Alexander Đại đế - Á thần Hy Lạp hay phàm nhân với ý chí sắt đá?
(Dân trí) - "Alexander Đại đế - Huyền thoại xứ Macedonia" là cuốn sách được viết bởi sử gia Philip Freeman. Tác phẩm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà chinh phục vĩ đại nhất lịch sử.
Dựa trên những ghi chép từ các sử gia Hy Lạp và La Mã, cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về vị hoàng đế lừng danh, từ tài năng quân sự, tầm nhìn chính trị đến những mặt tối trong hành trình chinh phục của ông.
Khi nhắc đến thế giới phương Tây cổ đại, Hy Lạp và La Mã là 2 nền văn minh tiêu biểu với những nhân vật vĩ đại có sức ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.
Trong số đó, Alexander Đại đế (Alexander III xứ Macedonia) là một trong những nhà chinh phạt vĩ đại nhất lịch sử, người mà Julius Caesar luôn ngưỡng mộ và coi là tấm gương để noi theo với lòng thành kính sâu sắc.
Lên ngôi từ năm 20 tuổi và trong suốt 13 năm trị vì, Alexander Đại đế đã xây dựng nên một đế chế rộng lớn tới mức mà ít ai trong lịch sử có thể sánh bằng. Có chăng chỉ có Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ là đạt được thành tựu tương tự như vậy về mặt lãnh thổ, nhưng ông đã làm điều đó trong một khoảng thời gian dài hơn rất nhiều so với Alexander.
Tuy chiến công hiển hách là vậy, nhưng những tư liệu lịch sử viết về Alexander Đại đế lại có nhiều mâu thuẫn, khó xác minh được tính thực tế.
Những bản tiểu sử viết về ông ngay trong lúc ông còn sống và ngay sau khi ông qua đời đều đã biến mất khỏi thư viện của Hy Lạp và La Mã vào cuối thời kỳ cổ đại, dẫn đến việc có được những mô tả chính xác về vị hoàng đế này cũng khó khăn như khi tìm hiểu về Chúa Giê-su hay triết gia Socrates vậy.
Dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng các ghi chép trung gian của các sử gia sống sau thời Alexander III nhiều thế kỷ ở Hy Lạp và La Mã như Arrian và Plutarch cùng nhiều nguồn tư liệu cổ đại lẫn hiện đại khác, sử gia kiêm giáo sư khoa học nhân văn Philip Freeman đã cho ra đời bản tiểu sử khá đầy đủ và lôi cuốn về vị hoàng đế lẫy lừng này với tựa đề Alexander Đại đế - Huyền thoại xứ Macedonia.
Với lối hành văn thận trọng, không thiên kiến, tác giả đã kể lại một câu chuyện phi hư cấu tuyệt vời về vị hoàng đế huyền thoại này, trong đó đã có sự sàng lọc chỉnh lý thông tin theo độ tin cậy và kèm theo những luận giải dễ hiểu về các sự kiện lịch sử, qua đó giúp độc giả có một hình dung chân thật nhất về Alexander III và thời đại của ông.
Được tôn xưng là "con trai thần Zeus", Alexander Đại đế đã dẫn đầu một đội quân gồm những người lính Macedonia dày dạn kinh nghiệm đi qua cả 3 châu lục, chinh phục toàn lãnh thổ Hy Lạp (trừ Sparta), Ba Tư và phần lớn Ấn Độ.
Mọi cuộc chinh phạt lẫy lừng của ông đều được trình bày chi tiết và sống động dưới ngòi bút bậc thầy của sử gia Freeman.
Trên hành trình này, có lúc ông hiện lên như một bạo chúa tàn bạo, như lần ông đóng đinh tử hình 2.000 người dân thành phố Tyre, có khi lại được tôn lên như người anh hùng giải phóng, tiêu biểu là khi chinh phục Ai Cập vào năm 332 TCN.
Alexander Đại đế được người Ai Cập hoan nghênh như một vị cứu tinh, được tôn làm Pharaoh, sáng lập ra thành phố Alexandria.

Bìa cuốn "Alexander Đại đế - Huyền thoại xứ Macedonia" (Ảnh: Bách Việt).
Là một học trò của triết gia trứ danh Aristotle, ông được giáo dục về cả đạo đức, chính trị lẫn khoa học và điều này có lẽ đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách ông cai trị và tiếp cận các nền văn hóa khác.
Là một chiến binh đáng gờm và một chiến lược gia thiên tài, ông đương nhiên hoàn toàn có thể ra lệnh và buộc người khác phải tuân theo. Nhưng với tinh thần học hỏi cao, Alexander Đại đế lại luôn sẵn lòng đặt câu hỏi và tìm kiếm ý kiến từ mọi người.
Ông thậm chí còn chủ động gặp gỡ cư dân tại các thành phố bị chinh phục, hỏi họ về cách đối xử của binh lính Macedonia và thu thập quan điểm về những người cai trị địa phương.
Alexander Đại đế cũng rất thấu hiểu con người và biết cách đoàn kết cả đế chế. Ông nghiêm cấm quân lính cướp bóc các thành phố bị chiếm đóng, giúp cư dân nơi đó không căm ghét sự cai trị của mình.
Nhờ đó, ông nhận được lòng trung thành từ những thành phố đã bị chinh phục. Những binh sĩ ngã xuống đều được chôn cất trọng thể và gia đình họ được chăm sóc chu đáo. Điều này khiến quân đội trung thành tuyệt đối và chiến đấu hết mình vì ông.
Đối với binh sĩ, Alexander không coi mình cao hơn họ mà sẵn sàng chịu gian khổ cùng họ. Ông luôn đi bộ cùng binh lính của mình thay vì đứng trên cỗ xe vàng.
Có lần, khi Alexander và quân đội đang chết khát trên sa mạc, một người tìm được một ít nước và mang đến cho Alexander, với hy vọng ít nhất hoàng đế có thể uống để duy trì sức lực. Nhưng Alexander ngay lập tức đổ nước xuống đất trước mặt các binh sĩ. Thông điệp ông đưa ra rất rõ ràng: "Ta sẽ không uống nước nếu các ngươi cũng không có nước để uống".
Ngoài những điều trên, một trong những điều quan trọng nhất đã khiến Alexander III trở thành một Đại đế đó là niềm tin mãnh liệt của ông vào bản thân.
Mẹ ông, Olympias, vốn là một phi tần có xuất thân ngoại quốc của Vua Philip II, cha của Alexander. Vì bà không được tin cậy nên cha của Alexander từng lưu đày ông khi còn nhỏ. Thậm chí, có lúc cha ông còn cố gắng giết ông.
Thế nhưng, Alexander vẫn giữ vững niềm tin rằng mình là người đặc biệt và sẽ tạo nên điều vĩ đại. Ông nỗ lực hết sức để trau dồi bản thân và học hỏi càng nhiều càng tốt.
Alexander từng nói: "Trên thiên đường không thể có hai mặt trời thì dưới mặt đất cũng không thể có 2 chủ nhân". Cả đời Alexander khát khao vươn tới sự vĩ đại và ông đã thực sự đạt được nó, dù cho khát vọng chinh phục toàn thế giới của vị hoàng đế trẻ tuổi đã phải kết thúc dang dở ở tuổi 32, kéo theo đó là sự sụp đổ của Đế quốc Macedonia.
Dù vậy, ảnh hưởng của ông vẫn còn vang vọng trong lịch sử. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi liệu ông là một vị vua vĩ đại hay chỉ đơn thuần là một bạo chúa.
Dưới ngòi bút của sử gia Philip Freeman, Alexander Đại đế hiện lên dưới cái nhìn của người đương thời, không phải một huyền thoại xa vời mà là một con người thực sự, với cả vinh quang và bi kịch.
Trong bối cảnh xã hội bạo lực và mê tín thời bấy giờ, Alexander quả xứng đáng với danh hiệu á thần, hoặc một phàm nhân phi thường, có một không hai trong lịch sử nhân loại.