thể hiện được hết được vẻ đẹp của tác phẩm.
Trong CD này, cô chỉ nhìn mình trong tư cách một nhạc sỹ sáng tác tự trình bày ca khúc của mình chứ không với tư cách ca sỹ. Theo tôi, chất giọng của Dạ Lam yếu và chưa đủ đầy đặn để phản ảnh hết cái đẹp của các ca khúc.
Có lẽ đấy là hạn chế duy nhất của CD mà công ty Phương Nam vừa phát hành. Hy vọng trong tương lai, Dạ Lam sẽ vượt qua mọi khó khăn về không gian và tài chính, hợp tác chặt chẽ với các ca sỹ trong nước để có thể có những CD với chất lượng hoàn mỹ hơn.
Lắng nghe Trăng và em, tôi tưởng tượng thấy một đường phố trong đêm vắng đầy sương khói và trăng cao... Tại một góc phố ấy, có một tốp nhạc người da màu đang chơi nhạc; tiếng kèn lửng lơ chầm chậm bay theo bóng một người con gái Việt Nam lướt trên ánh vàng rơm của trăng.
Những vệt trăng ướt tạo bởi các quãng trống giữa những ngôi nhà, hàng cây... mặt đường hiện lên một phím đàn. Hình như còn có mùi hương cây cỏ thảo thơm ngào ngạt của cánh đồng quê hương…
Nước Đức mùa thu 2005
Theo Tiền Phong
1 - Nguyễn Hải đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội với bộ môn cor, sau đó tốt nghiệp khoa sáng tác tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.
2 - Phương Nam cùng học nhạc với Thảo Hương từ Việt sau đó tiếp tục tu nghiệp tại Nga và Đức và hiện nay là pianist trong dàn nhạc Bigband của Quân đội C.H.L.B Đức