Ái Vân: Có những lúc chạnh lòng, nhớ da diết ...
Vẫn nụ cười và vẻ đẹp rất Việt Nam, vẫn giọng hát nhẹ nhàng trong trẻo không lẫn vào đâu được, vẫn ánh mắt nâu xoe tròn và nước da trắng mịn, 52 năm, dấu ấn thời gian vẫn không hề hiện hữu trên khuôn mặt và giọng hát của chị.
16 năm xa xứ, 38 năm để nhìn lại những chặng đường đã qua, người nghệ sĩ ấy vẫn không thôi khắc khoải, không thôi nhớ mong, không thôi da diết trong từng câu hát và nỗi nhớ về Hà Nội - nơi chị đã sinh ra và lớn lên.
Cảm giác về Việt Nam lần này có khác những lần trước không?
- Thật ra thì năm nào Ái Vân cũng về, diễn ở Hà Nội thì lần này là lần thứ 3, lần đầu tiên là năm 2002. Chương trình lần này đặc biệt hơn tất cả những chương trình khác vì là để kỷ niệm 20 năm thành lập Nhà hát ca múa NNTW. Trong tôi đầy ắp những cảm xúc của những ngày hạnh phúc khi đứng trên sân khấu cạnh các bạn đồng nghiệp.
Đây là lần đầu tiên sau rất là nhiều năm, các ca sĩ, từ những thế hệ nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam hồi đó, những anh chị em nghệ sĩ đã từng gắn bó với nhau đến bây giờ mới có cơ hội để lại được đứng cùng nhau trên sân khấu và sống lại cái thời rất hưng thịnh của nền nhạc nhẹ Việt Nam, có thể coi đó là thời vàng son. Bên cạnh đó thì còn được đứng chung sân khấu với các ca sĩ trẻ, thế hệ ca sĩ rất có tài như Thanh Lam, Việt Hoàn...
Mỗi lần trở về, là mỗi lần thấy nhớ hơn một Hà Nội đã nuôi mình khôn lớn, nơi đã cho mình tất cả những vinh quang của nghề nghiệp, nơi có những khán giả luôn thương yêu chào đón. Nên mỗi lần về, lại cảm thấy bồi hồi ghê lắm!
Cảm xúc ấy thật khó diễn tả...?
Mỗi lần về, tôi đều đi chơi rất nhiều nơi, đến những nơi đã từng gắn bó, rồi đi mua sắm, đi ăn quà...(cười). Lần này thì bận hơn, về từ hôm thứ 7, ngày 08/04, tôi phải dành hết thời gian để tập luyện cho chương trình chào mừng sinh nhật 20 năm của nhà hát. Ngoài những ca khúc quen thuộc đã gắn bó như "Triệu đóa hoa hồng", "Ru con mùa đông"...sẽ là những sáng tác của anh Đức Huy. Được đứng hát với bầu không khí rất là vui, rất là cảm động và đặc biệt hát cùng với các em xinh ơi là xinh, trẻ ơi là trẻ, nên cảm giác sung sướng lắm. (cười)
Mỗi lần về, điểm đến đầu tiên của chị sẽ là nơi nào?
Bao giờ tôi cũng về thăm bố trước. Bố tôi đang sống tại thành phố HCM. Rồi đi thăm người thân và tất cả bạn bè.
Chị thấy các ca sĩ nhạc nhẹ bây giờ có khác nhiều thế hệ các chị trước đây hay không?
Có khác và cả không khác. Khác ở chỗ là thời xưa của bọn tôi là cái thời phôi thai của nhạc nhẹ Việt Nam, nên là nó thiếu thốn, nó khó khăn về rất nhiều phương diện, từ vật chất như âm thanh - ánh sáng - trang thiết bị của dàn nhạc. Hồi đó mà có cái đàn keyboard là cả đoàn mừng ghê lắm, còn lúc đầu chỉ có đàn accordeon. Đi biểu diễn thì rất là gian khổ, hai mươi mấy con người xếp trong một cái xe du lịch, xăng thì chở ngay đằng sau đuôi xe, vất vả lắm. Nhưng bù lại, được khán giả ở khắp nơi đón nhận rất nồng nhiệt, từ mà người ta hay dùng bây giờ là "Hot" đấy! (Cười). Các em bây giờ có điều kiện hơn bọn chị rất nhiều, cả về vật chất, thông tin, để có thể khẳng định và phát triển nhanh hơn. Thế hệ ca sĩ trẻ của Việt Nam rất tài năng.
Chị làm quen với âm nhạc từ bao giờ?
Khi còn bé, năm 7 tuổi tôi đã đi hát và đóng kịch ở Nhà hát kịch Trung Ương. Nhưng chính thức thì gần 16 tuổi chị mới được tuyển và đào tạo chính quy ở Nhạc viện Hà Nội.
Chị là nghệ sĩ trẻ nhất thời bấy giờ được phong danh hiệu NSƯT?
Trẻ nhất thì cũng không đúng nhưng mà là người nghệ sĩ đầu tiên của dòng nhạc nhẹ, năm 1988 Khi đó tôi 34 tuổi.
Chị thấy "gu" thưởng thức âm nhạc của người Việt trong nước có khác ở nước ngoài?
Theo tôi thì là không. Tại vì bây giờ là thời đại công nghệ thông tin mà, hơn nữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn được thưởng thức các sản phẩm văn hoá trong nước. Các ca sĩ trong nước đi biểu diễn ở nước ngoài cũng rất nhiều. Cho nên sự nhận biết và thưởng thức có lẽ là không khác.
Chị sang Mỹ năm nào?
Năm 1990, khi tôi 36 tuổi. Hồi mới sang thấy xa lạ lắm. Ở nhà thì mới thức dậy đã nghe biết bao những âm thanh cuộc sống, tiếng rao quà, tiếng xe cộ, tiếng cười nói...còn ở Mỹ thì cuộc sống rất khép kín và riêng tư. Họ sống tự nhiên thoải mái lắm, và mình buộc phải làm quen với tất cả. Một thân một mình, không quen ai, nên buộc mình tự vượt qua và không biết tương lai sẽ ra làm sao nữa.
Hồi ấy chị có biết những tin đồn về Ái Vân không?
Tất nhiên là biết chứ. Hồi mới sang, tôi chưa đi hát ngay, cuộc sống của tôi rất là âm thầm, thế nên mới có những tin đồn này nọ. Nhưng tôi không buồn!
Kể cả khi nghe những điều không đúng?
Thì khi một người ra đi thì có lẽ những người ở lại phải thương mình, nhớ đến mình thì mới suy nghĩ về mình chứ. Có một người bạn của tôi khi thấy tôi bị những tin đồn không đúng, đã nói như thế này: Đừng có buồn nhé, có tin đồn, dù là tốt hay xấu, chứng tỏ mọi người vẫn luôn nghĩ đến mình, nhớ đến mình, thì vẫn còn tốt hơn là không ai nhắc nhở gì đến mình.
Những ngày đầu tiên nơi đất khách, chắc hẳn khó khăn nhiều lắm?
Những ngày đầu tiên sang đó, tôi chưa đi hát nên rất nhớ nhà, nhớ con, nhớ khán giả nhà mình ghê lắm. Tất cả đều xa lạ. Đến khi đi hát thì là sự cạnh tranh. Dù ngành nào cũng thế, nhưng với nghệ thuật, sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Cạnh tranh về nghệ thuật với đồng nghiệp và với chính mình. Mỗi lần mình xuất hiện buộc phải có một dấu ấn mới. Làm sao phải hoà nhập với cách thưởng thức của Kiều bào. Tôi là người Hà Nội, nghĩa là Bắc ơi là Bắc ý, mà khán giả lại chủ yếu là người miền Nam. Từ một kiểu hát được đào tạo kiểu opera, vang, thì cách mà khán giả muốn là chị phải hát nhẹ hơn, thủ thỉ hơn, mềm mại hơn, nên chị cũng phải tập luyện nhiều lắm.
Cuộc sống của chị bây giờ thế nào?
Cuộc sống của tôi giờ đây cũng bình lặng như những người phụ nữ bình thường khác. Chỉ cuối tuần mới đi biểu diễn. Còn những ngày thường thì chăm sóc con cái, thu vén gia đình, hoặc rảnh rỗi thì cùng cả nhà đi xem phim, mua sắm. Con trai tôi đã 21 tuổi, đang học đại học Thương mại và một con gái đang học trung học.
Sẽ có một ngày, chị sẽ ở lại Việt Nam chứ?
Đương nhiên rồi, lá rụng về cội mà, phải không? Nếu như ví cuộc đời như một chiếc cầu thì chị đã qua được hơn nửa chiếc cầu đó rồi. Nhưng bây giờ thì chưa về được, bởi các con tôi vẫn đang đi học và chúng rất cần có mẹ. Trước tiên, tôi đã mua một căn nhà ở TP. HCM, có lẽ từ bây giờ sẽ có cơ hội để được trở về nhiều hơn.
Chị với anh Trần Bình, bố của con trai chị, bây giờ thế nào nhỉ?
Thì như em thấy đấy, bây giờ tôi là "lính" của anh ấy mà! (cười). Nói đùa thôi, chứ còn bây giờ mỗi bên đều đã có một gia đình yên ổn của mình rồi. Về riêng tư thì vẫn có một mối quan tâm chung là cậu con trai mà. Và quan trọng là cả hai đều vẫn gắn bó với nhạc nhẹ, anh Bình bây giờ là giám đốc nhà hát NNTW. Bọn mình vẫn là bạn, là đồng nghiệp của nhau.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, kỷ niệm nào làm chị nhớ nhất?
Tôi nhớ nhất những đêm Hà Nội sau cơn mưa. Tôi thường đạp xe quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, vì nhà ở gần đó mà, đường vắng teo. Đường phố Hà Nội lúc ấy sạch sẽ lắm và nó có mùi thơm của lớp không khí vô cùng trong lành. Rồi những đêm khoảng tháng 11, đạp xe trên đường Nguyễn Du, trên đường đi học về mà, mùi hoa sữa luôn làm tôi nhớ da diết những tháng ngày sinh viên trong sáng đó.
Những đêm ở Mỹ, những đêm sau cơn mưa, có gì khác?
Không chỉ là những đêm sau cơn mưa, mà có những lúc mình chạnh lòng, nhớ da diết tất cả mọi thứ, nỗi nhớ ấy nó cứ âm ỉ, làm tôi đôi lúc thấy nhói đau.
Và những căng thẳng, sức ép ở nơi đất khách, chị giải toả bằng cách nào?
Tôi thường chui vào thư viện, lôi những cuốn sách ra đọc. Thích đọc nhất là những cuốn dạy nấu ăn. Tôi có một thú vui là rất thích nấu ăn. Đấy cũng là cách để quên đi những điều buồn nhất. Tôi có thể nấu được món phở Hà Nội rất là ngon nhé, cả chả cá này, bún riêu cũng nấu được này, rồi một số món tây nữa đấy!
Có bạn bè để chia sẻ vui buồn không?
Tôi có rất ít bạn thân. Nhưng đó những người bạn rất tuyệt vời, có thể lắng nghe, chia sẻ mọi thứ. Họ cho tôi cảm giác được an toàn.
Chị có sợ sự phản bội không?
Sợ lắm!
Đã bao giờ bị phản bội chưa?
Hình như...cũng hơn một lần rồi! Lúc ấy tôi đã rất chơi vơi. Có những lúc mình đã không biết tin ai hết nữa. Nhưng rồi tôi vẫn phải tự gắng gượng để đứng dậy, để vượt qua. Giống như người Pháp có câu: C"est la vie! (Đời là thế!) và bởi "Biển sâu thì đo được nhưng lòng người thì không đo được". Thế nên tôi luôn nghĩ rằng, khi mình quyết định sai, mình vấp ngã xong thì mình phải đứng dậy chứ, đúng không! Và tôi thường nghĩ đến nghệ thuật, nguồn động viên, cứu cánh cho tôi những lúc tưởng như đã gục ngã.
Bây giờ chị ít hát hơn, chỉ diễn vào những ngày cuối tuần, nghỉ hát thì chị sẽ làm gì?
Nghệ thuật là lẽ sống của tôi. Nếu không làm nghệ thuật thì có lẽ là cũng chẳng biết làm gì nữa. Nếu mà không đi hát thì chẳng làm gì nữa, sẽ làm...thinh vậy! (cười).
Nghệ thuật mang lại nhiều mà lấy đi thì bao nhiêu?
Mình cống hiến cho nghệ thuật thì đúng hơn, tự nguyện mà. Cả tuổi trẻ của mình, những ham muốn của mình và đôi khi là cả hạnh phúc gia đình của mình nữa.
Có lúc nào ân hận vì những quyết định?
Trong đời ai cũng có những sai lầm. Có những điều đã mất đi và không bao giờ có thể làm lại được.
Điều đầu tiên sẽ làm lại nếu được sẽ là gì?
À, chắc chắn điều làm lại đầu tiên là vẫn...đi hát!
Chị có lời khuyên nào với các ca sĩ trẻ muốn lập nghiệp ở nước ngoài?
Nghề nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, bên cạnh những điều vinh quang cũng sẽ có rất nhiều cạm bẫy. Tôi chỉ mong các bạn trẻ hãy luôn là chính mình, hãy trân trọng những gì nghệ thuật đã mang lại cho mình và đứng vững trước những thử thách, cám dỗ.
Mong muốn bây giờ của chị là gì?
Có một cuộc sống bình yên, ổn định. Sẽ tham gia những chương trình mà mình yêu thích. Ca hát vẫn là niềm đam mê nhưng không phải vì những lý do vật chất, vì cơm áo gạo tiền nữa, mình có quyền chọn những chương trình mình thích. Tôi thấy mình hạnh phúc lắm, vẫn hát, vẫn được khán giả đón nhận và yêu mến.
Theo Vietnamnet